Học may tại chỗ, mở lối sinh kế bền vững
Tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong giảm nghèo bền vững. Tại phường An Xuyên, lớp dạy nghề may dân dụng dành cho phụ nữ địa phương nhằm giúp chị em có nghề trong tay, từng bước ổn định sinh kế.
Từ nhu cầu thực tế…
Ở nông thôn, nhiều phụ nữ là nội trợ hoặc lao động nhàn rỗi. Nắm bắt nhu cầu này, từ nguồn kinh phí các chương trình MTQG của tỉnh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau phối hợp với Công ty TNHH MTV Thiên Việt 2 Cà Mau mở lớp may dân dụng miễn phí cho 35 phụ nữ Ấp 8, phường An Xuyên, giúp chị em tiếp cận nghề có tính ứng dụng cao, tạo cơ hội việc làm ổn định.

Chị em phụ nữ Ấp 8, phường An Xuyên phấn khởi vì được học nghề miễn phí. Ảnh: TRÚC LINH
Lớp học kéo dài 3 tháng, đào tạo bài bản từ lý thuyết đến thực hành. Học viên được hướng dẫn sử dụng máy may, kỹ thuật cắt may, thiết kế và hoàn thiện sản phẩm như: áo sơ mi, đầm, váy công sở, đồng phục học sinh,... Kết thúc khóa học, học viên được cấp chứng chỉ nghề, tạo điều kiện xin việc hoặc nhận gia công tại nhà.
Chị Ngô Thị Nhị chia sẻ: “Trước đây tôi chỉ ở nhà làm nội trợ. Từ khi tham gia lớp học, tôi đã biết may những bộ quần áo đơn giản cho cả nhà, và đang tập tành nhận hàng về làm thêm. Có nghề trong tay, tôi cảm thấy yên tâm và tự tin hơn nhiều”.
Tương tự, chị Phạm Hồng Thu cho biết: “Lớp học được tổ chức ngay tại địa phương nên rất thuận tiện, chúng tôi không phải đi xa hay lo chi phí đi lại, ăn ở. Cô giáo dạy tận tình, từng đường kim mũi chỉ đều được hướng dẫn kỹ lưỡng. Đây thật sự là cơ hội quý giá đối với chị em phụ nữ ở Ấp 8”.
…mở ra cơ hội lập nghiệp
Lớp học không chỉ truyền đạt kỹ năng mà còn mở ra cơ hội lập nghiệp cho chị em. Theo cô Phạm Thị Ngọc Diễm, nhiều học viên từ con số 0 nay đã có thể tự may sản phẩm đạt yêu cầu, đủ khả năng nhận hàng gia công hoặc làm việc tại xưởng.

Chị Nguyễn Thị Hằng (bên trái) tự tin khoe bộ đồng phục học sinh vừa may được. Ảnh: TRÚC LINH
Ngoài kỹ năng nghề, học viên còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, tư duy nghề nghiệp và định hướng khởi nghiệp từ mô hình nhỏ. Một số người khá được kết nối doanh nghiệp để nhận hàng hoặc thử việc.
Chị Ngọc Diễm chia sẻ thêm: “Chúng tôi khuyến khích học viên chủ động tìm kiếm cơ hội, mạnh dạn khởi đầu từ những việc nhỏ như nhận sửa quần áo cho bà con xung quanh, sau đó từng bước mở rộng. Quan trọng là phải giữ được đam mê và tinh thần cầu tiến trong nghề”.
Theo bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là phụ nữ, luôn là nhiệm vụ trọng tâm gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bà Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau (bên trái) vui mừng khi thấy thành quả học tập sau gần 3 tháng học may của chị em phụ nữ. Ảnh: TRÚC LINH
Năm 2024, trường mở 46 lớp với hơn 1.520 học viên; từ đầu 2025 đến nay có thêm 20 lớp, gần 700 học viên, đa số là nữ. . “Đây là những con số rất tích cực, phản ánh nhu cầu học nghề thực tế của người dân cũng như nỗ lực của các đơn vị đào tạo trong việc đưa nghề đến với từng địa bàn dân cư”, bà Nhung nhấn mạnh. Việc mở lớp tại chỗ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao tay nghề, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương.
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội chuyển đổi, phụ nữ nông thôn nếu được hỗ trợ đúng cách có thể trở thành trụ cột kinh tế. Lớp học nghề tại phường An Xuyên là minh chứng cho hiệu quả đào tạo gắn với thực tiễn, giúp chị em nâng cao năng lực, tự tin và vị thế trong xã hội. Từ nghề may, nhiều phụ nữ có thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo, làm chủ cuộc sống. Hỗ trợ học nghề không chỉ giúp họ mưu sinh, mà còn trao cơ hội sống tốt hơn, góp phần phát triển bền vững gia đình và cộng đồng.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/hoc-may-tai-cho-mo-loi-sinh-ke-ben-vung-a121070.html