Học sinh nghiên cứu chế phẩm xử lí thuốc bảo vệ thực vật tồn dư đoạt Huy chương Vàng Wico

Trường THCS Giảng Võ 2, quận Ba Đình (Hà Nội) có 4 học sinh dự Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới (WICO) lần thứ 13 tại Hàn Quốc đã xuất sắc đoạt hai huy chương Vàng. Trong đó, có đề tài nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học xử lí thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất nhằm bảo vệ môi trường.

Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới lần thứ 13 diễn ra tại Trường Đại học Giáo dục Quốc gia Seoul (Hàn Quốc). Đây là cuộc thi thường niên với những phát minh và sáng chế có tính mới, sáng tạo và thiết thực, được chấm bởi Ban giám khảo quốc tế, theo các tiêu chí chặt chẽ.

Cuộc thi năm nay có sự tham gia của hơn 2.000 sinh viên và học sinh đến từ 25 quốc gia trên thế giới. Đoàn học sinh của Trường THCS Giảng Võ 2 có 4 học sinh dự thi với 2 đề tài dự thi gồm: “Nghiên cứu thiết kế hệ thống phát hiện và cứu nạn sử dụng thiết bị bay không người lái dựa trên mô hình học sâu” và “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học xử lí thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất”.

Hai đề tài của các học sinh Hà Nội đã xuất sắc đoạt 2 Huy chương Vàng. Đây cũng là những tấm huy chương danh giá đầu tiên của ngôi trường vừa được quận Ba Đình tách từ Trường THCS Giảng Võ ra, thành lập Trường THCS Giảng Võ 2.

Đề tài thứ nhất có tên “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học xử lí thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất” do em Đào Minh Hùng và Chu Nhật Minh, lớp 8A6 cùng các bạn trong nhóm thực hiện dưới sự hướng dẫn của cô giáo Đoàn Thị Lan và sự hỗ trợ của các thầy cô ở Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Em Đào Minh Hùng (trái) và Chu Nhật Minh (phải) trong quá trình nghiên cứu đề tài.

Em Đào Minh Hùng (trái) và Chu Nhật Minh (phải) trong quá trình nghiên cứu đề tài.

Theo nhóm học sinh, nhận thức được tác hại nghiêm trọng của thuốc bảo vệ thực vật với môi trường và sức khỏe con người, các em đã nghiên cứu thành công chế phẩm sinh học xử lý thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất bằng bã mía.

Phương pháp của nhóm là trộn dịch nuôi cấy vi khuẩn SEM với bã mía, nuôi vi khuẩn bằng lượng đường có trong bã mía. Vi khuẩn có trong bã mía sẽ tự sinh khối, nhằm “ăn” thuốc bảo vệ thực vật.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, vi khuẩn SEM tăng sinh nhờ bã mía có thể loại bỏ 90% thuốc bảo vệ thực vật khỏi đất. Dự án này dựa trên cơ chế đồng trao đổi chất, thay thế nguồn cacbon và năng lượng của vi sinh vật bằng thuốc bảo vệ thực vật, với nguồn chất mang dễ mua, giá thành rẻ, số lượng nhiều là bã mía.

Đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học xử lí thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong đất” của Minh Hùng, Nhật Minh cùng các bạn còn được trao giải Special Award (Giải Đặc biệt, chỉ có 5 giải).

Nghiên cứu có tính ứng dụng thực tiễn

Đề tài thứ hai cũng xuất sắc đoạt Huy chương Vàng có tên: “Nghiên cứu thiết kế hệ thống phát hiện và cứu nạn sử dụng thiết bị bay không người lái dựa trên mô hình học sâu” do em Dương Minh Hoàng(lớp 9A1) và Vũ Bảo Duy (lớp 8A6) cùng các bạn thực hiện dưới sự hướng dẫn của các thầy cô là giảng viên Trường Đại học Giao thông vận tải.

Các học sinh đã nghiên cứu ứng dụng phát hiện con người trong hệ thống cảnh báo bãi biển bằng cách sử dụng hình ảnh được chụp từ máy bay không người lái và thuật toán YOLO.

Nhóm học sinh dự Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới lần thứ 13.

Nhóm học sinh dự Cuộc thi Olympic Phát minh và Sáng chế thế giới lần thứ 13.

Theo nhóm học sinh tham gia nghiên cứu, Việt Nam là một quốc gia có bờ biển dài và nhiều khách du lịch, việc đảm bảo an toàn trên bãi biển đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, việc xây dựng hệ thống giám sát, cảnh báo tự động giúp phát hiện kịp thời người bơi ở khu vực nguy hiểm là điều cần thiết.

Từ thực tế đó, Minh Hoàng, Bảo Duy cùng các thành viên trong đội đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu và đề xuất một hệ thống giám sát, cảnh báo nguy hiểm cho người bơi trên biển. Hệ thống nhận hình ảnh đầu vào từ UAV và xác định người trong ảnh ở khu vực nguy hiểm được xác định trước.

Hệ thống phát hiện con người sử dụng YOLO có độ chính xác cao hơn 80% và có thể phát hiện nhiều người cùng một lúc. Khi phát hiện người bơi ở khu vực nguy hiểm, hệ thống sẽ cảnh báo cả người bơi và người giám sát.

Theo cô Phạm Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ 2, kết quả các em đạt được không chỉ nhờ niềm đam mê khoa học, sự sáng tạo và nỗ lực hết mình của chính các em mà còn nhờ sự động viên, hướng dẫn tận tình của các thầy cô giáo, sự đồng hành của các bậc phụ huynh.

Cũng theo cô Giang, qua việc chinh phục các mục tiêu, học sinh có cơ hội học hỏi, trưởng thành hơn, hoàn thiện mình hơn. Đó là điều mà cô, nhà trường và gia đình học sinh mong mỏi.

Tham gia cuộc thi WICO, các em học sinh có cơ hội thể hiện chính mình, phát triển các ý tưởng sáng tạo, rèn luyện khả năng tư duy linh hoạt cùng các kĩ năng mềm, đồng thời giao lưu, học hỏi bạn bè nhiều nước trên thế giới.

“Tính thiết thực của những đề tài các em nghiên cứu đã cho thấy ý thức trách nhiệm của các em với bản thân và cộng đồng, góp phần đưa ra giải pháp khả thi hướng tới giải quyết những vấn đề xã hội. Kết quả này cũng là sự khích lệ để các em không ngừng học tập, sáng tạo nhằm mang lại những giá trị tốt đẹp cho cuộc sống và cũng cho thấy tính đúng đắn trong định hướng phát triển giáo dục STEM trong nhà trường”, cô Giang nói.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoc-sinh-nghien-cuu-che-pham-xu-li-thuoc-bao-ve-thuc-vat-ton-du-doat-huy-chuong-vang-wico-post1658719.tpo