Học nghề bếp có nhiều cơ hội việc làm, thu nhập cao

Sự phát triển của các ngành du lịch, dịch vụ nhà hàng, ẩm thực là cơ sở để nghề bếp trở thành một trong những ngành hot nhất ở Việt Nam những năm qua. Không chỉ dễ kiếm việc làm, lương cao, một học viên nghề bếp có năng lực có thể tự tin khởi nghiệp riêng.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 550.000 cửa hàng ăn uống, thu hút hàng triệu lao động nghề bếp, tuy nhiên chỉ khoảng 30% trong số này được đào tạo bài bản. Để đón đầu xu hướng, những năm qua, nhiều trường nghề đã đẩy mạnh tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành đầu bếp.

Dễ tìm việc làm, lương cao

Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội là một trong những trường đào tạo nghề bếp uy tín nhất ở khu vực phía Bắc. Những năm qua, nghề bếp cũng là chuyện ngành được trường tập trung đầu tư hạ tầng đào tạo, đẩy mạnh tuyển sinh, nâng cao chất lượng.

Lao động nghề bếp sau khi tốt nghiệp trường nghề có cơ hội việc làm rất tốt.

Lao động nghề bếp sau khi tốt nghiệp trường nghề có cơ hội việc làm rất tốt.

Anh Nguyễn Đức Bình, cán bộ tuyển sinh của trường, cho biết hiện trường có cơ sở thực hành chất lượng cao, đội ngũ giáo viên có kinh nghiệm. Trong quá trình học tập, nhà trường tạo điều kiện cho sinh viên có thu nhập ngay từ khi chưa tốt nghiệp, sau khi ra trường thì tự tin làm việc ở các cơ sở lưu trú du lịch cao cấp.

Với chất lượng đào tạo thực chất, thời lượng lý thuyết và thực hành gần như tương đương, trường đã từng có nhiều học sinh, sinh viên đạt giải trong các cuộc thi tay nghề cấp quốc gia, khu vực ASEAN và thế giới. Nhà trường cũng đang có hệ thống nhà hàng, khách sạn đối tác uy tín để sinh viên thực tập, tham gia làm việc.

Tại TP.HCM, trường Trung cấp Việt Giao hiện đang đào tạo đầu bếp theo chuẩn quốc tế với thời gian đào tạo bài bản chỉ trong vòng khoảng 2 năm, bao gồm cả thời gian thực tập tại khách sạn, nhà hàng.

Học viên của trường sau khi hoàn thành xong chương trình hoàn toàn có thể tự tin khởi nghiệp. Tỷ lệ học viên ngành bếp ra trường có việc làm ổn định chiếm hơn 98%.

Anh Nguyễn Hồng Thanh, cựu học viên trường Trung cấp Việt Giao, hiện đang làm trưởng bộ phận decor (trang trí món ăn) tại một khách sạn 5 sao ở TP.HCM chia sẻ: "Sau đợt thực tập, mình được giữ lại, vừa kiếm được tiền, vừa nâng cao tay nghề. Có việc làm ngay từ khi chưa tốt nghiệp và giờ công việc ổn định, mình cảm thấy may mắn vì hồi đó đã quyết định chọn ngành quản trị bếp - ẩm thực".

Mới ra trường đã có mức lương từ 6 - 8 triệu đồng/tháng, rõ ràng đây là điều lý tưởng so với nhiều bạn đang theo học các ngành nghề khác. Ngoài ra, hiện nhu cầu xuất khẩu lao động ngành nghề này cũng có xu hướng tăng mạnh.

Không ít học viên tốt nghiệp trường nghề chuyên ngành đầu bếp được ký kết hợp đồng lao động tại nước ngoài (nhiều nhất là Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Canada…) với mức lương khởi điểm lên tới 30 - 40 triệu đồng/tháng.

Tiếp tục nâng cao trình độ

Sau một thời gian “đóng băng” do dịch bệnh Covid-19, các ngành du lịch, dịch vụ, công nghiệp ẩm thực trong nước đang dần phục hồi trở lại. Nhu cầu tuyển dụng với các vị trí bếp, bánh tại các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch… cũng dần trở nên sôi động.

Nâng cao trình độ đào tạo là nền tảng để đầu bếp Việt Nam cạnh tranh với đầu bếp quốc tế trong các nhà hàng cao cấp.

Khảo sát trên một loạt trang tuyển dụng nhân sự ngành du lịch, các vị trí từ nhân viên bếp bánh tới bếp trưởng, quản lý… được đăng tải rất phổ biến từ khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9 năm nay.

Tuy nhiên, một thực tế cho thấy, mức yêu cầu của các vị trí tuyển dụng đa phần thiên về kinh nghiệm hơn là bằng cấp. Nhiều vị trí đầu bếp tại một khu nghỉ dưỡng 5 sao cũng chỉ yêu cầu ứng viên tốt nghiệp trung học phổ thông, có chứng chỉ đào tạo nghề và kinh nghiệm làm việc.

Thực tế trên cho thấy, nếu được đào tạo bài bản tại trường nghề uy tín, có khả năng “thực chiến” cao thì cơ hội làm việc tại các nhà hàng, khách sạn tầm cỡ, với mức lương cao của các học viên nghề bếp là rất khả thi.

Ông Hoàng Văn Tùng, giảng viên ngành kỹ thuật chế biến món ăn, Trường trung cấp Kỹ thuật Công nghệ Lê Quý Đôn (Hà Nội) đánh giá: “Học qua trường lớp, sinh viên sẽ biết và nắm vững các kiến thức cơ bản về nghề, đặc biệt cơ hội thực tập tại nhà hàng, khách sạn giúp năng lực của học viên trường nghề ở mức cao ngay sau khi tốt nghiệp nên khả năng cạnh tranh trên thị trường lao động sẽ cao hơn”.

Cũng theo ông Tùng, để làm nên chất lượng của sản phẩm, loại hình du lịch, điểm đến có sự đóng góp của chất lượng nhân sự. Khi ngành du lịch càng phát triển, yêu cầu với người lao động không chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm mà còn cần cả kiến thức, bằng cấp, trình độ hiểu biết về văn hóa, kỹ thuật chế biến, an toàn thực phẩm, thậm chí là kiến thức y học để bảo đảm sản phẩm không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.

Chuyên ngành đầu bếp, dịch vụ ẩm thực trong nước đang có những chuyển biến tích cực trong khâu đào tạo nhân lực, tuy nhiên các kết quả thăm dò cho thấy hầu hết bếp trưởng ở những nhà hàng lớn hiện vẫn là người nước ngoài. Để đầu bếp Việt Nam không thua trên "sân nhà”, hệ thống đào tạo nghề bếp trong nước cần tiếp tục mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viec-lam/hoc-nghe-bep-co-nhieu-co-hoi-viec-lam-thu-nhap-cao-1082255.html