Học sinh đóng nhiều 'vai' tìm hiểu ngành nghề để định hướng nghề nghiệp
Sáng 13-4, hơn 500 học sinh khối 11, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) đã tham gia hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp với chủ đề 'Định hướng nghề nghiệp - Lập trình tương lai'. Điểm mới của hoạt động hướng nghiệp lần này là học sinh không chỉ ngồi nghe tư vấn ở sân trường mà được đóng nhiều vai gồm nhà phản biện, nhờ giải đáp thắc mắc, trao đổi ý kiến với các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực.
Cái nhìn thực tế về các ngành nghề
Tham gia buổi trải nghiệm hướng nghiệp, học sinh được chia thành nhiều nhóm nhỏ. Lần lượt mỗi nhóm sẽ tham gia hoạt động gồm tranh biện về chủ đề "Nên chọn nghề theo nhu cầu xã hội hay là đam mê?", gặp gỡ và trao đổi với chuyên gia ở từng lĩnh vực, nhờ giải đáp thắc mắc về lựa chọn ngành nghề.
Trong đó, các ngành nghề được chia làm 3 nhóm lớn là nhóm nghề về ngôn ngữ (gồm nhà báo, người dẫn chương trình truyền hình, đạo diễn phim), nhóm nghề làm việc với con người, thể chất, cơ khí, phân tích logic (gồm tiếp viên hàng không, bác sĩ, công an, kĩ sư) và nhóm nghề hình học, màu sắc, thiết kế (gồm họa sĩ, nhà thiết kế thời trang, kiến trúc sư).
Cô Bùi Minh Tâm, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, cho biết, trước khi tham gia hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, học sinh đã có quá trình tìm hiểu về bản thân thông qua các bài trắc nghiệm tâm lý để xác định tính cách, sở thích, năng lực bản thân.
"Trên cơ sở xác định sở trường, thế mạnh của bản thân, cộng với việc tìm hiểu các ngành nghề trong xã hội, các em đăng ký tham gia buổi chia sẻ của các chuyên gia ở các nhóm ngành. Thông qua việc trực tiếp tương tác, chia sẻ kinh nghiệm với người làm trong từng ngành nghề cụ thể, học sinh sẽ có cái nhìn rõ nét hơn về đòi hỏi của công việc mình đang quan tâm, từ đó xác định lộ trình học tập, phấn đấu phù hợp", Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn bày tỏ.
Đặng Trường Giang, học sinh lớp 11A2, Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, em được gia đình định hướng theo ngành bác sĩ, nhưng bản thân em lại muốn trở thành một giáo viên.
Nam sinh cho rằng, rất đông các bạn học sinh lớp 10, 11 cũng đang phân vân giữa nhiều lựa chọn ngành nghề. Do đó, việc được trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe ý kiến chia sẻ của các chuyên gia ở từng lĩnh vực giúp em có thêm cơ sở để đưa ra lựa chọn ngành nghề phù hợp nhất với mình.
Cùng ý kiến, Hoàng Ngọc Nhi Phương, học sinh lớp 11A6 chia sẻ, đây là cơ hội hiếm hoi em được nghe chia sẻ từ chính những người đang làm công việc em muốn theo đuổi.
"Em được nghe kể về hành trình làm nghề của các anh chị, học cách làm sao giữ được lửa nghề, vượt qua khó khăn. Đó là những kinh nghiệm quý báu mà sách vở hay thầy cô không thể nào mang đến được", Nhi Phương chia sẻ.
Kiên trì thực hiện mục tiêu cuộc đời
Ở nhóm ngành ngôn ngữ, Đạo diễn phim Nguyễn Đỗ Khoa cho biết: "Anh là minh chứng sống cho việc nhiều lần gãy đổ trong lựa chọn nghề nghiệp. Tuy nhiên, bằng sự kiên trì, không ngừng học hỏi, chấp nhận trải nghiệm nhiều công việc như nhân viên kỹ thuật, thư ký trường quay, trợ lý đạo diễn để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm cho bản thân, từng bước tiến đến mục tiêu lớn hơn là đạo diễn phim truyện".
Với nhóm ngành liên quan đến con người, Kỹ sư Lê Hồng Hải Nhân cho rằng, bất kỳ lựa chọn nào đều có khả năng "sai số". Dẫn chứng cụ thể cho nhận định này là nhiều người sau khi đi làm 1-2 năm mới phát hiện mình phù hợp với một nghề khác hơn.
"Chuyện đổi nghề nghiệp là chuyện hết sức bình thường vì ở mỗi giai đoạn trưởng thành con người sẽ nhận ra mình có những năng lực, khả năng mà trước đây chưa có. Vì vậy, các em không nên quá áp lực mà nên tìm hiểu kỹ lưỡng, tự tin lựa chọn, nếu chọn sai thì điều chỉnh lại", Kỹ sư Lê Hồng Hải Nhân cho biết.
Riêng với nhóm ngành liên quan nghệ thuật, Nhà thiết kế thời trang Thái Trung Tín nhận định, mỗi nghề nghiệp đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau. Đơn cử, nghề thiết kế thời trang không chỉ đòi hỏi người làm việc có khả năng về thiết kế mà còn có kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, trình bày ý tưởng.
Vì vậy, học sinh không nên có cái nhìn cứng nhắc là nếu có năng khiếu ở lĩnh vực nào sẽ làm tốt công việc đó. Ngược lại, để làm tốt một công việc nào đó, đòi hỏi các em không ngừng trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm, qua đó, tìm được chỗ đứng trong lĩnh vực, ngành nghề đã lựa chọn.