Học giả Iran: Việt Nam vận dụng truyền thống dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu

Trên cơ sở vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin, kế thừa truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới và các triết lý tiến bộ của thời đại, Việt Nam đã xây dựng một trường phái đối ngoại và ngoại giao độc nhất và xuất sắc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

Một truyền thống với gốc rễ vững chắc giúp bảo vệ đất nước trước nhiều mối đe dọa trong thời đại đầy biến động và tạo sự tin cậy trong mắt bạn bè thế giới về đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất, cần cù và sáng tạo. Đây là nhận định của Tiến sĩ Abed Akbari, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách đối ngoại Tehran (Iran), trong bài viết về trường phái "ngoại giao cây tre của Việt Nam" đăng trên báo Iran Daily, một tờ báo lớn và uy tín của Chính phủ Iran.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông-Bắc Phi, Tiến sĩ Akbari khẳng định bài diễn văn của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra vào tháng 12/2021 về xây dựng và phát triển nền ngoại giao Việt Nam hiện đại bao hàm nhiều nội dung định hướng và chỉ đạo vừa mang tính khoa học vừa có tính thực tiễn đối với hoạt động đối ngoại. Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại Tehran đánh giá: "Việt Nam sử dụng khái niệm 'Ngoại giao cây tre' như một phép ẩn dụ về tính kiên cường nhưng rất mềm dẻo và thích ứng cao trong chính sách đối ngoại. Việt Nam sử dụng bản sắc dân tộc để thúc đẩy vị thế toàn cầu, tiến bộ và phát triển bền vững, tạo dựng ảnh hưởng trong khu vực và ngày càng tham gia tích cực trong các mối quan hệ toàn cầu".

Đánh giá về chính sách đối ngoại của Việt Nam, Tiến sĩ Akbari cho rằng sự kết hợp tổng hòa các yếu tố sức mạnh quốc gia, bao gồm bản sắc, chính trị, kinh tế, cùng với phương châm ngoại giao lấy quốc gia, dân tộc làm trung tâm để thúc đẩy hợp tác quốc tế, cho thấy một tư duy mang đậm chủ nghĩa hiện thực về cách tiếp cận trong chính sách đối ngoại. Chiến lược tổng thể của trường phái "ngoại giao cây tre" là nhằm mục đích xây dựng đất nước, nâng cao năng lực quốc phòng, nâng cao ý chí và quyết tâm cũng như tạo động lực cho toàn hệ thống chính trị.

Theo chuyên gia Akbari, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng cho trường phái "ngoại giao cây tre" của Việt Nam và đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng và phát triển nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Các yếu tố cơ bản trong tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, đúc kết từ triết lý và truyền thống ngoại giao trong lịch sử, được kết hợp nhuần nhuyễn với chủ nghĩa yêu nước và bản sắc văn hóa dân tộc. Chính sách hiện nay của Việt Nam thể hiện một nguyên tắc đã và đang rất thành công, đó là đồng thuận quốc gia về phương hướng đã chọn. Các trụ cột đồng thuận trong chính sách đối ngoại của Việt Nam bao gồm độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa dang hóa, đa phương hóa quan hệ với các đối tác, tổ chức quốc tế, là thành viên tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Kết thúc bài viết, tác giả Akbari khẳng định chính sách đối ngoại mà Việt Nam lựa chọn là rất rõ ràng và đáng tôn trọng, cho rằng các nước trên thế giới nên tham khảo các bài học kinh nghiệm của Việt Nam.

Nguyễn Trường ( TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/hoc-gia-iran-viet-nam-van-dung-truyen-thong-dan-toc-de-thuc-day-vi-the-toan-cau-20230705111603144.htm