Học ngành Quản lý đất đai có dễ xin việc làm?
Quản lý đất đai được xem là lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế nước ta hiện nay.
Hiện nhiều bạn trẻ đang cân nhắc lựa chọn theo đuổi ngành Quản lý đất đai. Vậy ngành quản lý đất đai có dễ xin việc làm và cơ hội nghề nghiệp ra sao?
Cơ hội việc làm ngành Quản lý đất đai
Quản lý đất đai là ngành chịu trách nhiệm quản lý địa chất, xây dựng hồ sơ địa chính về đất đai ở nhiều nơi để phục vụ cấp sổ đỏ cho các tổ chức, cá nhân và gia đình.
Ngành học này đang ngày càng được nhiều bạn trẻ lựa chọn, bởi môi trường làm việc linh hoạt cũng như mức lương tương đối ổn định. Sinh viên ngành Quản lý đất đai sau khi tốt nghiệp có thể đảm nhận nhiều vị trí việc làm khác nhau.
Ví dụ như cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước, nhân viên trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng, trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, trung tâm định giá đất, môi giới nhà đất, sàn giao dịch bất động sản, giảng viên ngành Quản lý đất đai, địa chính tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, dù làm ở bất kỳ vị trí hay ngành nghề nào, bạn cũng cần phải có kiến thức tốt và năng lực toàn diện để giúp bản thân dễ thăng tiến trong sự nghiệp. Đồng thời, mức thu nhập cao hay thấp cũng sẽ dựa vào chính năng lực mà bạn có.
Một số trường đào tạo ngành Quản lý đất đai
Học viện Nông nghiệp Việt Nam xét tuyển ngành Quản lý đất đai theo 4 thương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét tuyển kết hợp. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy mức điểm chuẩn là 17 điểm (A00, A01, B00, D01).
Mức học phí năm học 2023 - 2024 của trường dao động từ 11,6 - 19,8 triệu đồng/năm, tùy chương trình học và nhóm ngành khác nhau.
Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường - năm nay tuyển ngành Quản lý đất đai 440 chỉ tiêu, dựa trên 4 phương thức xét tuyển: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 21,25 điểm (A00, B00, C00, D01).
Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) - năm nay, tuyển sinh ngành Quản lý đất đai theo 3 phương thức: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực và đánh giá tư duy. Tổng chỉ tiêu trường dự kiến tuyển sinh là 160 chỉ tiêu.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ngành Quản lý đất đai có mức điểm chuẩn là 15 điểm (A00, B00, C00, C04). Mức học phí nhà trường quy định đối với ngành học này dao động 5 - 5,5 triệu đồng/học kỳ.
Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM - năm 2023, xét tuyển ngành Quản lý đất đai theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thit tố nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM. Ngành học này xét tuyển 4 tổ hợp môn A00, A01, A04, D01, với mức điểm chuẩn là 18,75 điểm.
Trường Đại học Nam Cần Thơ - năm 2023, xét tuyển theo 3 phương thức: xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này lấy mức điểm chuẩn là 15 điểm (A00, A02, B00, C08).
Mức học phí nhà tường quy định với ngành học này là 350.000 đồng/tín chỉ. Theo đó, sinh viên khi theo học tại đây sẽ phải đóng 12,25 triệu đồng/năm học.
Ngoài ra, thí sinh có thể tham khảo thêm thông tin tuyển sinh ngành Quản ký đất đai của một số trường khác như: trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), trường Đại học Mỏ Địa chất, Đại học Vinh, trường Đại học Công nghiệp TP.HCM, trường Đại học Thủ Dầu Một, trường Đại học Đồng Tháp.
Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoc-nganh-quan-ly-dat-dai-co-de-xin-viec-lam-ar856197.html