Học phí các trường khối kinh tế thế nào, điểm chuẩn sẽ biến động ra sao?
Mức học phí tại các trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính,... năm 2022 -2023 dao động ở mức từ 15 triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/năm học.
Trường đại học Ngoại thương
Học phí Đại học Ngoại thương 2022 - 2023 dự kiến theo từng chương trình đào tạo cụ thể như sau: Chương trình đại trà: 22.000.000 VNĐ/năm học; Chương trình chất lượng cao: 42.000.000 VNĐ/năm học; Chương trình tiên tiến: 65.000.000 VNĐ/năm học.
Các chương trình định hướng nghề nghiệp: Chương trình Logistics và quản lý chuỗi cung ứng định hướng nghề nghiệp quốc tế, Chương trình Kinh doanh quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản, Chương trình Kế toán – Kiểm toán định hướng nghề nghiệp ACCA, Chương trình CLC Luật kinh doanh quốc tế theo mô hình thực hành nghề nghiệp, chương trình Truyền thông Marketing tích hợp: 40.000.000 VNĐ/năm học. Riêng học phí của chương trình CLC Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số là 60.000.000 VNĐ/năm học.
Học phí Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Học phí ngành Tài chính Ngân hàng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến với sinh viên chính quy, lộ trình tăng học phí tối đa cho từng năm: Học phí hệ chính quy chương trình chuẩn từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học.
Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học.
Học phí đối với chương trình liên kết quốc tế khoảng 41-80 triệu đồng/ năm học.
Lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ.
Học phí Học viện Ngân hàng
Các chương trình đào tạo đại trà (sinh viên tốt nghiệp được cấp 1 bằng đại học chính quy của Học viện Ngân hàng): Học viện Ngân hàng áp dụng theo Nghị định Số 81/2001/NĐ-CP ngày 27/08/2021 của Chính phủ về việc quy định cơ cấu thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Khối ngành III (Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, Quản trị kinh doanh, Kinh doanh quốc tế, Hệ thống thông tin quản lý, Luật kinh tế): 12.5 triệu đồng/năm học.
Khối ngành V (Công nghệ thông tin): 14.5 triệu đồng/năm học.
Khối ngành VII (Ngôn ngữ Anh, Kinh tế): 12 triệu đồng/năm học.
Chương trình đào tạo chất lượng cao (sinh viên tốt nghiệp được cấp 1 bằng đại học chính quy của Học viện Ngân hàng): 32.5 triệu đồng/năm cho khóa học 4 năm.
Chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Đại học CityU, Hoa Kỳ (Sinh viên tốt nghiệp được nhận 1 bằng Đại học chính quy do Học viện Ngân hàng cấp và 1 bằng Đại học trường Đại học CityU, Hoa kỳ cấp).
Học phí cho khóa học 4 năm tại Việt Nam là 345 triệu đồng, trong trường hợp sinh viên học năm thứ tư tại Hoa Kỳ thì mức học phí sẽ căn cứ theo học phí của trường đối tác (khoảng 600 triệu đồng).
Chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Sunderland, Vương quốc Anh (sinh viên tốt nghiệp được nhận 1 bằng Đại học chính quy do Học viện Ngân hàng cấp và 1 bằng đại học của Đại học Sunderland, Anh cấp).
Học phí cho khóa học 4 năm tại Việt Nam khoảng 315 triệu đồng (bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng và năm cuối khoảng 140 triệu đồng), trong trường hợp sinh viên học năm thứ tư tại Anh thì mức học phí sẽ căn cứ theo học phí của trường đối tác (khoảng 350 triệu đồng).
Với những thí sinh đạt trình độ tiếng Anh tương đương IELTS từ 6.0 sẽ vào thẳng năm thứ 2 và học phí được giảm là khoảng 58.5 triệu đồng.
Chương trình cử nhân quốc tế liên kết với Đại học Coventry, Vương quốc Anh (Sinh viên tốt nghiệp được nhận 1 bằng Đại học của Đại học Coventry, Anh cấp).
Học phí cho khóa học 4 năm tại Việt Nam khoảng 315 triệu đồng (bao gồm 3 năm đầu khoảng 175 triệu đồng và năm cuối khoảng 140 triệu đồng), trong trường hợp sinh viên học năm thứ tư tại Anh thì mức học phí sẽ căn cứ theo học phí của trường đối tác (khoảng 450 triệu đồng),
Chương trình cử nhân định hướng Nhật Bản (sinh viên tốt nghiệp được cấp 1 bằng đại học chính quy của Học viện Ngân hàng): 27.0 triệu đồng/năm cho khóa học 4 năm.
