Học Bác từ những điều nhỏ nhất

Sáng nào cũng vậy, chị Vũ Thị Minh Nguyệt làm việc tại bộ phận kho xuất hàng Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu) cũng đến công ty sớm hơn mọi người để vệ sinh kho, sắp xếp nguyên liệu gọn gàng để chuẩn bị bắt đầu công việc cho ngày mới. Theo chị, mỗi công nhân nên tập cho mình tác phong đi làm đúng giờ, cẩn thận để làm việc khoa học và hiệu quả hơn.

Công nhân Vũ Thị Minh Nguyệt làm việc tại bộ phận kho xuất hàng Công ty TNHH Changshin Việt Nam

Công nhân Vũ Thị Minh Nguyệt làm việc tại bộ phận kho xuất hàng Công ty TNHH Changshin Việt Nam

* Tự giác trong công việc

Gắn bó với công ty từ những ngày đầu thành lập cho đến nay đã 23 năm, từ công nhân đứng máy gọt sản phẩm, chị Nguyệt đã không ngừng phấn đấu và khẳng định bản thân qua từng sản phẩm và những sáng kiến hữu ích. Chị còn vinh dự được kết nạp Đảng tại doanh nghiệp và được công nhân bầu làm Tổ trưởng Công đoàn tại bộ phận kho của công ty.

Chị Nguyệt cho biết, bản thân vừa là đảng viên vừa là Tổ trưởng Công đoàn, chị luôn tích cực tham gia các phong trào đoàn thể, công tác xã hội do công ty, Đảng bộ và Công đoàn phát động. Trong đó, phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong sản xuất đã được chị hưởng ứng, tham gia tích cực. Với chị, mỗi ngày làm việc hiệu quả, tự giác nâng cao tay nghề vừa giúp chị có nhiều trải nghiệm mới trong công việc, vừa là cơ hội để tăng thu nhập.

“Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác không phải điều gì đó xa vời mà rất gần trong những công việc thường ngày. Là công nhân thì việc học Bác được thể hiện ở tác phong làm việc chăm chỉ, cần mẫn, chịu khó học tập, nghiên cứu để có phương pháp cải tiến kỹ thuật, áp dụng giải pháp mới hữu ích hơn cho sản xuất”- chị Nguyệt chia sẻ

Với quan niệm ấy, ngoài làm việc bằng sự đam mê, chị Nguyệt đã đóng góp nhiều sáng kiến được lãnh đạo công ty ủng hộ, đánh giá cao. Tiêu biểu trong số đó là sáng kiến kết hợp khuôn Ode trên và dưới cùng một khuôn cho mã hàng giày chứ không dùng nhiều khuôn riêng biệt như trước. Nhờ đó, giảm được nhân lực cho công đoạn này, tiết kiệm cho doanh nghiệp.

Theo chị Nguyệt, bản thân mỗi công nhân làm việc hoàn thành, đúng chỉ tiêu sản phẩm thôi chưa đủ mà phải tự mày mò, nghiên cứu để cải thiện những công đoạn, chi tiết không cần thiết, mất nhiều thời gian làm việc. Vì vậy, chị luôn tìm tòi những bất cập trong sản xuất để cải thiện ngay. Ngoài sáng kiến trên, chị còn có hàng chục giải pháp, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài lao động sáng tạo được đăng ký và xét duyệt. Qua đó, góp phần cùng doanh nghiệp ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm chi phí quản lý, định mức tiêu hao nguyên vật liệu.

* Truyền lửa cho nhiều công nhân trẻ

Chị Nguyệt cho rằng, khó khăn, thất bại là điều không thể tránh khỏi trong quá trình làm việc, song đó cũng là thử thách mà công nhân phải vượt qua. Là lao động có thâm niên, chị đã chủ động dẫn dắt, chia sẻ kinh nghiệm cho những công nhân mới vào nghề và truyền lửa nhiệt huyết cho họ.

Hằng ngày, ngoài trách nhiệm với công việc, chị dành thời gian đến từng chuyền sản xuất kiểm tra, thăm hỏi công nhân, đặc biệt là lao động nữ. Nhiều chị em đã tin tưởng chia sẻ những vui buồn trong công việc, cuộc sống với chị, tìm ở chị những lời khuyên, từ đó có nhận thức, lối sống cũng như cách ứng xử tốt hơn.

Ngoài ra, chị thường xuyên cùng với Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tuyên truyền các chính sách pháp luật đến người lao động. Nhờ sự nhiệt tình của chị mà hiện nay, hầu hết các đoàn viên đã hiểu về vai trò của Công đoàn cũng như những quyền lợi mà công nhân được hưởng. Chị luôn chủ động nắm bắt tình hình, hoàn cảnh của từng đoàn viên Công đoàn để kịp thời báo lên Công đoàn cơ sở quyên góp giúp đỡ.

Chị Nguyệt bộc bạch: “Là người trực tiếp làm việc với công nhân nên hơn ai hết tôi hiểu được những trăn trở của họ. Do đó, khi công nhân gặp khó khăn về vấn đề nào, tôi đều đề xuất lên Công đoàn để nắm bắt tình hình và kịp thời giải quyết. Bản thân tôi trực tiếp giải đáp mọi vướng mắc trong công việc cho công nhân, giúp họ hiểu vấn đề, làm việc đúng quy định và hiệu quả hơn”.

Phó chủ tịch Công đoàn cơ sở công ty Đoàn Thị Kim Loan cho hay, chị Nguyệt là gương điển hình tiêu biểu về tinh thần học Bác, tạo được sự lan tỏa trong tập thể đoàn viên, người lao động. Với lối sống giản dị, cởi mở và trách nhiệm, chị Nguyệt luôn hoàn thành xuất sắc công việc được giao. Nhiều năm liền chị được nhận bằng khen của Công đoàn các cấp và khen thưởng từ Đảng bộ công ty vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Lan Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chinhtri/202003/hoc-bac-tu-nhung-dieu-nho-nhat-2991802/