Học sinh TP Hồ Chí Minh nước rút ôn tập để giành suất vào lớp 10 công lập
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa, Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học Phổ thông công lập của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ diễn ra với 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ở giai đoạn 'nước rút' này, các trường đã tăng giờ ôn tập các môn để đảm bảo yêu cầu về kiến thức cho học sinh. Trong khi đó, nhiều học sinh vẫn tiếp tục dồn sức học thêm ngoài nhà trường với mong muốn đạt kết quả tốt nhất.
Dồn sức ôn thi
Rất lo lắng khi thời gian tới kỳ thi không còn nhiều, em Quang Huy (Quận 3) đang học ngày đêm để có kết quả thi tốt nhất. Ngoài thời gian học trên lớp, em vẫn theo các lớp học thêm bên ngoài. Em tạm gác lại các hoạt động vui chơi giải trí để dồn sức ôn thi với quyết tâm trúng tuyển nguyện vọng 1.
Quang Huy cho biết, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Phổ thông Bùi Thị Xuân, nguyện vọng 2 là trường Trung học Phổ thông Marie Curie và nguyện vọng 3 Trường Trung học Phổ thông Ernst Thalmann. Tuy nhiên, em đang phân vân việc thay đổi nguyện vọng để phù hợp hơn, bởi các trường ở nguyện vọng 1 và 2 những năm gần đây có mức điểm chuẩn khá sát nhau.
Anh Thư (Quận 7) chia sẻ, trước áp lực của kỳ thi, em dành rất nhiều thời gian cho việc học. Từ đầu lớp 9 đến nay, em đều duy trì việc tham gia học thêm ngoài nhà trường, từ 18 giờ đến 21 giờ. Mỗi tuần, em dành một buổi học thêm môn Ngữ văn, một buổi cho môn Toán và 2 buổi cho tiếng Anh. Ở nhà, em tiếp tục tự ôn tập.
“Ban đầu, em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh, nguyện vọng 2 là Trường Trung học Phổ thông Lê Thánh Tôn và nguyện vọng 3 là Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Trãi; trong đó, nguyện vọng 2 là trường gần nhà, còn nguyện vọng 3 là an toàn. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc lại, so sánh lực học của mình và tỷ lệ “chọi” vào các trường, em dự kiến sẽ điều chỉnh nguyện vọng. Em sẽ đổi nguyện vọng 1 thành Trường Trung học Phổ thông Marie Curie và giữ hai nguyện vọng còn lại”, Anh Thư chia sẻ.
Các trường Trung học Cơ sở, từ nay đến đầu tháng 6 đều tăng tiết ôn tập cho 3 môn thi bắt buộc. Theo lãnh đạo các trường, trong quá trình học tập, học sinh đã được củng cố kiến thức “học đến đâu chắc đến đó”. Vì thế, trong giai đoạn này, thầy cô chủ yếu hệ thống lại kiến thức và hướng dẫn học sinh các kỹ năng làm bài.
Cô Lê Thị Quy Thục, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du (Quận 1) cho biết, thời gian này, nhà trường tăng tiết ôn thi cho học sinh khối 9. Theo đó, học sinh các lớp sẽ đến trường ôn tập một buổi/ngày, với 8 tiết Ngữ văn, 7 tiết Toán và 6 tiết tiếng Anh/tuần.
Không chỉ học ở trường, nhiều học sinh còn tham gia các lớp học thêm ở bên ngoài với mong muốn đạt kết quả tốt nhất. Học sinh của trường đã được tư vấn rất kỹ lưỡng nên tỷ lệ điều chỉnh nguyện vọng không nhiều, mà các em tập trung hơn vào việc ôn thi. Ghi nhận đến nay có khoảng 30% học sinh có dự định sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký vào lớp 10 công lập; trong đó, chủ yếu các em điều chỉnh thứ tự các nguyện vọng, có những em sau khi có kết quả thi học kỳ 2 và thi khảo sát xong muốn chọn nguyện vọng 3 an toàn hơn.
