Học sinh có phải học bù, học dồn khi thời gian năm học bị điều chỉnh?
Với quyết định lùi 1 tháng thời gian kết thúc năm học, Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương lấy đó làm căn cứ sắp xếp lại lịch học, hạn chế tối đa việc học bù, học dồn khi không thật sự cần thiết.
Sẵn sàng đón học sinh trở lại trường ngày 2/3
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT mới đây ký công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020.
Theo đó, thời gian kết thúc năm học là trước ngày 30/6; xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở trước 15/7. Tuyển sinh lớp 10 hoàn thành trước ngày 15/8; thi THPT quốc gia từ 23 đến 26/7. Như vậy, các mốc thời gian đều được Bộ lùi lại 1 tháng so với mọi năm.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố xem xét việc cho học sinh, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 2/3/2020, sau 1 tháng tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Trường hợp một số địa phương cho học sinh đi học trở lại muộn hơn trong tháng 3 thì phải căn cứ vào các mốc thời gian nói trên xây dựng kế hoạch học bù để bảo đảm chương trình, kịp thời gian kết thúc năm học và thi trung học phổ thông quốc gia của cả nước.
Ngay sau đề nghị của Bộ GD&ĐT, nhiều địa phương cho biết đã thống nhất để học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3. Theo đại diện Sở GDĐT Hà Nội, Sở GD&ĐT Yên Bái, Sở GD&ĐT Phú Thọ… các đơn vị luôn đảm bảo chuẩn bị môi trường học đường, lớp học an toàn hơn các cơ quan nhà nước, dự kiến đón học sinh quay trở lại trường học từ đầu tháng 3 theo chỉ đạo của cấp trên.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 ngày 22/2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhiều lần khẳng định thành phố chuẩn bị tốt các điều kiện để phụ huynh yên tâm cho con đến trường tới đây. Hà Nội thống nhất cho học sinh đi học lại từ 2/3.
UBND TP.HCM từng kiến nghị cho học sinh, sinh viên nghỉ học đến hết tháng 3. Giải thích về điều này ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng, đó là tính đến phương án xấu nhất của dịch bệnh để sẵn sàng ứng phó.
Trong trường hợp học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3, các cơ sở giáo dục của TP.HCM vẫn luôn đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế về vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, thiết bị đồ dùng học tập, bàn ghế… đảm bảo môi trường an toàn, vị này nhấn mạnh.
Địa phương đảm bảo không học bù, học dồn?
Trả lời VTC News, ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Phú Thọ cho biết, Bộ GD&Đ điều chỉnh khung năm học chung cho cả nước trên tinh thần tạm nghỉ 1 tháng thì lùi thời gian học 1 tháng.
"Sở yêu cầu các cơ sở giáo dục sẽ dạy đúng theo thời khóa biểu mà không cần tính đến phương án học bù, học dồn, học vào thứ bảy, chủ nhật để đảm bảo đủ chương trình", ông Truyền nói.
Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng quán triệt tuyệt đối không dạy trước chương trình trong thời gian tạm nghỉ, không dạy thêm, lượng kiến thức lúc này hoàn toàn là ôn tập và củng cố.
Tuy nhiên, việc kéo dài thời gian kết thúc năm học đồng nghĩa thời gian nghỉ hè của học sinh sẽ rút ngắn lại. Nhiều phụ huynh đang lo ngại khi trường cho đi học vào tháng 6 thời tiết nắng nóng sẽ khiến học sinh và giáo viên vất vả.
Anh Minh Khôi (Hà Nội) cho rằng, hiện không phải cơ sở giáo dục nào cũng có điều kiện, trang bị đủ điều hòa và quạt mát đảm bảo cho học sinh, trong khi nhiều nơi sĩ số lớp quá tải. Cộng với thời tiết mùa hè ở Hà Nội có thời điểm lên đến 40 độ C, học sinh sẽ rất mệt mỏi, ảnh hưởng đến sức khỏe; nhất là với học sinh cuối cấp ôn thi càng khó khăn hơn.
Chị Mai Hương (Hòa Bình) cũng cho rằng, khung thời gian năm học được điều chỉnh cụ thể, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn nên linh hoạt tính đến các phương án học bù thứ 7, chủ nhật. Các trường có thể tranh thủ lúc thời tiết mát mẻ nhằm giảm tải bớt vất vả cho học sinh trong thời gian mùa hè, phụ huynh sẵn sàng đồng tình với việc đó.
Về lo ngại này, theo đại diện Sở GD&ĐT Hưng Yên, kế hoạch điều chỉnh năm học của Bộ GDĐT rất linh hoạt, chỉ yêu cầu “kết thúc năm học trước 31/6”. Các địa phương tùy điều kiện mà sắp xếp lịch học, nếu muốn kết thúc năm học trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 thì có thể tổ chức học bù vào thứ bảy, chủ nhật. Miễn là đảm bảo chương trình, không cắt xén, đảm bảo quyền lợi học sinh.
Theo ghi nhận của VTC News hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đang lên phương án, kế hoạch lấy ý kiến phụ huynh về việc sắp xếp lịch học bù, trên tinh thần không gây áp lực, nhưng cả phụ huynh, giáo viên, học sinh cùng nỗ lực để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Video: Đề xuất học sinh có nên nghỉ 4 kỳ một năm học?