Học sinh có nên đến 'lò' luyện thi Đánh giá năng lực?
Mặc dù mới bước vào học kỳ I được một thời gian ngắn nhưng nhiều học sinh và cả phụ huynh lớp 12 đang rất băn khoăn 'có nên đăng ký luyện thi Đánh giá năng lực'.
Thay vì tìm đến trung tâm luyện thi, thí sinh nên học tốt ngay trên lớp học
Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí - tổ chức kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), bài thi Đánh giá năng lực của ĐHQGHN triển khai phiên bản mới từ năm 2021 trở lại đây nhưng tâm lý tò mò, luyện thi luôn xuất hiện với các khóa học sinh cuối cấp.
"Nắm bắt được tâm lý đó, các nhóm luyện thi lôi kéo thí sinh ôn luyện theo theo kiểu 2 trong 1: vừa ôn thi đánh giá năng lực, vừa ôn thi tốt nghiệp. Do đó, thí sinh tìm đến các trung tâm luyện thi theo tạo tâm lý yên tâm hơn vì có "học" để "thi".
Tuy nhiên, kỳ thi Đánh giá năng lực không đơn giản chỉ là kiến thức một lĩnh vực hay một dạng nào đó mà đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng phân tích tổng hợp, tư duy hệ thống, hiểu bản chất sự việc. Những thứ đó không trung tâm nào có thể cung cấp cho thí sinh trong thời gian ngắn mà đòi hỏi thí sinh tích lũy quá trình trên ghế nhà trường".
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, thí sinh cần phải học tập nghiêm túc, chăm chỉ trong từng bài học, từng giờ kiểm tra và làm quen với đề thi tham khảo của kỳ thi Đánh giá năng lực sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc lan man với các trung tâm luyện thi. "Nếu có một đơn vị luyện nào được đánh giá là "tin cậy" thì đó chính là trường THPT. "Trung tâm luyện thi tin cậy" sẽ phải giúp học sinh học tốt toàn bộ chương trình THPT. Vậy tại sao các bạn lại tìm đến trung tâm luyện thi thay vì học tốt ngay trên lớp học".
Những điểm mới kỳ thi Đánh giá năng lực năm 2025
Về điểm nổi bật trong kỳ thi Đánh giá năng lực 2025 so với các năm trước, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, kỳ thi được thiết kế với mục tiêu: ổn định, phân loại và hướng nghiệp. "Về cấu trúc bài thi năm 2025, chúng tôi điều chỉnh khoảng 15% so với cấu trúc bài thi giai đoạn 2021 -2024 và tập trung chủ yếu ở phần thứ ba - phần thi Khoa học.
Bài thi Đánh giá năng lực có ba phần: Toán học và Xử lý số liệu, Văn học - Ngôn ngữ, Khoa học. Điểm nổi bật của bài thi năm 2025 là phần thi khoa học thí sinh được lựa chọn phần thi thứ ba theo sở trường, năng lực chuyên biệt của thí sinh.
"Về cấu trúc bài thi, chúng tôi cải tiến phần thứ ba với 50 câu hỏi thi trong 60 phút. Để hoàn thành phần thi thứ ba, thí sinh có hai cách lựa chọn phần thi Khoa học hoặc tiếng Anh. Phần thi Khoa học thí sinh được lựa chọn 3 trong 5 chủ đề vật lí, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lí. Phần thi Khoa học phát huy sở trường các bạn lựa chọn môn học theo chương trình giáo dục phổ thông mới".
Ngoài ra, thí sinh cũng có thể chọn phần thi tiếng Anh thay thế phần thi Khoa học để xét tuyển vào các ngành đào tạo ngoại ngữ, văn hóa và ngôn ngữ nước ngoài. Đây cũng là một trong những hướng đi đón đầu chủ trương đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học thời gian tới.
Dành lời khuyên cho thí sinh trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi năm nay, GS. Nguyễn Tiến Thảo cho rằng, năm 2025 là năm đầu tiên chương trình GDPT phủ kín các lớp nên có nhiều thay đổi trong cách thức thi và xét tuyển đại học. Thí sinh cần có chiến lược học chắc, hiểu bản chất vấn đề vì các kỳ thi theo chương trình giáo dục phổ thông mới ít nhiều đều hướng tới khảo thí năng lực người học. Với những môn học đã chọn cần phải học tốt để không bị hổng hay mất gốc ngay từ đầu năm học.
Ngoài ra, các em thí sinh cũng theo dõi thông tin tuyển sinh đại học của các trường để kịp thời điều chỉnh cách học, ôn tập, lựa chọn kỳ thi và thời gian thi thích hợp. "Thí sinh nên nhớ, chìa khóa cho tất cả các kỳ thi là nắm chắc và hiểu kiến thức, hệ thống hóa kiến thức, kỹ năng tích lũy, kiểm soát tốt thời gian làm bài thi. Bên cạnh đó, thí sinh cần làm các đề thi tham khảo của các kỳ thi một cách nghiêm túc nếu muốn dự thi. Việc đó sẽ giúp thí sinh tự tin hơn khi bước vào một kỳ thi bất kỳ".