Học sinh đang trở thành những cỗ máy học tập vô cảm

Nghiên cứu mới tại Trung Quốc và Anh cho thấy học sinh đang trở thành những cỗ máy vô cảm vì phải chạy theo thành tích, thay vì học tập theo sở thích cá nhân.

 Học sinh phải chạy theo điểm sổ nên dần mất đi sở thích học tập ban đầu. Ảnh: eLearning Industry.

Học sinh phải chạy theo điểm sổ nên dần mất đi sở thích học tập ban đầu. Ảnh: eLearning Industry.

Trong một nghiên cứu mới, nhà nghiên cứu Jingyu Zhang và Xijing Wang tại Đại học Thành phố Hong Kong (Hong Kong, Trung Quốc) nêu rằng học sinh đang tự biến bản thân thành những cỗ máy học tập vô cảm, đặc biệt là trong bối cảnh giáo dục phần lớn hướng đến điểm số, thành tích, theo Psychology Today.

Cụ thể, khi thực hiện loạt khảo sát với học sinh ở Vương quốc Anh và Trung Quốc, hai nhà nghiên cứu nhận thấy khi học sinh bị thúc ép, tác động bởi những mục tiêu về điểm số, các em thường tự coi bản thân là công cụ, phương tiện để đạt được điều đó. Đây là dấu hiệu cho thấy học sinh đang tự vật thể hóa bản thân - coi chính mình là vật chất thay vì con người.

Trong quá trình này, học sinh bị mất kết nối với những khía cạnh nội tại của việc học. Ví dụ, thay vì khám phá kiến thức vì sở thích nhân hoặc phát triển bản thân, các em chỉ coi việc học là phương tiện để đạt điểm cao, coi bản thân là công cụ để thành công trong học tập.

Tâm lý tự vật thể hóa bản thân khiến đứa trẻ quên mất bản thân cũng có suy nghĩ, cảm xúc và tính tự chủ. Các em cũng dần mất đi cảm giác được là chính mình.

Hai nhà nghiên cứu cũng nêu rằng trong bối cảnh giáo dục hướng đến thành tích, tình trạng tự vật thể hóa bản thân sẽ xảy ra khi học sinh coi mình là công cụ, đối tượng nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn bên ngoài hoặc kỳ vọng của người khác - những điều bị đánh đổi bằng cảm xúc, sở thích và ý thức chủ quan.

Ví dụ, một học sinh trung học có thể rất thích vẽ tranh sơn dầu, nhưng sau đó phải từ bỏ đam mê vì việc vẽ tranh không trực tiếp góp phần nâng cao điểm số. Điều này khiến học sinh trở thành cỗ máy học tập, khiến giá trị của các em chỉ gắn liền với bảng điểm, thứ hạng hoặc sự công nhận của người khác.

Không riêng học sinh, sinh viên cũng có thể gặp tình trạng tương tự. Họ dành nhiều giờ để ôn bài chuẩn bị cho kỳ thi cuối kỳ chỉ để đạt điểm A, thay vì khám phá môn học vì sở thích, tò mò hoặc hứng thú.

Trong quá trình tự vật thể hóa, học sinh và sinh viên ngày càng mất kết nối với chính mình, mất kết nối với mục tiêu ban đầu là học thật.

Học thật có nghĩa là trung thành với sở thích của bản thân, tham gia vào quá trình tự đặt câu hỏi và theo đuổi môn học vì sở thích, đam mê thực sự. Tuy nhiên, việc quá chú trọng vào thành tích có thể kìm hãm mục tiêu học thật.

Do đó, học sinh, sinh viên sẽ cảm thấy mình buộc phải tuân theo những điều khuôn mẫu để có được điểm cao - thường là phải đánh đổi bằng suy nghĩ, cảm xúc thực sự.

Trước khi có nghiên cứu này, vào năm 2009, Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cũng từng nêu rằng mục tiêu đạt thành tích học tập xuất sắc chính là một trong những yếu tố hàng đầu gây căng thẳng ở thanh, thiếu niên.

Để giải quyết những tác động tiêu cực, các nhà giáo dục cần tạo ra môi trường hạn chế bệnh thành tích. Ví dụ, giáo viên nên hạn chế khen ngợi học sinh có thành tích cao trước lớp, đảm bảo các tiêu chuẩn đánh giá không chỉ dựa trên những khuôn mẫu chuẩn mực.

"Học sinh cần được công nhận vì đã nắm vững nội dung, có khả năng khám phá sở thích một cách động lập và ngày càng phát triển bản thân thông qua việc học", nhóm nghiên cứu nêu.

Tú Anh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/hoc-sinh-dang-tro-thanh-nhung-co-may-hoc-tap-vo-cam-post1533083.html