Học sinh hiểu về loại hình sân khấu truyền thống qua diễn chèo, múa rối nước
Tiết học văn Trường THPT Nguyễn Hữu Huân diễn ra khác lạ với phần trình diễn các loại hình sân khấu truyền thống do học sinh (HS) thể hiện.
Sáng 24-1, Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức tổ chức chuyên đề môn ngữ văn “Diễn xướng các loại hình sân khấu truyền thống”.
Học sinh diễn chèo, cải lương, múa rối nước
Giờ học được tổ chức tại hội trường và có sự tham dự của giáo viên môn Ngữ văn các trường trong Cụm 8.
Mở đầu tiết học là một trò chơi nhỏ với những câu hỏi xoay quanh kiến thức về chèo, tuồng, cải lương nhằm củng cố kiến thức về các loại hình sân khấu truyền thống.
Sau phần khởi động, hai bạn nữ sinh đã giới thiệu về nghệ thuật hóa trang mặt nạ tuồng với những chiếc mặt nạ do HS tự thiết kế.
Tiết học trở nên lôi cuốn hơn với màn trình diễn được đầu tư rất công phu từ trang phục cho đến không gian biểu diễn của HS qua tiết mục cải lương “Tiếng trống Mê Linh” và chèo “Thị Mầu lên chùa”.
Để giúp mọi người hiểu rõ hơn về nghệ thuật sân khấu dân gian múa rối nước, HS đã biểu diễn vở rối nước “Đánh cáo bắt vịt”. Tiết mục được dàn dựng, chuẩn bị chu đáo từ đạo cụ, vật dụng cho đến sân khấu.
Đóng vai vợ trong “Đánh cáo bắt vịt”, Nguyễn Ngọc Bảo Trân, HS lớp 10D2 cảm thấy hài lòng với phần trình diễn.
“Chúng em mất rất nhiều thời gian chuẩn bị. Múa rối nước tức là lấy nước làm sân khấu biểu diễn. Nên cả lớp phải suy nghĩ làm sao đem nước vào hội trường. Mặt khác, lớp cũng phải nghiên cứu, đặt rối từ các nghệ nhân ngoài bắc. Tiết mục trên nhóm em tự tập luyện sau khi tham khảo trên mạng” – Bảo Trân nói.
Bảo Trân cho biết, trước giờ em vẫn nghĩ môn nghệ thuật này khá đơn giản nhưng khi tự tìm hiểu và điều khiển những con rối mới thấy không dễ dàng chút nào. “Nhóm phải tập luyện mất 3 tuần. Tự mình tìm hiểu, biểu diễn, em thấy môn nghệ thuật này rất thú vị. Học văn qua những trải nghiệm thực tế khiến em nhớ kiến thức nhiều hơn” – Trân nói.
Sau khi biểu diễn xong tiết mục "Thị Mầu lên chùa", Vương Bảo Trân thở phào nhẹ nhõm. “Em và các bạn mất 1 tháng để tập với cường độ rất nhiều. Từ trước đến giờ em chưa tiếp xúc với bộ môn nghệ thuật này nên để hiểu và biểu diễn không phải điều đơn giản. Bởi chèo đòi hỏi rất nhiều yếu tố vừa múa, hát, vừa biểu cảm trên khuôn mặt. Do đó, sau một thời gian luyện tập em không nghĩ mình có thể kết hợp nhiều động tác cùng lúc như thế – Trân nói.
Theo Trân, nếu học văn chỉ dựa vào kiến thức sách giáo khoa rất nhàm chán. Tuy nhiên, cô giáo đã cho chúng em cơ hội trình diễn các bộ môn nghệ thuật truyền thống. Phương pháp này khiến học trò thấy giờ học lý thú hơn.
Hiểu sâu hơn các loại hình sân khấu truyền thống
Theo cô Phan Thị Thoa, giáo viên bộ môn Ngữ văn, trong chương trình có một bài học dạy về các loại hình sân khấu truyền thống. Nếu giáo viên chỉ đơn giản truyền thụ kiến thức theo sách giáo khoa một cách lý thuyết, HS sẽ rất nhàm chán và không tạo hứng thú.
"Do đó, thay vì chỉ truyền thụ kiến thức một chiều và theo mô típ cũ, tôi để các em được diễn xướng lại các loại hình sân khấu truyền thống như thế. Từ việc tìm hiểu, nhập vai sẽ giúp các em hiểu về các loại hình sân khấu truyền thống" - cô Thoa nói.
Cô Đặng Thị Huy Lam, tổ trưởng tổ Ngữ văn của trường chia sẻ, hiện nay các loại hình sân khấu truyền thống đang dần bị mai một. Chính sự tìm hiểu đam mê sáng tạo diễn xuất của HS sẽ góp phần làm cho các loại sân khấu truyền thống được sống dậy.
Khi được hóa thân vào các nhân vật, khoác lên mình bộ trang phục truyền thống, biểu diễn trong không gian mô phỏng, các em thực sự được sống trong cảm giác của người nghệ sĩ biểu diễn. Điều này mang đến cho HS sự trải nghiệm sâu sắc. Và sự trải nghiệm này chắc chắn sẽ để lại cho học trò nhiều cảm xúc, đặc biệt hiểu sâu hơn các giá trị loại hình nghệ thuật.