Học phí đại học năm 2021 (bài 2): Tăng gấp đôi vẫn chưa thu đúng, thu đủ
Biểu giá học phí ở nhiều trường đại học dự kiến thu từ khóa tuyển sinh 2021 đã tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên ở các trường công lập tự chủ tài chính, dù đã điều chỉnh tăng gấp đôi nhưng mức học phí này vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí đào tạo thực tế mà nhà trường đã bỏ ra.
Nhóm ngành chăm sóc sức khỏe thường có chi phí đào tạo cao hơn nhiều ngành đào tạo khác.
Học phí tăng cao đang là bài toán khó với nhiều thí sinh có hoàn cảnh kinh tế gia đình eo hẹp, đặc biệt là các em ở nông thôn phải cân nhắc nên chọn một trường có học phí vừa phải hay đi vay tín dụng để được học trường mà mình yêu thích, ngành mà mình đã định hướng nghề nghiệp tương lai…
Trong khi đó, với nhiều trường đại học, mặc dù mức học phí dự kiến đã tăng gấp đôi so với khóa tuyển sinh 2020 nhưng vẫn chưa thu đúng, thu đủ chi phí mà trường phải bỏ ra để đào tạo một sinh viên.
PGS.TS Bùi Hoàng Thắng, Trưởng phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP. HCM (ĐH Quốc gia TP. HCM) cho biết, khi chuyển qua tự chủ tài chính, nhà trường buộc phải áp biểu giá học phí mới để phần nào tự đảm bảo nguồn ngân sách cấp chi thường xuyên.
Tuy nhiên, biểu giá học phí mới này, người học chỉ mới chia sẻ thêm với nhà trường trong việc thực hiện cơ chế tự chủ và đảm bảo chất lượng. Chứ trường chưa chủ trương thu đúng, thu đủ chi phí đào tạo.
Theo PGS.TS Bùi Hoàng Thắng, đơn giá từ năm 2019 cho chi phí đào tạo một sinh viên vào khoảng 60 triệu/năm. Vì vậy với biểu giá học phí mới áp dụng cho khóa tuyển sinh 2021 mặc dù tăng gấp đôi so khóa trước nhưng cũng chỉ ở mức 25 triệu và năm tiếp theo là 27,5 triệu và dừng ở con số 30 triệu đồng/năm. Như vậy, hơn 50% chi phí đào tạo còn lại nhà trường vẫn phải tiếp tục huy động từ nhiều nguồn khác nhau để bù vào.
Dù chưa thu đúng, thu đủ chi phí đào tạo từ người học, Trường ĐH Bách khoa TP. HCM vẫn thực hiện đúng cam kết đối với các khóa trước và đảm bảo mức thu học phí sẽ không vượt quá 30 triệu đồng/năm đối khóa 2021.
Để hỗ trợ người học, đảm bảo sinh viên không phải nghỉ học do khó khăn tài chính. PGS.TS Bùi Hoàng Thắng cho biết, hiện trường đã bắt đầu hoạt động theo mô hình tự chủ tài chính nên cũng đang có nhiều kế hoạch hỗ trợ người học bằng nhiều cách. Cụ thể, chủ động khai thác có hiệu quả cơ sở vật chất sẵn có để mang lại nguồn thu tốt nhất. Cơ bản và lâu dài hơn là đẩy mạnh ký kết hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp để tái đào tạo nguồn lực chuyên môn, nhận đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ…
Hiện để nâng cao chất lượng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa TP. HCM cũng đa vay vốn ưu đãi cả trăm tỷ đồng từ ngân sách TP. HCM để đầu tư cơ sở vật chất ở TP. Dĩ An - Bình Dương. Bên cạnh đó, trường cũng đã phối hợp với Hội cựu sinh viên Bách khoa - Phú Thọ dành ra 15 tỷ đồng để những sinh viên khó khăn khóa 2021 có thể vay ưu đãi, đóng học phí.
“Lâu nay, những sinh viên gặp khó khăn về tài chính khi đến kỳ đóng học phí đều có thể mượn tiền của Hội cựu sinh viên Bách khoa - Phú Thọ để đóng mà không phải trả lãi. Vì vậy dường như ở trường chưa bao giờ có chuyện sinh viên học lực tốt nhưng không đủ tiền đóng học phí phải nghĩ học nữa chừng” - PGS.TS Bùi Hoàng Thắng cho biết thêm.
Ở nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, trong khi Trường ĐH Y dược TP. HCM vẫn chưa có kế hoạch điều chỉnh sau khi “lập đỉnh mới” từ năm 2020 thì nổi lên trong mùa tuyển sinh 2021 là biểu giá học phí mới của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Theo thông báo tuyển sinh năm 2021, học phí dự kiến đại học chính quy có mức cam kết không cao quá 32 triệu đồng/năm (chưa bao gồm 2 học phần bắt buộc là Giáo dục thể chất và Giáo dục Quốc phòng – An ninh được thu theo quy định hiện hành) và áp dụng cho tất cả sinh viên, không phân biệt TP. HCM hay các tỉnh thành khác như trước đây.
Mặc dù mức học phí trường công bố mới đây khiến nhiều thí sinh bất ngờ nhưng thực tế với mức trên nhà trường vẫn chưa thu đủ, thu đúng vì chi chí đào tạo của nhóm ngành vốn rất cao, có thể nói là cao nhất so với các nhóm ngành hiện nay. Tuy vậy, theo đại diện Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, mức học phí cao nhất là 32 triệu đồng/năm đến nay chỉ là cam kết ngay từ đầu của nhà trường với thí sinh.
Đây cũng là đề xuất của trường gửi UBND TP. HCM trên cơ sở tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất, tăng cường các chương trình hợp tác nâng cao chất lượng đào tạo, năng lực thực hành tại các cơ sở y tế, năng lực ngoại ngữ phục vụ sự phát triển nghề nghiệp cho người học nhằm đáp ứng nhu cầu cao về chất lượng nhân lực y tế sau khi tốt nghiệp. Còn mức học phí dự kiến này có được UBND TP. HCM xem xét, chấp thuận hay không là một chuyện khác.
Với mức thu dự kiến áp dụng cho khóa tuyển sinh 2021, người học cũng chỉ mới chia sẻ một phần, phần lớn cho phí đào tạo còn lại nhà trường phải phải bù vào từ nhiều nguồn hỗ trợ khác.
Đại học Gia Định là trường hiếm hoi không tăng học phí đối với khóa tuyển sinh 2021, vẫn giữ nguyên mức học phí 22 triệu đồng/năm. Đại diện Trường Đại học Gia Định cho biết, mặc dù mức học phí hiện nay thu chưa đủ chi, phải bổ sung từ nhiều nguồn khác nhưng mức này tương đối phù hợp với nhiều gia đình ở các tầng lớp trong xã hội hiện nay.
Vị này cho biết thêm, bây giờ các trường muốn tăng cũng khó vì Bộ giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các trường không tăng học phí trong năm học 2021 - 2022 nhằm chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh, học sinh do ảnh hưởng của dịch bệnh và các đợt thiên tai cuối năm 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã báo cáo Chính phủ cho phép giữ học phí năm học 2021-2022 như năm liền kề trước đó.