Học nghề trong bối cảnh chuyển đổi số: Lựa chọn định hướng tương lai
Chuyển đổi số trong GD nghề nghiệp được coi là giải pháp cốt lõi để phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xu hướng học nghề gia tăng
Cùng với sự phát triển của thị trường lao động cũng như tinh thần khởi nghiệp của lớp trẻ, các phụ huynh và thí sinh hiện nay ngày càng cân nhắc trong việc học trường nào, ngành gì để đáp ứng yêu cầu nhu cầu tuyển dụng lao động…
Có một công việc tốt, mang lại thu nhập ổn định là đích đến của tất cả mọi người. Trước ngã rẽ buộc phải lựa chọn cho tương lai của mình, nhiều bạn trẻ mạnh dạn tìm lối đi mới cho bản thân, chọn học nghề ngắn hạn thay vì tìm kiếm cơ hội việc làm sau cánh cửa tri thức bậc cao…
Thống kê cho thấy tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và THPT vào học giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tăng từ 8% trong giai đoạn 2011 - 2015 lên 15% trong giai đoạn hiện nay. Bộ GD&ĐT nhận định, việc lựa chọn học nghề phổ thông của học sinh trên cả nước chuyển dần theo hướng phù hợp với nhu cầu tự thân, đáp ứng phần nào nhu cầu của thị trường lao động. Những nghề phổ thông gắn với phát triển kỹ năng sống ngày càng được nhiều học sinh lựa chọn là tin học, làm vườn, điện dân dụng, nấu ăn, chăn nuôi...
Lê Quỳnh Thư, học viên Trường Cao đẳng Nấu ăn Hà Nội cho biết, sau khi học hết phổ thông đã đi học nghề và khi ra trường dễ dàng tìm được một công việc ổn định tại một nhà hàng mà không cần phải chật vật để xin việc.
“Không những vậy, nhiều đơn vị đào tạo nghề ngắn hạn còn kết nối với các đơn vị tuyển dụng, tìm kiếm việc làm để giới thiệu cho học viên ngay sau khi ra nghề. Hoặc nếu không ứng tuyển vào bất cứ vị trí nào thì với những ngành nghề được đào tạo, bạn trẻ cũng có thể tự khởi nghiệp với sức khỏe, bản lĩnh và tay nghề của mình”, Thư chia sẻ.
Các sinh viên năm thứ nhất Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội được học thực hành trên máy. Hào hứng với môn học thực hành nghề điện, Hà Văn Bình - sinh viên năm nhất chia sẻ lý do chọn học trường nghề: “Lựa chọn học nghề của em trước tiên là vì đam mê. Em học nghề dựa trên nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài ra, em chọn trường nghề còn do khả năng kinh tế của gia đình. Nghề điện cũng là đam mê từ nhỏ của em. Theo em tìm hiểu thì học ngành này sau khi ra trường rất dễ xin việc, tỷ lệ có việc làm cao”.
Đạt 25,5 điểm khối C, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023, nhưng Đỗ Thị Lan Hương (ở Thanh Liêm, Hà Nam) quyết định không nộp hồ sơ vào đại học mà đi học nghề. Theo chia sẻ, Hương đã nhập học Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội ngành chăm sóc sắc đẹp bởi đã tìm hiểu học phí các trường đại học từ năm lớp 11. Điều quan trọng là em không tìm được ngành học yêu thích. Hơn nữa, Hương có hoàn cảnh gia đình không khá giả nên quyết định theo con đường học nghề.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, công tác tư vấn tuyển sinh phân luồng học sinh những năm gần đây đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Không chỉ tư vấn trực tiếp và nhà trường còn có hình thức tư vấn trực tuyến trên web. Số lượng sinh viên nhập học thời điểm này so với năm ngoái cao gấp 2 lần.
Những nỗ lực và kết quả của ngành giáo dục nghề nghiệp đã thay đổi nhận thức của cả phụ huynh và học sinh. Để làm được điều đó các trường nghề đã chứng minh chất lượng những khóa sinh viên ra trường có việc làm ổn định với mức lương hấp dẫn.
Có thể nói học nghề đang là một xu hướng được giới trẻ lựa chọn nhiều trước ngưỡng cửa vào đời và thực tế xã hội đòi hỏi. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận, mặc dù nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tỉ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc không tìm được việc làm phù hợp tương đối cao so với tỉ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cả nước (7,61% so với mức trung bình toàn quốc là 2,25%).
Nguyên nhân chính là kỹ năng của người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thay đổi của thị trường lao động. Chính vì vậy, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp nhằm tận dụng năng lực kỹ năng số để cải thiện khả năng làm việc và năng suất lao động của dân số trong độ tuổi lao động, bao gồm nhóm dễ bị tổn thương.
Với quan điểm đó, năm 2021 - 2023, Dự án Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường giáo dục nghề nghiệp do Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ LĐ-TB&XH đã được thực hiện. Dự án đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu hỗ trợ giải quyết các nhu cầu kỹ năng trước mắt của học sinh, sinh viên và lực lượng lao động hiện tại.
Với việc ưu tiên những người bị hạn chế về tiếp cận cơ hội được đào tạo nhưng phải đối mặt với sự phát triển của kỹ thuật số đang từng ngày ảnh hưởng đến cuộc sống của họ, nhất là kể từ sau đại dịch, dự án tập trung hỗ trợ các cơ sở GDNN và các khu công nghiệp ở 4 tỉnh. Các tỉnh được hỗ trợ gồm: Thái Nguyên, Quảng Nam, Đồng Nai và Bình Dương, với mục tiêu đào tạo 163 giảng viên nguồn từ 50 cơ sở GDNN.
Theo Tổng cục GDNN, sau hơn hai năm triển khai, Dự án Hỗ trợ Chính phủ Việt Nam chuyển đổi số cho lực lượng lao động thông qua tăng cường GDNN đã đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Cụ thể như: Nền tảng học tập trực tuyến đã thu hút hơn 15.100 người dùng kể từ khi ra mắt; gần 3.000 học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp được truyền thông, hướng dẫn học tập trên nền tảng; 31.100 lượt hoàn thành các khóa học và gần 26.000 chứng chỉ đã được cấp cho các khóa học về kỹ năng số đã góp phần nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là lao động di cư tại các khu công nghiệp.