Học phí đại học tăng dần: Có đáng lo?
Hàng loạt các trường đại học công bố mức học phí dự kiến năm 2022 sẽ tăng mạnh so với năm học trước khiến nhiều sinh viên không có điều kiện khá giả lao vào tìm việc làm thêm.
Học phí tăng mạnh
Năm học 2022-2023, nhiều trường đại học sẽ có mức học phí tăng cao, thậm chí có trường tăng gấp đôi so với năm 2021.
Là một trong những trường đại học thông báo tăng học phí sớm nhất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến học phí của chương trình Đào tạo chuẩn dao động từ 22 – 28 triệu đồng/năm, chương trình ELiTECH dao động từ 40 - 45 triệu đồng/năm.
Chương trình đào tạo khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin Việt - Pháp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng có học phí dao động 50 - 60 triệu đồng/năm, chương trình tiếng Anh chuyên nghiệp quốc tế dao động 45 - 50 triệu đồng/năm.
Khóa tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến mức thu tương đương 42 triệu đồng. So sánh với mức 35 triệu đồng/năm cho khóa tuyển sinh năm 2021 thì học phí của trường năm học 2022-2023 tăng thêm 24%.
Tương tự, một số trường như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM), Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng,... cũng thông báo tăng học phí.
Tại khối các trường Y, Dược, học phí dự kiến cũng tăng vọt, thậm chí có trường sẽ tăng trên 70% so với năm học trước như Trường Đại học Y Hà Nội.
Cụ thể, các ngành Răng – Hàm – Mặt và khối ngành Y Dược của Trường Đại học Y Hà Nội gồm: Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng sẽ có mức học phí là 2,45 triệu/ tháng. Khối ngành Sức khỏe gồm: Điều dưỡng, Dinh dưỡng, Khúc xạ nhãn khoa, Kỹ thuật xét nghiệm y học, Y tế công cộng sẽ có học phí là 1,85 triệu/ tháng. Ngành Điều dưỡng chương trình tiên tiến có học phí là 3,7 triệu/ tháng.
So với năm học trước, mức học phí của một số ngành tại Trường Đại học Y Hà Nội đã tăng lên khoảng 71,3%.
Lý giải về vấn đề này, các trường đại học cho biết, việc học phí tăng dựa theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2021.
Mức thu các năm sau có thể được điều chỉnh trượt giá theo quy định. Học phí được dùng để đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo, thực hành và năng lực ngoại ngữ.
Sinh viên lao vào làm thêm
Học phí dự kiến sẽ tăng mạnh so với năm học trước là nỗi lo không nhỏ với nhiều sinh viên. Với những sinh viên không có điều kiện khá giả, thời điểm này, các em đang lao vào tìm việc làm thêm để có tiền đóng học phí cho năm học tới đây.
Dù không thuộc gia đình hộ nghèo, nhưng hai năm nay, em Nguyễn Hoàng Anh, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội vẫn tự gồng gánh tiền học phí vì không muốn bố mẹ lo lắng.
Thu nhập từ nghề bán hàng theo ca tại một cửa hàng điện tử của Hoàng Anh mỗi tháng là hơn 2 triệu đồng. Nếu cộng với số tiền 1,5 triệu từ bố mẹ hỗ trợ hằng tháng thì em đủ tiền đóng học phí và chi tiêu cá nhân.
Trước thông tin nhà trường dự kiến tăng học phí, hơn 1 tháng nay, Hoàng Anh phân bổ lại quỹ thời gian để làm thêm gia sư. Vừa đi học, vừa làm thêm bán hàng rồi gia sư khiến em không có thời gian nghỉ ngơi. Hoàng Anh cho biết: “Có hôm đi dạy về muộn hơn 10 giờ tối, em lười ăn tạm gói mì cho qua bữa. Dù mệt nhưng em phải cố gắng để tích lũy thêm tiền trang trải học phí cho năm học tới”.
Từ khi hay tin trường tăng học phí, Trần Trà My, sinh viên năm thứ 3, Học viện Báo chí và Tuyên truyền gánh thêm một nỗi lo.
Trà My là con út trong gia đình 5 anh chị em. Bố mẹ em năm nay đã hơn 70 tuổi, lại thuần nông nên chi tiêu rất tiết kiệm. Thương bố mẹ nhiều tuổi nên quãng thời gian sống xa nhà trên thành phố, Trà My tự lo liệu mọi khoản chi phí cho bản thân, kể cả tiền học.
“Em đang làm thêm tại một quán ăn. Ngoài giờ học trên lớp, em tận dụng gần như tối đa thời gian trống để làm thêm. Nếu chi tiêu tằn tiện thì em cũng đủ chi phí sinh hoạt, tiền học. Nhưng em đang dự định thêm việc nữa để kiếm tiền đi học năm học tới đây”, My tâm sự.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết Online, PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, năm học này, trường dự kiến tăng mức học phí nhưng so với năm học trước tăng không đáng kể.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền nhìn nhận, việc tăng học phí của các trường đại học trong năm học tới là cần thiết. Ông Điền cũng bày tỏ mong muốn xã hội nên nhìn nhận vấn đề từ hai phía.
Về phía các trường đại học, thời gian qua cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Việc tăng học phí sẽ giúp các trường giữ chân các giảng viên giỏi, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo… Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng mức tăng học phí cần hài hòa.
Để giải bài toán học phí cho sinh viên nghèo, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, bên cạnh quỹ học bổng, các trường cần đẩy mạnh chính sách tín dụng. Hiện, sinh viên của trường được vay vốn tối đa tới 4 triệu đồng/tháng. Số vốn vay sẽ được các em hoàn trả dần sau khi ra trường.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hoc-phi-dai-hoc-tang-dan-co-dang-lo-5688180.html