Học phí năm 2022 của Học viện Tài chính
Học phí chương trình Chất lượng cao là 45 triệu đồng/năm. Học phí chương trình Chuẩn là 15 triệu đồng/năm. Học phí có thể tăng hoặc giảm theo từng năm nhưng không vượt quá 10% so với năm trước đó.
Học phí Trường Đại học Thương mại
Theo đề án tuyển sinh của Đại học Thương mại, học phí đối với sinh viên chính quy tuyển sinh năm 2022 như sau:
Học phí chương trình đào tạo chuẩn từ 23 triệu đồng đến 25 triệu đồng/năm học theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo. Học phí các chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình tích hợp: từ 31,25 triệu đồng đến 33,495 triệu đồng/năm học theo từng ngành (chuyên ngành) đào tạo.
Học phí các chương trình định hướng nghề nghiệp: 23 triệu đồng/năm học.
Điểm chuẩn năm 2021 cao nhất 28,8 điểm, năm nay thế nào?
Năm 2021, cùng với các Ngành Ngôn ngữ, Công nghệ thông tin, Y khoa thì các trường khối ngành kinh tế đều có điểm chuẩn cao.
Các trường kinh tế như Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế Quốc dân... luôn nằm trong top đầu cả nước về chất lượng đầu vào tương đương với mức điểm chuẩn cao chót vót.
Năm 2021, điểm chuẩn vào các ngành/ chuyên ngành đào tạo của Trường ĐH Ngoại thương dao động từ 24 - 28,8 đối với 3 cơ sở đào tạo. Theo đó, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại của ngành Kinh tế ở ĐH Ngoại thương cơ sở Hà Nội lấy điểm chuẩn cao nhất với 28,8 điểm.
Còn điểm chuẩn trường Đại học Kinh tế Quốc dân đối với các ngành Kinh tế đều trên 27 điểm. Trong đó, điểm chuẩn ngành Kinh tế Quốc tế là 28,05 điểm; ngành Quan hệ Công chúng 28,1 điểm và ngành Marketing 28,15 điểm.
Nhiều ngành của Học viện Ngân hàng có mức điểm chuẩn từ 26 điểm trở lên như Tài chính ngân hàng, Tài chính Ngân hàng (Chương trình chất lượng cao) lấy 26,5 điểm; Ngành Kế toán, ngành Kế toán (Chất lượng cao) lấy 26,4 điểm; Ngành Quản trị Kinh doanh lấy 26,55 điểm và Kinh doanh Quốc tế lấy 26,75 điểm...
PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo của Trường ĐH Kinh tế quốc dân dự đoán điểm chuẩn các ngành của trường năm 2022 sẽ tương đối ổn định như năm 2021.
Ông Triệu cho hay, năm nay, dù phương thức dùng kết quả tổ hợp điểm thi 3 môn tốt nghiệp THPT để xét tuyển vẫn là chủ yếu, song các trường đại học cũng đưa ra rất nhiều phương thức riêng khác để tuyển sinh.
Do đó, ông Triệu dự đoán, đối với các trường hot, ngành hot thì điểm chuẩn sẽ không giảm, có tăng cũng không nhiều.
Vì thế các thí sinh có thể căn cứ mức điểm chuẩn năm ngoái để tham khảo.
“Theo kinh nghiệm, tôi cho rằng điểm chuẩn sẽ không tăng, hoặc có tăng cũng không đáng kể so với năm ngoái. Với những ngành điểm chuẩn năm ngoái đã cao rồi thì năm nay cũng sẽ không cao hơn được nhiều”, ông Triệu nói.
Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, điểm thi tốt nghiệp THPT của các môn năm nay không có quá nhiều biến động.
Những ngành nào có điểm xét tuyển bằng phổ điểm môn tiếng Anh sẽ có điểm chuẩn giảm so với năm trước. Các tổ hợp khối D có các môn ngoại ngữ về căn bản sẽ tốt.
Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội cho rằng, điểm chuẩn nói chung không vượt quá năm 2021. Cụ thể, theo thầy Tùng, các ngành hot có điểm chuẩn tương đương 2021. Các ngành khác giảm.
“Các tổ hợp có môn Tiếng Anh, Sinh điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 1.5 điểm. Các tổ hợp có môn Sử, Địa, GDCD điểm sẽ tăng từ 1 - 1.5 điểm”- thầy Tùng nhận định
Khối D01 ( Toán- Văn- Anh) sẽ giảm mạnh. Cụ thể: Dải trên 24 điểm: giảm 0.5 - 1 điểm; dải dưới 24 điểm: giảm 1 - 1.5 điểm.