Học sinh thiếu hụt kiến thức lịch sử, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Đó là câu hỏi mà dư luận và nhiều chuyên gia đặt ra cho Ban soạn thảo chương trình cũng như Bộ GD&ĐT nếu môn Lịch sử chỉ là một trong những môn tự chọn ở lớp 10 THPT.
Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới sẽ chính thức được triển khai ở lớp 10. Đáng chú ý, ngoài 7 môn học bắt buộc, môn Lịch sử trở thành một trong 9 môn tự chọn cho học sinh.
Điều này làm nảy sinh nhiều băn khoăn và lo ngại học sinh sẽ không lựa chọn môn học này bởi tình trạng học sinh ngại học Lịch sử, điểm thi thấp đã diễn ra nhiều năm qua, môn học sẽ bị xóa sổ ở trường phổ thông, nhất là ở những trường có thế mạnh về nhóm môn khoa học tự nhiên.
TS. Nguyễn Mạnh Hưởng - giảng viên cao cấp Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội bày tỏ nhiều quan ngại khi lịch sử sẽ là môn học sinh tự lựa chọn ở lớp 10 sắp tới.
TS. Hưởng đã dẫn ra nhiều bài học kinh nghiệm từ các nước trên thế giới để khẳng định cho quan điểm đưa môn lịch sử ra bàn cân để lựa chọn là một sai lầm lớn. "Ở Hàn Quốc là một bài học rất lớn. Năm 2013, Hàn Quốc đã có nhiều cuộc thảo luận, hội thảo về môn Lịch sử. Họ đã đưa môn Khoa học xã hội trong đó có môn Lịch sử làm môn lựa chọn và hậu quả rất lớn là công dân Hàn Quốc hiểu biết lịch sử của mình rất ít. Đến năm 2017, họ đã sửa sai và đưa Lịch sử trở thành môn bắt buộc và trong chương trình thi cử cũng bắt buộc.
Với Nhật Bản, năm 2019, Nhật Bản lại đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc và nhấn mạnh coi trọng hơn nữa. Trong khi các nước tiên tiến trên thế giới họ rút ra bài học kinh nghiệm về sự sai lầm khi đưa Lịch sử là môn lựa chọn thì bây giờ mình lại quay trở lại lấy môn Lịch sử là môn tự chọn".
Nếu để lịch sử là môn tự chọn thì sẽ nhiều học sinh bị đứt mạch kiến thức về lịch sử ở bậc THPT. Ở bậc đại học, nếu muốn nối lại kiến thức liệu có dễ dàng?
Về vấn đề này, PGS. Nguyễn Quang Diệu – chuyên gia Lịch sử cho biết: "Lên bậc đại học, các em vẫn học Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam, vẫn học Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử văn minh thế giới, học Lịch sử thế giới... như vậy lỗ hổng về kiến thức sẽ rất lớn. Các em sẽ không có cái nền để nâng lên tầm cao ở chương trình cử nhân. Tôi cho rằng đó là một vấn đề cực kỳ khó khăn".
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên Chương trình GDPT năm 2018 nói rằng: "Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT mới quy định: Giáo dục phổ thông 12 năm, gồm hai giai đoạn giáo dục: giai đoạn giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học 5 năm và cấp trung học cơ sở 4 năm) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm)…
Trong đó, khi xây dựng chương trình, giáo dục Lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm. Khi học xong cấp THCS, học sinh đã hoàn thành toàn bộ nội dung giáo dục cơ bản, trong đó có nội dung giáo dục lịch sử, có đủ điều kiện cơ bản để phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi".
Nhìn nhận một cách khách quan sẽ thấy, xưa nay học sinh vốn ngại học Lịch sử, đến nay Bộ GD&ĐT lại tiếp tục đưa môn học này thành môn học tự chọn trong tổ hợp 3 môn không khác nào "khai tử" môn Lịch sử.
Nếu bỏ đi môn Lịch sử sẽ là một sai lầm to lớn bởi chúng ta sẽ đào tạo ra một thế hệ công dân không nhớ tới quá khứ và cội nguồn của mình.
Câu hỏi mà dư luận và nhiều chuyên gia đặt ra cho Ban soạn thảo chương trình cũng như Bộ GD&ĐT là những thiệt thòi khi học sinh bị thiếu hụt, thậm chí bị mất nhiều kiến thức lịch sử sẽ là trách nhiệm của ai?
Bộ GD&ĐT lý giải về môn Lịch sử trở thành môn tự chọn ở lớp 10 THPT
Trước những ý kiến lo ngại, việc đưa môn học Lịch sử thành môn tự chọn sẽ khiến rất ít học sinh lựa chọn ở nhiều trường THPT khi Chương trình GDPT mới bắt đầu áp dụng từ năm học tới 2022 – 2023 đối với lớp 10, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ khẳng định, Bộ GD&ĐT đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình GDPT năm 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước.
Trong chương trình này, môn Lịch sử có thế mạnh trong việc giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc, giúp học sinh có thể rút ra những bài học trong cuộc sống.
Chương trình GDPT 2018, môn Lịch sử được bố trí dạy như sau:
Ở cấp Tiểu học: Nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lý, liên tục từ lớp 1 đến lớp 5, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới, trên cơ sở đó khơi dậy sự say mê, hứng thú học tập và bước đầu phát triển những năng lực cơ bản của học sinh.
Ở cấp THCS - giai đoạn giáo dục cơ bản: Nội dung chương trình phân môn Lịch sử được bố trí dạy ở tất cả các lớp (lớp 6, 7, 8, 9). Nội dung chương trình phổ thông phân môn Lịch sử trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại. Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp THCS, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, toàn diện.
Ở cấp THPT - giai đoạn định hướng nghề nghiệp: Môn Lịch sử được bố trí là một môn trong tổ hợp xã hội. Các chuyên đề, chủ đề của môn Lịch sử cấp THPT là những nội dung chuyên sâu, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn các nội dung cơ bản ở cấp THCS.
Ở giai đoạn này, học sinh bắt buộc phải học 5 môn lựa chọn trong 3 tổ hợp. Học sinh nào chọn tổ hợp xã hội đã có môn Lịch sử. Học sinh chọn tổ hợp tự nhiên vẫn phải chọn một môn trong tổ hợp xã hội có môn Lịch sử (học sinh hoàn toàn có thể chọn môn Lịch sử nếu thấy môn này cần thiết cho bản thân hoặc cần thiết để phục vụ định hướng nghề nghiệp mà học sinh lựa chọn).
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho rằng, trong Chương trình GDPT tổng thể còn dành 20% thời lượng cho chương trình địa phương, do các địa phương tự biên soạn đưa vào giảng dạy theo quy định. Các nội dung Lịch sử địa phương tiếp tục được đưa vào giảng dạy bắt buộc ở tất cả các lớp từ lớp 6 đến lớp 12. Với cách bố trí như vậy, môn Lịch sử đảm bảo đáp ứng được vai trò giáo dục lịch sử cho học sinh phổ thông.
Đỗ Vi