Học sinh miền Trung tiếp cận kiến thức phòng tránh tai nạn bom mìn
Qua 4 năm triển khai, hàng trăm nghìn học sinh các tỉnh miền Trung được tiếp cận kiến thức phòng tránh tai nạn bom mìn.
Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp Tổ chức CRS Việt Nam tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Hướng tới Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở (THCS)” giai đoạn 2020-2024, do Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ tài trợ.
Sự kiện có sự tham gia hơn 140 đại biểu, gồm đại diện đến từ nhà tài trợ là Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC), UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Sở ngoại vụ, Sở GD&ĐT, các trường Đại học trên địa bàn 5 tỉnh dự án, Trung tâm hành động bom mìn tỉnh Quảng Trị, các đơn vị Cơ sở dữ liệu bom mìn tại tỉnh Quảng Bình và Thừa Thiên Huế, các Tổ chức Quốc tế hoạt động trong lĩnh vực bom mìn và Tổ chức CRS.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã tổng kết chuỗi hoạt động và ghi nhận những thành quả đã đạt được của dự án trên địa bàn thuộc các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và TP Đà Nẵng.
Sau 4 năm triển khai, dự án đã nâng cao năng lực và hướng dẫn phương pháp tích hợp nội dung Giáo dục Phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ cho gần 30.000 giáo viên cấp tiểu học và THCS, giảng viên tại các trường đại học.
Hơn 690.000 học sinh cấp tiểu học và THCS trên địa bàn dự án được tiếp cận nội dung Giáo dục Phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ qua nhiều hình thức như: tích hợp vào nội dung bài giảng của chương trình trên lớp, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động ngoại khóa, hay phần mềm trò chơi về chủ đề này.
Ngoài ra, hơn 2.600 sinh viên Khoa Giáo dục Tiểu học tại các trường Đại học Quảng Nam, Đại học Quảng Bình, Đại học Sư phạm Huế cũng được tập huấn phương pháp tích hợp nội dung Giáo dục Phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ nhằm giúp các tỉnh có thế hệ giáo viên tương lai tiếp nối và duy trì việc giảng dạy nội dung này tại các địa phương.
Tại sự kiện, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao Bằng khen cho Tổ chức CRS và Sở GD&ĐT tỉnh Thừa Thiên Huế; Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Trị trao Giấy khen cho tổ chức CRS vì những đóng góp thiết thực, hiệu quả trong công tác Giáo dục Phòng tránh tai nạn bom mìn tại địa phương.
Các Sở GD&ĐT, các trường đại học cũng đưa ra những kế hoạch, cam kết duy trì các hoạt động dự án bền vững sau khi dự án kết thúc.
Tại Việt Nam, hiện có khoảng 800.000 tấn bom, mìn, tên lửa, đạn pháo, đạn cối và các vật nổ sau chiến tranh còn sót trên cả nước. Trong đó, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam nằm trong số các tỉnh bị ô nhiễm nặng ở khu vực miền Trung.
Theo một khảo sát của CRS năm 2015, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất với 16% trẻ từ 6-10 tuổi và 18% trẻ từ 11-14 gặp tai nạn liên quan đến bom mìn.
Dự án “Hướng tới Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn bền vững học sinh tiểu học và trung học cơ sở” được Tổ chức CRS hợp tác với các Sở GD&ĐT tại các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Quảng Nam và các trường Đại học Quảng Bình, Đại học Quảng Nam, Đại học Sư phạm Huế thực hiện, với mục tiêu giúp trẻ em tại các địa bàn ô nhiễm bom mìn, vật nổ có thể tự bảo vệ bản thân tránh khỏi tai nạn bom mìn, vật nổ.
Bên cạnh đó, CRS cũng đã phối hợp với Trung tâm hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) để xây Dự thảo Chiến lược quốc gia và Tiêu chuẩn Quốc gia về Giáo dục Phòng tránh tai nạn bom mìn.
Cũng trong tháng 7, Dự án sẽ ra mắt một Thư viện điện tử quốc gia về Giáo dục Phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ nhằm phổ biến thông tin về phòng tránh tai nạn bom mìn, vật nổ và giúp thúc đẩy các hành vi an toàn cho người dân và cộng đồng.