Học tiếng Mông để hiểu dân hơn

Mặc dù có nhiều năm công tác tại các xã vùng cao của huyện Bát Xát, có thể giao tiếp cơ bản với người dân nhưng anh Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ vẫn gặp khó khăn trong tuyên truyền, vận động người dân.

Anh Thắng kể: 100% người dân xã Trung Lèng Hồ là người Mông, trình độ dân trí không đồng đều và đa phần người già, phụ nữ không biết tiếng phổ thông nên việc giao tiếp với bà con còn khó khăn, chưa nói đến việc tiếp thu những nội dung tuyên truyền, vận động của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương. Trong các cuộc họp thôn, tôi thường phải nhờ tới “phiên dịch viên” là trưởng thôn, bí thư chi bộ. Nhiều khi người dân thảo luận xôn xao với nhau bằng tiếng Mông, cán bộ không nắm được hết tâm tư, nguyện vọng của họ nên muốn tư vấn, hướng dẫn cũng khó.

Cũng như anh Thắng, chị Ngô Thị Nhung là cán bộ tư pháp xã Trịnh Tường (huyện Bát Xát), hằng ngày tiếp xúc với hàng chục người dân tại bộ phận một cửa. Chị Nhung cho biết, nhiều người già đến làm thủ tục tư pháp không có con, cháu đi theo nên chị phải tìm người thạo tiếng Mông để hướng dẫn cặn kẽ. Vì bất đồng ngôn ngữ nên rất khó giải thích, hướng dẫn cho người dân hiểu và làm đúng các thủ tục hành chính, gây mất thời gian cho cả người dân và cán bộ. Ngoài ra, cán bộ tư pháp còn thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đến UBND xã đăng ký khai sinh cho trẻ theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định, tuyên truyền cho thanh niên hiểu quyền đăng ký kết hôn khi đến tuổi lấy vợ, lấy chồng. Do đó, việc học tiếng Mông không chỉ giúp truyền tải thông tin tới người dân chính xác, mà còn hiểu hơn văn hóa, bản sắc của đồng bào để tuyên truyền hiệu quả.

Với giáo viên vùng cao, ngoài nhiệm vụ giảng dạy thì vận động học sinh tới lớp cũng là việc làm thường xuyên. Thầy giáo Nông Văn Thiệp, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Pa Cheo (huyện Bát Xát) cho biết: Tỷ lệ người dân nói tiếng phổ thông còn hạn chế, các gia đình phần lớn giao tiếp bằng tiếng dân tộc. Những lần đi vận động học sinh, giáo viên phải đi cùng trưởng thôn để được hỗ trợ. Bản thân anh học tiếng Mông bằng cách ghi mỗi từ ngữ, mỗi câu thoại vào cuốn sổ nhỏ và thường xuyên đọc đi, đọc lại, tuy nhiên chỉ có thể giao tiếp cơ bản. Nhiều chuyến đi vận động học sinh tới lớp, do bất đồng ngôn ngữ nên không đạt kết quả như mong đợi.

Sáng sớm thứ 7, tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện Bát Xát, lớp học tiếng Mông như sôi nổi hẳn lên khi cô giáo Ma Thị Dua, Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai ôn lại bài chào hỏi đã dạy vào tối hôm trước. Học viên không chỉ hào hứng tham gia phát biểu mà còn thực hành với người kế bên. “Các anh, chị tiến bộ rất nhiều!” - cô giáo Dua tỏ ra hài lòng.

Trước đây, anh Nguyễn Văn Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trung Lèng Hồ cũng từng “học mót” của người dân một vài câu nói cơ bản. Sau 2 tháng theo học lớp tiếng Mông, anh tự tin hơn khi giao tiếp với người dân. Anh Thắng chia sẻ: Giờ đi đâu cũng kè kè cuốn giáo trình để ôn bài. Thậm chí khi về địa phương công tác, những người dân cũng là người thầy giúp mình tích lũy vốn từ vựng. Giờ gặp gỡ người dân, mình tự tin hơn, người dân cũng yêu quý và tin tưởng mình hơn.

Thầy giáo Nông Văn Thiệp, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS xã Pa Cheo cũng bộc bạch: Sau 5 tháng học tại đây, trở về công việc thường nhật, tôi vẫn cố gắng trau dồi thêm kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Mông. Nhiều khi ngồi ăn cơm cùng người dân, tôi hỏi thêm từ mới, ghi lại trong điện thoại, rồi rảnh rỗi lấy ra ôn luyện.

Là người dân tộc Mông nhưng anh Lý Việt Hùng, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bát Xát vẫn đăng ký theo học lớp tiếng Mông. Anh cho biết: Ngoài nói thì viết và đọc được chữ Mông giúp ích rất nhiều cho tôi trong việc viết những nội dung tuyên truyền phát trên truyền thanh địa phương. Lớp học còn giúp tôi trong việc nghiên cứu, lưu trữ các tài liệu liên quan tới văn hóa dân tộc Mông.

Trực tiếp lên lớp tiếng Mông, cô giáo Ma Thị Dua, Khoa Kinh tế - Du lịch, Trường Cao đẳng Lào Cai bày tỏ: Mục tiêu của lớp học không phải là lấy chứng chỉ, mà là giúp học viên có thể nói thông thạo các từ ngữ và một số câu thường gặp trong cuộc sống, sinh hoạt của người Mông; làm chủ được các tình huống giao tiếp thông thường và biết cách tuyên truyền, vận động người dân bằng tiếng bản địa. Quá trình học tập, giáo viên còn cung cấp những kiến thức liên quan đến phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa, nếp sống, sinh hoạt thường ngày của người Mông.

Huyện Bát Xát có 7 dân tộc, trong đó dân tộc Mông chiếm khoảng 70%. Huyện đặt mục tiêu cán bộ cấp xã làm việc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải biết 1 thứ tiếng dân tộc thiểu số, bởi cán bộ tại thôn, bản và xã là những người thường xuyên tiếp xúc với người dân. Do đó, cán bộ học tiếng của đồng bào là cách làm hiệu quả để thực hiện tốt công tác dân vận.

Việc tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp với đồng bào bằng ngôn ngữ dân tộc địa phương sẽ giúp cán bộ tạo được niềm tin, đạt hiệu quả trong tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và giúp họ trở thành những “người con” của dân bản.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361121-hoc-tieng-mong-de-hieu-dan-hon