Học sinh trải nghiệm dệt thổ cẩm giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Các trường ở Kon Tum chú trọng hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, du lịch học đường nhằm giúp học sinh phát triển toàn diện.

Y Thun (bên trái) và Y Thấp đang tham khảo để lựa chọn nghề phù hợp.

Y Thun (bên trái) và Y Thấp đang tham khảo để lựa chọn nghề phù hợp.

Gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum) triển khai thực hiện hoạt động giáo dục trải nghiệm, hướng nghiệp, du lịch học đường.

Theo ông Thái Khắc Hòa, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, đối với cấp Mầm non đơn vị chỉ đạo các trường giáo dục theo hướng trải nghiệm. Qua đó, luôn đòi hỏi trẻ phải chủ động, độc lập, sáng tạo sử dụng kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm đã có để giải quyết các vấn đề. Do vậy, quá trình giáo dục tạo ra nhiều cơ hội để trẻ thể hiện khả năng, năng lực thực tiễn.

Cụ thể, các trường lựa chọn chủ đề hấp dẫn, gắn với môi trường tự nhiên, cuộc sống xã hội để trẻ được tự do trải nghiệm. Qua đó phát triển hài hòa các mặt nhận thức, ngôn ngữ, thể chất, tình cảm xã hội và thẩm mĩ, đảm bảo cho sự phát triển toàn diện nhân cách trẻ. Thông qua trải nghiệm, kinh nghiệm của trẻ được tích lũy, điều chỉnh và phản hồi thông qua kiến thức và hiểu biết mới tiếp thu từ những trải nghiệm thực tế.

Học sinh thành phố Kon Tum trải nghiệm dệt thổ cẩm.

Học sinh thành phố Kon Tum trải nghiệm dệt thổ cẩm.

Còn với cấp Tiểu học và THCS, trải nghiệm - hướng nghiệp là hoạt động giáo dục do thầy, cô định hướng, thiết kế và hướng dẫn thực hiện, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận thực tế. Thông qua đó, chuyển hóa những kinh nghiệm đã trải qua thành tri thức, hiểu biết, kĩ năng mới góp phần phát huy tiềm năng sáng tạo và khả năng thích ứng với cuộc sống, môi trường trong tương lai. Nội dung hoạt động được xây dựng dựa trên các mối quan hệ của cá nhân học sinh với bản thân, xã hội, tự nhiên và nghề nghiệp.

“Ở cấp Tiểu học, nội dung hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá bản thân, hoạt động rèn luyện, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô… Còn cấp THCS nội dung trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hướng đến tự nhiên. Đồng thời hoạt động hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh. Ngoài ra, tổ chức tốt các hoạt động du lịch trải nghiệm giúp học sinh tìm hiểu, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn”, ông Hòa chia sẻ.

Học nghề để đỡ đần cha mẹ

Học sinh Tu Mơ Rông tham dự Chương trình “Ngày hội việc làm”.

Học sinh Tu Mơ Rông tham dự Chương trình “Ngày hội việc làm”.

Là hoạt động nằm trong “Phiên chợ Sâm Ngọc Linh, các dược liệu khác gắn với du lịch lần 2 huyện Tu Mơ Rông năm 2023”, UBND huyện Tu Mơ Rông đã tổ chức Chương trình “Ngày hội việc làm”.

Tại chương trình, hàng trăm thanh, thiếu niên và học sinh trên địa bàn 11 xã có mong muốn tìm việc đã có mặt để lắng nghe 4 công ty lớn ở Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu.

Em Y Thun (lớp 12A2, Trường PTDTNT Tu Mơ Rông) cho biết, trong quá trình học tập trên trường lớp bên cạnh việc giáo dục đạo đức lối sống, thầy cô còn tuyên truyền về hướng nghề - hướng nghiệp. Từ đó, giúp các em lựa chọn được hướng đi đúng đắn, phù hợp với điều kiện của địa phương và gia đình.

Y Thun tâm sự, gia đình em có 2 chị em. Tuy nhiên, do cuộc sống khó khăn nên cha mẹ không đủ điều kiện để Y Thun tiếp tục học lên Cao đẳng, Đại học.

“Cha mẹ em quanh năm làm nương rẫy nên không thể lo cho em tiếp tục đi học. Mấy năm qua, học tập ở trường nội trú nên em không phải lo chi phí học tập, ăn ở. Em dự định sẽ học nghề may để có thể đỡ đần cha mẹ”, Y Thun bộc bạch.

Tương tự, mấy năm qua, Y Thấp (lớp 12A3, Trường PTDTNT Tu Mơ Rông) luôn là học sinh khá của trường. Từ những ngày còn nhỏ nữ sinh luôn ước mơ trở thành giáo viên để dạy chữ cho trẻ em trong làng. Thế nhưng, cuộc sống khó khăn, cha mẹ làm chỉ đủ nuôi 4 miệng ăn nên em chẳng dám thực hiện mơ ước của mình.

“Sau khi tốt nghiệp lớp 12 em sẽ đi học nghề để kiếm tiền lo cho người em tiếp tục đến trường. Em vẫn thích được đi học lắm, nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép nên em đành dừng ước mơ của mình. Nếu có cơ hội được đi học em sẽ cố gắng không phụ lòng mong mỏi của gia đình, thầy cô”, Y Thấp tâm sự.

Trúc Hân

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-trai-nghiem-det-tho-cam-giu-gin-ban-sac-van-hoa-dan-toc-post625050.html