Tạo nền tảng để học sinh dân tộc thiểu số tiếp cận tri thức
Để giúp học sinh dân tộc thiểu số thuận lợi hơn khi đi học, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án 'Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025'. Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng ban hành Thông tư về việc dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp một. Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên đã chỉ đạo các trường học xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện đề án, góp phần nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số.

Năm học 2024-2025, trên địa bàn huyện Võ Nhai có 21/23 trường tiểu học triển khai dạy học tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1, với 64 lớp, 924 học sinh.
Năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 200 trường tiểu học và 27 trường phổ thông có cấp tiểu học, với tổng số 3.951 lớp học, 117.493 học sinh. Trong đó, tổng số học sinh lớp 1 là: 22.116 em, học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) lớp 1 là 9.184 (chiếm tỷ lệ 41,52%). Học kỳ 1, năm học 2024-2025 có 51 trường tại 3 huyện (Đồng Hỷ, Định Hóa, Võ Nhai) thực hiện dạy và học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1 trong 2 tuần của tháng 8, với tổng số 150 lớp, 2.622 học sinh.
Bên cạnh đó, chương trình dạy tiếng Việt cũng đã được triển khai tại 45 trường mầm non thuộc 5 huyện, thành, với 501 nhóm, lớp. Đến nay, tổng số trẻ là người DTTS được tăng cường tiếng Việt là 8.114 trẻ (gồm 1.617 trẻ nhà trẻ và 6.497 trẻ mẫu giáo). Tỷ lệ huy động trẻ DTTS đi nhà trẻ đạt 35,4%; trẻ mẫu giáo đạt 94,36%; 100% trẻ mẫu giáo 5 tuổi người DTTS ra lớp được đánh giá hoàn thành chương trình và được chuẩn bị tiếng Việt trước khi vào lớp 1.
Bà Nguyễn Thị Quốc Hòa, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT) cho biết: Việc dạy tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và tiểu học DTTS đã góp phần nâng cao năng lực tiếng Việt cho học sinh. Với nền tảng tiếng Việt tốt, học sinh có thể học các môn học khác dễ dàng hơn, hiểu bài hơn. Từ đó, tạo hứng thú, chủ động cho trẻ trong học tập, giúp các em tiếp thu kiến thức ở bậc tiểu học nhanh hơn.
Đây cũng là một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh DTTS; góp phần đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó, quan tâm đến đối tượng là người DTTS, người sống ở miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tạo nền tảng qua trọng để học sinh DTTS tiếp cận tri thức mới... - bà Nguyễn Thị Quốc Hòa
Để triển khai hiệu quả chương trình, Sở đã chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các nhà trường chú trọng dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non trên cơ sở tiếng mẹ đẻ; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy cho cán bộ quản lý và giáo viên trong dạy học tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1. Các trường học đã thực hiện nghiêm túc thời gian dạy và học tiếng Việt; linh hoạt thực hiện các phương pháp dạy học, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho trẻ là người DTTS trước khi vào lớp 1.
Đồng thời, chú trọng dạy tiếng Việt theo quan điểm tích hợp và đa văn hóa; tích hợp dạy tiếng Việt với dạy các kỹ năng học tập ban đầu và văn hóa dân tộc. Đội ngũ giáo viên được phân công dạy học đa số là người địa phương, biết tiếng mẹ đẻ của học sinh, do đó thuận lợi trong việc dạy và học.

Trường Tiểu học Linh Thông (Định Hóa) tổ chức tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1.
Bên cạnh đó, các giáo viên luôn tích cực chủ động nghiên cứu tài liệu, thảo luận cùng các đồng nghiệp, từ đó tăng sự tương tác của trẻ. Các giáo viên đều tham gia giảng dạy với tinh thần tự nguyện, không có chế độ hỗ trợ và luôn tâm huyết, song hành cùng trẻ hoàn thành kiến thức chương trình với 6 chủ đề (Em và bạn bè; Em và nhà trường; Em và gia đình; Em và bản làng; Em và thiên nhiên; Ước mơ của em) trong Bộ tài liệu “Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em là người DTTS trước khi vào lớp 1” theo Thông tư số 23/2023-TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT. Qua lớp học, một số kỹ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng tiếng Việt ở các phương diện: Nghe, nói, đọc, viết; kỹ năng giao tiếp - ứng xử xã hội của trẻ là người DTTS đã được hình thành.
Việc thực hiện tốt tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS trên địa bàn, đã tạo tiền đề vững chắc để học sinh học tập tốt tất cả các môn học cũng như tiếp cận kiến thức mới. Nhờ đó, toàn tỉnh đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; huy động 100% trẻ 6 tuổi vào lớp 1; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 98,5%. Học kỳ 1 năm học 2024-2025, toàn tỉnh có 74.289/117.492 học sinh lớp 1, 2, 3, 4, 5 hoàn thành tốt môn tiếng Việt (đạt 63,2%), 42.137 học sinh hoàn thành (đạt 36%); đối với môn Toán: số học sinh hoàn thành tốt: 78.350 em (đạt 66,7%), 38.006 học sinh hoàn thành (đạt 32,3%)...