Học sinh nông thôn sáng tạo công nghệ phục vụ sản xuất
Nhiều em học sinh nông thôn đang tạo dấu ấn với những sáng kiến công nghệ thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất và phát triển kinh tế địa phương.
Học sinh nông thôn tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất
Năm 2024, nhiều học sinh vùng quê tiếp tục thể hiện tiềm năng vượt trội trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Tại cuộc thi “Sáng kiến Khoa học 2024”, hàng loạt giải pháp phục vụ sản xuất nông nghiệp đã xuất sắc lọt vào vòng chung kết. Nổi bật trong số đó là mô hình trồng dưa lưới thủy canh trong nhà màng, ứng dụng hệ thống cảm biến nhiệt độ - độ ẩm do nhóm học sinh đến từ Bến Tre phát triển. Mô hình này giúp giảm lượng nước tưới lên tới 60%, tăng năng suất quả hơn 30%.
Bạn Nguyễn Minh Anh, học sinh lớp 11, Trường THPT Châu Thành (Bến Tre), chia sẻ: “Chúng em bắt đầu từ việc quan sát bố mẹ làm nông, thấy rõ khó khăn khi thời tiết thay đổi thất thường. Từ đó, cả nhóm muốn áp dụng công nghệ để nông dân quê mình bớt cực, mùa màng đạt năng suất hơn”.
Tại cuộc thi Khởi nghiệp Nông nghiệp đổi mới sáng tạo năm 2024, cuộc thi là sân chơi không còn xa lạ đối với các thế hệ học sinh, sinh viên cả nước, nơi ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, tạo bệ phóng, cầu nối giúp các ý tưởng khởi nghiệp của thế hệ trẻ vững bước thành công và ngày càng phát triển. Nhóm học sinh THPT ở Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với dự án “Agricultural Robot” – một loại robot đa năng có thể hỗ trợ gieo hạt, tưới nước và thu hoạch trên diện tích nhỏ. Dự án không chỉ giành giải Nhất mà còn được doanh nghiệp đề nghị hợp tác thương mại hóa trong thời gian tới.

Dự án robot đa năng có thể hỗ trợ gieo hạt, tưới nước và thu hoạch trên diện tích nhỏ. Ảnh: Hoàng Liên
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023–2024 ghi nhận hơn 1.100 đề tài sáng tạo kỹ thuật đến từ học sinh phổ thông trên cả nước, trong đó gần 45% đến từ các tỉnh nông thôn và miền núi, cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ của học sinh nông thôn trong các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật ứng dụng.
Sáng kiến từ thực tiễn, hướng tới tương lai bền vững
Điểm chung của hầu hết các sáng kiến là đều xuất phát từ thực tiễn đời sống tại quê nhà. Như trường hợp em Trần Thị Ngọc Diệp, học sinh trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạch Trị, Sóc Trăng), đã sáng chế ra thiết bị bắt ốc bươu vàng thông minh sau khi chứng kiến mẹ vất vả lội đồng để bắt ốc bảo vệ lúa. Thiết bị được làm từ các linh kiện bình dân, dễ tìm, sử dụng năng lượng mặt trời và đã được ứng dụng thử nghiệm tại ba xã lân cận.
Chia sẻ về quá trình sáng chế, Ngọc Diệp bày tỏ: “Ban đầu em chỉ nghĩ làm cho mẹ đỡ vất vả, nhưng khi thấy bà con xung quanh quan tâm, em càng có động lực để cải tiến thêm. Em ước mơ một ngày thiết bị này sẽ được sản xuất rộng rãi”.
Cũng trong năm 2024, tại Liên hoan Thanh niên nông thôn toàn quốc, các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao của học sinh và thanh niên nông thôn như: Nuôi cá bằng hệ thống cảm biến nước, trồng rau trong nhà kính tự động đã tạo sức hút đặc biệt với cộng đồng và giới chuyên gia.

Dự án trồng rau trong nhà kính tự động đã tạo sức hút đặc biệt với cộng đồng và giới chuyên gia. Ảnh minh họa
Tại tỉnh Kiên Giang, cuộc thi Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo lần thứ IV chứng kiến sự góp mặt của nhiều học sinh với ý tưởng mới mẻ. Dự án bột tắm từ lá bàng khô – một loại cây đặc trưng ở miền Tây của sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Kiên Giang đã được chọn hỗ trợ phát triển thành sản phẩm OTOP (mỗi làng một sản phẩm) cấp huyện, mở ra hướng phát triển sản phẩm từ phụ phẩm nông thôn.
Dễ nhận thấy rằng, chính những trải nghiệm gần gũi với đồng ruộng, vườn cây, sông rạch… đã hun đúc nên tư duy sáng tạo và trách nhiệm cộng đồng ở học sinh nông thôn. Những sáng kiến mà các em đưa ra không chỉ giúp gia đình mình mà còn có khả năng nhân rộng trong cộng đồng, từ đó góp phần phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại và bền vững.
Tuy nhiên, để những ý tưởng này được ứng dụng rộng rãi và mang lại hiệu quả kinh tế rõ nét, rất cần có sự hỗ trợ đồng bộ từ nhà trường, chính quyền địa phương và doanh nghiệp. Việc thành lập các câu lạc bộ khoa học sáng tạo, tổ chức trại hè STEM vùng nông thôn, hay kết nối học sinh với các vườn ươm sáng tạo, vườn công nghệ là những bước đi thiết thực. Nếu được đầu tư đúng hướng, học sinh nông thôn hoàn toàn có thể tạo ra những sản phẩm khoa học - kỹ thuật không hề thua kém học sinh ở đô thị.
Trong hành trình phát triển đất nước theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự đồng hành và đầu tư cho thế hệ trẻ nông thôn không chỉ là trách nhiệm, mà còn là chiến lược lâu dài. Bởi tương lai của nông nghiệp bền vững bắt đầu từ những hạt mầm sáng tạo đang được gieo trồng từ chính lớp học vùng quê hôm nay.