Học sinh bị bỏ quên trên xe: Rất đáng lo ngại!
Rất may mắn là em bé trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm bị bỏ sót trên xe ô tô ở đã biết cách tự mở cửa bên trong để thoát hiểm. Đây là lỗ hổng rất lớn, nguy cơ có thể xảy ra lặp lại giống như em bé trường Gateway.
Dư luận xã hội đã hết sức lo lắng khi ngày 9/9/2020 một em học sinh lớp 3 trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) bị bỏ sót trên xe ở cổng số 4. Camera giám sát ghi lại, em học sinh đã tự mở cửa xe từ bên trong để đi vào trường theo cổng số 1.
Em bé bị bỏ sót trên xe, bởi lúc xuống xe, cô phụ trách và lái xe đã chủ quan bỏ qua việc đi xuống cuối xe để kiểm tra có còn học sinh nào không.
Sự việc xảy ra nhưng lãnh đạo nhà trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, giáo viên chủ nhiệm không hề hay biết. Chỉ khi buổi chiều khi em bé về nhà, mẹ hỏi thì con mới kể lại.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về những điều rút ra sau sự việc này, Nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ LĐTB&XH Nguyễn Trọng An cho rằng: Điều quan trọng thứ nhất là sự giám sát và nhắc nhở; điều thứ hai là đạo đức của người giao nhiệm vụ. Đây là hai vấn đề có liên quan sau vụ em bé 6 tuổi trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng nhấn mạnh đến kỹ năng giáo dục cho các cháu bé. “Câu chuyện em bé trường Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đã qua đi hơn 1 năm, các trường có xe đưa đón học sinh bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục đã tăng giám cường giám sát là điều rất quan trọng. Nhưng theo tôi, trước hết là giám sát đội ngũ lái xe chở học sinh. Vì họ là những lái xe hợp đồng, lái xe thời vụ nên phải có giám sát về chất lượng, kể cả sức khỏe thể chất và tâm thần.
Cùng với đó là giám sát người được giao nhiệm vụ đi theo xe không phải là bảo mẫu mà phải có trách nhiệm giao nhận học sinh theo danh sách rõ ràng” - bác sĩ Nguyễn Trọng An đề nghị.
Nguyên Phó Cục Trưởng Cục trẻ em cũng khuyến cáo các trường thường xuyên kiểm tra giám sát kỹ năng của người đưa đón học sinh hàng tuần hoặc hàng tháng, chứ không phải chỉ làm một lần lúc đầu năm học là thôi. Đối với học sinh, trong các buổi chào cờ đầu tuần, nhà trường thường xuyên nhắc nhở việc thực hiện phòng chống tai nạn thương tích, cảnh báo các nguy cơ khi tham gia giao thông.
“Rất may mắn là em học sinh lớp 3 bị bỏ quên trên xe đã biết cách mở cửa xe để thoát hiểm. Đây là lỗ hổng rất lớn, nguy cơ có thể xảy ra lặp lại như việc em bé lớp 1 trường Gateway bị tử vong trên xe ô tô do thiếu giám sát.
Vì thế, rất cần có sự tuyên truyền, nhắc nhở lại về giáo dục an toàn giao thông không chỉ trong trường mà toàn hệ thống giáo dục” - ông Trọng An nói.
Theo ông An, nhà trường nên kỷ luật cô theo xe, lái xe để sót học sinh trên xe bằng hình thức nghỉ việc. Đối với em bé bị bỏ quên trên xe bị sang chấn tâm lý rất cần sự an ủi, hỗ trợ sức khỏe về tâm thần, tâm lý cho ổn định. Ngoài ra, nhà trường khích lệ em ấy bằng cách tuyên dương đã thực hành rất tốt bài thoát hiểm để thúc đẩy được tinh thần, thoát khỏi ám ảnh trong cuộc đời.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoc-sinh-bi-bo-quen-tren-xe-rat-dang-lo-ngai-395880.html