Học hỏi từ seminar
Những buổi seminar (thuyết trình) khoa học đã không còn xa lạ với sinh viên. Việc tham gia các buổi thuyết trình này không chỉ giúp sinh viên mở rộng kiến thức mà còn hỗ trợ phát triển kỹ năng mềm, tạo cơ hội giao lưu với các chuyên gia và mở rộng cơ hội nghề nghiệp.
Từ khi chuyển sang dãy nhà D (tòa nhà mới) của Trường Đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế vào đầu năm 2024, Khoa Môi trường đã đều đặn tổ chức những buổi seminar đa dạng chủ đề dành cho sinh viên.
Có dịp tham dự một buổi seminar với chủ đề “Hoạt động quản lý môi trường, an toàn vệ sinh lao động, Net-zero và ESG của các doanh nghiệp”, tôi ấn tượng với sự nhiệt tình của các bạn sinh viên khi đặt câu hỏi và tham gia thảo luận. Sinh viên Đoàn Minh Vũ chia sẻ: “Những buổi seminar giúp chúng em tiếp cận với các công nghệ mới, đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu trong ngành nghề đang theo học. Điều này không chỉ mở mang kiến thức mà còn giúp em có định hướng tốt hơn cho việc học và nghiên cứu sau này”.
Theo PGS.TS. Hoàng Công Tín, Trưởng khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế, việc tiếp cận các nghiên cứu và xu hướng mới là một trong những lợi ích quan trọng nhất khi sinh viên tham gia những buổi seminar khoa học: “Kể từ khi chuyển văn phòng khoa về dãy nhà D, khoa được trang cấp thêm phòng thông minh để phục vụ những buổi seminar hay hội thảo khoa học. Nhờ đó, các giảng viên trong khoa cũng tích cực liên hệ với các công ty hoặc các giảng viên để chia sẻ những kinh nghiệm, những nghiên cứu của mình đến với sinh viên. Việc được lắng nghe, tiếp cận với những nghiên cứu vừa công bố có thể giúp sinh viên nắm bắt thông tin về chuyên ngành của mình và có định hướng phát triển phù hợp trong tương lai”.
Bên cạnh việc mở rộng kiến thức, những buổi seminar còn giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng thuyết trình và phản biện. Đồng thời, đây là cơ hội để sinh viên thực hành kỹ năng giao tiếp, diễn đạt ý tưởng một cách mạch lạc và rèn luyện tư duy phản biện thông qua việc đặt câu hỏi và trao đổi với diễn giả. Phan Thị Nha, sinh viên Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học, ĐH Huế cho biết: “Trước đây em khá ngại khi nói trước đám đông, nhưng sau nhiều lần tham gia seminar và đặt câu hỏi, em đã cảm thấy tự tin hơn nhiều”.
Các buổi seminar còn tạo điều kiện để sinh viên gặp gỡ, kết nối với các chuyên gia. Trong một lần tham gia seminar về những dự án giảm phát thải rác thải nhựa, Phan Thị Nha đã có dịp kết nối với dự án “Chuyến đi của rơm”. Từ đó, cô tham gia vào thực hiện dự án và đã có dịp gặp gỡ, kết bạn với những người bạn có cùng đam mê. “Nhờ tham gia seminar, em đã được các anh, chị chủ nhiệm dự án “Chuyến đi của rơm” mời vào nhóm cùng thực hiện dự án. Nhờ đó, bên cạnh việc làm ra các sản phẩm từ rơm, em cũng học hỏi được thêm nhiều kiến thức về giảm phát thải khí nhà kính, cách sống xanh, cách giảm thiểu bước chân sinh thái…”, Nha bộc bạch.
PGS.TS. Hoàng Công Tín cho rằng, việc kết nối với các chuyên gia trong ngành có thể giúp sinh viên học hỏi thêm nhiều điều, đồng thời tìm kiếm cơ hội thực tập, việc làm hoặc thậm chí là tham gia vào các dự án nghiên cứu quan trọng. Một lợi ích quan trọng khác mà seminar khoa học mang lại là khả năng truyền cảm hứng và tạo động lực học tập. Những buổi chia sẻ của các nhà khoa học, chuyên gia không chỉ mang lại kiến thức chuyên môn mà còn giúp sinh viên có cái nhìn thực tế về con đường học tập và sự nghiệp. Đây là một trong những hoạt động quan trọng giúp các bạn trẻ có định hướng phát triển tốt hơn trong học tập và công việc sau này.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/hoc-hoi-tu-seminar-150734.html