Học trò lễ trong lễ thức dân gian Tây Ninh
Có những gia đình như cụ Nguyễn Văn Huấn, ông Nguyễn Văn Ron, cả cha và con, đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò lễ nối tiếp nhau để giữ gìn truyền thống của địa phương…
Học trò lễ là một trong những thành phần tham gia tích cực trong các lễ thức dân gian ở Tây Ninh, góp phần làm trang nghiêm cuộc lễ, thể hiện tinh thần lễ nghĩa của cư dân nơi mảnh đất phía Tây Nam Tổ quốc. Có những gia đình như cụ Nguyễn Văn Huấn, ông Nguyễn Văn Ron, cả cha và con, đã đào tạo nên nhiều thế hệ học trò lễ nối tiếp nhau để giữ gìn truyền thống của địa phương…
Học trò lễ còn được gọi là lễ sanh hay lễ sĩ, là những người đảm trách việc lễ nghi trong các lễ cúng- nhất là các lễ cúng đình, miếu, đền thờ… các nghi thức có trình cúng như cúng Phật, tiến sư ở chùa; đăng điện trong nghi thức của đạo Cao Đài; tiến linh ở đám tang; trình thập cúng trong lễ vía Linh Sơn thánh mẫu ở điện Bà (núi Bà Đen).
Việc đào tạo học trò lễ rất được các thầy Nho ở Tây Ninh chú trọng. Ở làng Gia Lộc (Trảng Bàng) xưa có ông Ngô Văn Trạch (1865-1942) từng làm Hương lễ của làng nên được mọi người kính trọng gọi là ông Hương lễ Trạch hay ông Hương Trạch.
Vào những năm đầu của thế kỷ XX, ông nổi danh là một nhà Nho dạy chữ và đào tạo học trò lễ trong vùng. Nhiều người đến học chữ Nho ở chỗ ông. Nhà ông và chùa Phước Lưu (Trảng Bàng) khi xưa là hai lớp đào tạo học trò lễ (có cư sĩ và tăng sĩ) cho các đình, chùa.
Về sau, có ông Nguyễn Văn Huấn tự Huệ Thông (1920-1995) cùng các ông Hai Phô, Chín Gắn, Năm Nhịn, Hai Trảng… học về học trò lễ ở chùa Quan Âm miệt Sò Đo (nay thuộc thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An). Sau khi học, các ông lập một đội học trò lễ, đóng góp tiền của để may đồ lễ đi cúng ở các đình, chùa, đi đám theo lời thỉnh cầu của chủ đám và về mở lớp truyền dạy học trò lễ ở khắp Tây Ninh.
Ông Nguyễn Văn Huấn (Bảy Huấn) mở lớp đào tạo học trò lễ ở chùa Phước Lưu, chùa Phổ Tế (Trảng Bàng). Ngoài ra, ông còn đi khắp xứ Tây Ninh dạy chữ Nho, đào tạo học trò lễ. Hòa thượng Tịnh Huệ mở lớp gia giáo dạy ứng phú đạo tràng tại chùa Giác Nguyên (Trảng Bàng), trong đó có đào tạo học trò lễ là các vị tăng.
Sau này, ông Nguyễn Văn Ron (sinh năm 1956) mở lớp dạy tại nhà (phường An Hòa, thị xã Trảng Bàng) để tạo nguồn học trò lễ trẻ cho đình An Hòa và phục vụ các lễ thức dân gian tại địa phương. Đội học trò lễ do ông Ron đào tạo có 16 người. Đến nay, cả đội đã thành thạo các kiểu thức của học trò lễ, tham gia thực hành nghi lễ ở đình An Hòa cùng nhiều đình, lễ cúng dân gian trong và ngoài tỉnh.
Việc truyền dạy học trò lễ theo lối “cầm tay chỉ việc”, tức người thầy hướng dẫn từng câu xướng lễ, cách đọc chúc văn, bước đi theo các bộ chữ tâm, chữ bát, chữ đinh, kiểu đứng, các bộ xang cánh phượng, lưỡng nghi, tứ tượng, bát quái, cách cầm đăng, cầm đài… cùng những lưu ý như khi cung tay phải tròn, đăng và đài phải đặt vừa tầm mắt để tiện kiểm soát, các bước đi nhún vừa phải không quá cao hay thấp… cho người học trò. Khi học trò đã thành thạo các bước cơ bản, người thầy cho cả đội cùng tập nghi thức trình cúng, sau là kết hợp với nhạc lễ.
Bên cạnh việc dạy nghi lễ, người thầy còn xem trọng việc dạy đạo đức cho học trò. Ông Nguyễn Văn Ron chia sẻ: “Trước đây cha tôi tức ông Bảy Huấn dạy phải cố gắng học, lưu truyền để nối nghiệp tổ tiên, gìn giữ truyền thống dân tộc, giúp đỡ cho đời trong việc lễ nghi”. Đây cũng là kim chỉ nam của ông Ron trong suốt cuộc đời làm nghề và đào tạo học trò lễ. Các thế hệ học trò lễ luôn giữ tròn đạo “uống nước nhớ nguồn”, khi thầy qua phần thì thờ thầy và thường chọn ngày giỗ của thầy để tổ chức cúng tổ ngành học trò lễ. Ở một số đình làng, bên trong đình có bàn thờ tổ học trò lễ để các lễ sanh vọng bái tổ sư trước khi thực hiện các nghi thức ở đình.
