Học sinh lớp 1 'đánh vật' luyện đọc, luyện viết: Bộ GD&ĐT lý giải thế nào?
Nhiều phụ huynh kỳ vọng chương trình, SGK mới thực sự giảm tải, học sinh được học nhẹ nhàng, nhưng rồi thất vọng. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT lý giải, chương trình giảm tải tổng thể, còn môn Tiếng Việt tăng thời lượng để trẻ đọc thông, viết thạo.
Bà Lê Thị Thu Giang, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), nói rằng, với chương trình cũ, phải đến học kỳ II học sinh mới làm quen với đoạn văn, câu chuyện, nhưng năm nay, sau những bài học đầu tiên, SGK đã đưa vào những bài đọc để trẻ làm quen dần. Học sinh năm nay sau khai giảng vào ngay bài học mới mà không có 2 tuần đệm để làm quen với cầm bút, rèn nét chữ. “Để tiếp thu kiến thức tốt, giáo viên đề nghị phụ huynh hỗ trợ hay học cùng con nên nhiều phụ huynh thấy nặng nề, thậm chí nói sốc”, cô Giang nói.
TS Nguyễn Văn Cường, ĐH Potsdam (Đức), đánh giá, về cơ bản, SGK mới đổi mới theo hướng phát triển năng lực học sinh. Các hoạt động trong SGK mới được thiết kế không chỉ giúp học sinh lĩnh hội tri thức mà còn giúp các em có thể vận dụng được vào thực tế, nên nhìn chung, tất cả các sách không quá tải về nội dung, kiến thức.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này khẳng định, SGK Tiếng Việt có tính đặc thù, sách mới đòi hỏi người học cao hơn về tốc độ đọc, bài học cũng được thiết kế khác so với trước, tích hợp nhiều nội dung, kiến thức liên môn. “Trước đây, thời điểm này, học sinh chỉ học vần thì nay tích hợp tăng lượng kiến thức gắn liền với cuộc sống nhiều hơn, nên học sinh không thuần túy chỉ đánh vần, ghép chữ”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, SGK cũ, chương trình năm 2000 yêu cầu về ngôn ngữ khác với trẻ em cùng độ tuổi như hiện nay. Trẻ em hiện được đi nhà trẻ, có ngôn ngữ tốt, giao tiếp tốt hơn nên SGK Tiếng Việt mới có yêu cầu về tốc độ, khối lượng học tăng hơn trước. Vì thế, sách cũng yêu cầu giáo viên vận dụng phương pháp dạy học mới.
“Ban đầu cho học sinh làm quen sẽ bỡ ngỡ nhưng dần dần sẽ quen và tiếp thu được. Quan trọng là giáo viên thay đổi phương pháp dạy học so với trước, tổ chức giờ học làm sao để học sinh hoạt động nhiều hơn, học tích cực hơn thay vì cô đọc, trò viết như trước. Giáo viên nên tự thiết kế bài giảng dạy học. Đương nhiên, với chương trình mới, giáo viên buộc phải vất vả, cố gắng hơn”, ông nói.
Ông Cường cho rằng, việc tập huấn, tổ chức cho giáo viên trao đổi kinh nghiệm rất quan trọng. Mỗi giáo viên phải tự thử nghiệm trong lớp học để tìm ra phương pháp phù hợp nhất, kết hợp hoạt động của cô và trò để thông qua đó, trò lĩnh hội kiến thức.
Theo ông Huỳnh Tấn Lộc, Hiệu trường Trường Tiểu học Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), SGK mới đòi hỏi giáo viên phải năng động, sáng tạo hơn, nếu cứ tà tà như trước thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu. Giáo viên vất vả hơn, nên phải nỗ lực hơn rất nhiều.
Về việc chương trình chưa thật sự giảm tải, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ GD&ĐT, lý giải, chương trình lớp 1 SGK mới giảm tải trên tổng thể toàn bộ chương trình năm học. Chương trình đặt mục tiêu học sinh học xong lớp 1 phải đọc thông, viết thạo để làm công cụ học các môn khác, do đó thiết kế thời lượng tăng từ 350 tiết lên 420 tiết/năm.
Ngoài ra, môn Giáo dục thể chất cũng tăng thời lượng để học sinh rèn luyện, tăng kỹ năng phục vụ, chăm sóc bản thân. “Còn chương trình giáo dục phổ thông giảm tải là giảm số môn học, số giờ học, hoạt động học tập, kiến thức… Ví dụ như Toán chỉ có 105 giờ học/năm”, ông Tài nói.