Từ số liệu thống kê số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố cho thấy, tỷ lệ “chọi” vào nhiều trường ở mức 1 đến 2, một số trường có số học sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh. Thí sinh sẽ có 7 ngày để cân nhắc thực hiện điều chỉnh nguyện vọng theo hình thức trực tuyến từ 15 - 21/5.
Nhiều cơ hội cho học sinh
Năm học này, Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến có gần 110.000 học sinh sẽ tốt nghiệp Trung học Cơ sở. Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố có hơn 96.000 học sinh đăng ký tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2023 - 2024. Như vậy, khoảng 13.000 học sinh chủ động không dự thi lớp 10 công lập mà chọn hướng đi khác phù hợp hơn với năng lực và định hướng nghề nghiệp của bản thân. Dù vậy, so với tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường công lập chỉ hơn 77.000 học sinh, vẫn có gần 20.000 học sinh sẽ không trúng tuyển lớp 10 công lập trong kỳ thi sắp tới.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, thực hiện chủ trương phân luồng học sinh, Thành phố sẽ có khoảng 70% học sinh sau Trung học Cơ sở tiếp tục theo học lớp 10 công lập, 30% học sinh sẽ có những hướng học tập khác. Ngoài thi vào lớp 10 công lập, tùy vào điều kiện, học sinh lớp 9 sau khi tốt nghiệp có thể chọn một trong nhiều con đường học tập, như xét tuyển vào lớp 10 ngoài công lập, học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc các trường nghề.
Năm học 2023 - 2024, các trường ngoài công lập, giáo dục thường xuyên và trường nghề có khoảng 51.000 chỉ tiêu tuyển sinh học sinh lớp 10, xét tuyển chủ yếu dựa trên kết quả học tập Trung học Cơ sở. Trong đó, các trường ngoài công lập có tổng chỉ tiêu hơn 30.000 học sinh, tăng 500 chỉ tiêu so với năm học trước. Khối giáo dục thường xuyên sẽ tuyển sinh hơn 11.000 chỉ tiêu lớp 10. Các trường nghề tuyển sinh hơn 9.500 chỉ tiêu.
Đơn cử, ở hệ giáo dục thường xuyên, Trung tâm Giáo dục phổ thông, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến tuyển 500 chỉ tiêu học viên lớp 10 cho năm học tới. Ông Nguyễn Văn Khả, Giám đốc Trung tâm cho biết, điều kiện xét tuyển vào lớp 10 là học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và có hạnh kiểm tốt (không cần điểm thi tuyển sinh lớp 10). Chương trình giáo dục tại Trung tâm được giảng dạy trên nền tảng giáo dục hiện đại, chuyên sâu với nhiều hoạt động trải nghiệm thực tế. Trong đó, học sinh học chương trình chính khóa theo chương trình học 7 môn; chương trình Anh ngữ chuẩn Toeic, cùng với đó còn có các chương trình giáo dục kỹ năng sống, phát triển năng khiếu bản thân, ngoại khóa, trải nghiệm thực tế.
Ở khối các trường tư thục tại Thành phố, Trường Tiểu học - Trung học Cơ sở - Trung học Phổ thông Ngô Thời Nhiệm (thành phố Thủ Đức) có chỉ tiêu tuyển sinh vào 10 cao nhất với 1.310 chỉ tiêu. Ông Tưởng Nguyên Sự, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường tuyển sinh trong phạm vi cả nước bằng hình thức xét tuyển học bạ. Tiêu chuẩn xét tuyển vào trường là học sinh có học lực đạt từ trung bình trở lên, hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Nhà trường nhận hồ sơ đăng ký từ tháng 6 tới. Trường tổ chức học 2 buổi/ngày, có ba hình thức học để học sinh lựa chọn: ngoại trú, bán trú và nội trú.