Học theo Bác ở nơi lưu giữ những kỷ vật về Người

Niềm tự hào được đón Bác về thăm và làm việc đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ biến thành những việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương của Người.

Tây Hồ là địa phương đầu tiên của Hà Nội được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người từ chiến khu về Hà Nội chuẩn bị cho ngày ra mắt quốc dân đồng bào, đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945. Niềm tự hào đó đã được Đảng bộ, chính quyền, nhân dân quận Tây Hồ biến thành những việc làm thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhất là trong việc xây dựng văn minh đô thị.

Ngôi nhà của cụ Nguyễn Thị An tại làng Phú Gia (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) từng là cơ sở cách mạng trong thời kỳ 1941 - 1945. Căn nhà này chính là điểm đến đầu tiên của Bác Hồ cùng đoàn cán bộ từ Chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội sau đó vào nội thành Hà Nội soạn thảo bản Tuyên ngôn Độc lập.

Trải qua bao biến cố lịch sử, đến nay căn nhà cổ vẫn được các thế hệ trong gia đình gìn giữ, duy tu từng món đồ, kỷ vật mang hình bóng của Bác. Các hiện vật quan trọng như chiếc sập gỗ, chiếc trường kỷ nơi Bác làm việc và nghỉ ngơi đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn. Nơi đây đã trở thành địa chỉ “đỏ” giáo dục về lịch sử, truyền thống cách mạng.

Cô giáo Nguyễn Thị Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thượng (quận Tây Hồ) chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất tự hào về mảnh đất nơi mình công tác và sinh sống, bởi nơi đây nhiều lần được đón Bác Hồ về thăm và làm việc. Tôi đã lan tỏa niềm tự hào đó tới các em học sinh bằng các việc làm cụ thể. Chúng tôi tổ chức giáo dục học sinh tại các điểm di tích lịch sử, qua đó giúp các em thêm yêu, hiểu hơn lịch sử và rèn luyện bản thân”.

Vinh dự và tự hào khi hai lần đón Bác về thăm, phong trào học tập Bác được người dân phường Phú Thượng gắn với bảo tồn, phát triển làng nghề Xôi. Thay vì trông chờ vào đầu tư bên ngoài, cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây đã chủ động hỗ trợ truyền nghề, xây dựng nhãn hiệu tập thể, phát triển sản phẩm OCOP và du lịch làng nghề. Những giá trị kinh tế, văn hóa và tinh thần từ mô hình này là minh chứng rõ nét cho tinh thần tự lực, tự cường như lời Bác dạy - đã và đang được khơi dậy mạnh mẽ.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Chi bộ Tổ dân phố 11 (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) cho hay: “Chúng tôi học Bác về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; học Bác về cách ứng xử, ăn nói. Mình là cán bộ, đảng viên mình phải nêu gương làm trước, dân đi sau, vận động nhân dân cùng làm”.

Phường Xuân La cũng là địa phương vinh dự ba lần được Bác Hồ về thăm. Đảng ủy và các đơn vị của phường học tập và làm theo Bác bằng việc xây dựng tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp. Khu vực ngõ 99 đường Xuân La ngăn nắp, gọn gàng hơn sau một năm triển khai các biện pháp đảm bảo đô thị văn minh, không còn điểm chân rác gây mất mỹ quan; các bức tường sạch đẹp hơn với tranh bích họa; hệ thống điện chiếu sáng, trang trí được đầu tư xây dựng.

Ông Đinh Tiên Hường, Bí thư Chi bộ 15 (phường Xuân La, quận Tây Hồ) cho biết: “Bác Hồ về thăm Xuân La ba lần. Bởi Xuân La là mô hình thực hiện tổ nội công hiệu quả nhất. Thực hiện Chỉ thị 05 về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã làm cho mỗi cán bộ, đảng viên phường Xuân La nâng cao trách nhiệm, vai trò của mình. Trong hơn một năm, chúng tôi đã hoàn thành 52 tiêu chí xây dựng đô thị văn minh và trở thành phường đô thị văn minh đầu tiên của quận Tây Hồ. Chúng tôi rất tự hào”.

Từ những chuyển động âm thầm nhưng bền bỉ trong từng tổ dân phố, từng chi bộ, phong trào học và làm theo Bác ở quận Tây Hồ đã thực sự trở thành nền nếp, lan tỏa vào từng việc làm. Đó là quá trình lâu dài, tâm huyết nhằm hướng tới một mục tiêu: xây dựng quận Tây Hồ phát triển bền vững, nhân văn, hiện đại - nơi học Bác không chỉ bằng lời nói, mà bằng hành động cụ thể, hằng ngày.

Thùy Linh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/hoc-theo-bac-o-noi-luu-giu-nhung-ky-vat-ve-nguoi-331718.htm