Nơi trình cúng có 3 nghi cần có 14 học trò lễ (2 người xướng lễ, 6 người cầm đăng, 6 người cầm đài) hay 1 nghi cần có 6 học trò lễ (2 người xướng lễ, 2 người cầm đăng, 2 người cầm đài). Ở Tây Ninh đa số là học trò lễ văn, riêng có một đội thường đi cúng ở các đền thờ Quan lớn Trà Vong có cả lễ văn và lễ võ.
Theo sự phân công trong các buổi cúng sẽ có một đôi lễ sanh đứng xướng lễ hai bên của bàn thờ Hội đồng, tư thế khoanh tay trang nghiêm, hô to các nghi thức theo sự hướng dẫn của thầy lễ, các lễ sanh di chuyển chia làm hai đôi gồm đôi đăng (bưng đèn) đi trước, đôi đài (bưng đài hương, rượu, trà, quả phẩm) đi giữa và đi sau là đào thài (nếu có).
Đôi đăng do lễ võ bưng, đôi đài do lễ văn bưng nhưng ở Tây Ninh phần nhiều do lễ văn đảm trách cả hai. Khi xưa lễ vía Linh Sơn thánh mẫu ở điện Bà (núi Bà Đen) do học trò lễ nam dâng cúng, về sau này do đội học trò lễ nữ gồm 18 vị lần lượt dâng lễ vật lên Bà.
Trong các lần đi trình, bên cạnh tuần hương, 3 tuần rượu, 1 tuần trà, ẩm phước còn có quả phẩm (dâng trái cây) và hiến bỉnh (dâng bánh) là hai nghi thức mới có từ thời Pháp. Theo giải thích của cụ Đỗ Văn Rỡ - người am tường về nghi thức đình làng: “Người Pháp sau khi ăn sẽ tráng miệng bằng trái cây và bánh ngọt.
Người mình thấy vậy thêm vào để cho lễ sanh có dịp múa xỏ tréo bốn bộ thay đổi không khí. Theo tục lệ Việt Nam khi sắp cỗ bàn đã có đơm bánh và trái cây rồi, vì thêm vào nên đào không có bài thài”. Qua đây đã cho thấy được sự sáng tạo, linh hoạt kết hợp hài hòa giữa cái mới với truyền thống trong lễ thức dân gian.
Ngoài ra khi tiến linh trong đám tang, học trò lễ còn thực hiện dâng cơm, trầu cau, kim ngân hay ở lễ vía Linh Sơn thánh mẫu với trình thập cúng gồm hương, hoa, đăng, trà, quả, thực, thủy, đồ, châu, bảo. Sau phần đọc chúc văn, học trò lễ sẽ có hai hoặc ba lần xang các điệu lưỡng nghi, tứ tượng và bát quái.
Về trang phục, học trò lễ đầu đội mão lễ khi thực hiện các nghi thức dân gian, đội mão Quan Âm khi thực hiện các nghi thức Phật giáo, mặc áo lễ theo kiểu áo giao lĩnh tay thụng hoặc tay chẽn, mang củng, thắt đai lưng, chân đi hia. Với học trò lễ nữ trong trang phục áo dài tay thụng, đầu đội mấn, chân đi hài.
Nhạc lễ cũng góp phần quan trọng trong thực hành nghi lễ của học trò lễ, như khi xang sổ điệu phát tấu, ở các tuần hương, rượu, trà, cơm… đều có các lớp nhạc khác nhau nên đòi hỏi đội học trò lễ và ban nhạc lễ phải tập luyện với nhau từ trước, trong khi thực hành lễ thức phải hiểu ý và kết hợp hài hòa với nhau.
Ở các đình làng Tây Ninh dần ít các học trò lễ kỳ cựu, người trẻ lại ít theo học nên nhiều đình phải mượn học trò lễ đạo Cao Đài ở các thánh thất địa phương thực hành nghi lễ cúng đình. Dù học trò lễ rất yêu công việc của mình nhưng các lễ thức dân gian thường chỉ diễn ra vào mùa xuân và mùa thu nên họ thường làm thêm một nghề khác để lo cho gia đình và tiếp tục nuôi dưỡng đam mê.
Trong chương trình tổng kết lớp Đồng ấu Gia Bình năm 2023, Hội đồng Đội phường Gia Bình (thị xã Trảng Bàng) đã mời học trò lễ Nguyễn Văn Ron đến thực hành diễn xướng giới thiệu văn hóa truyền thống cho thanh thiếu nhi nhằm hun đúc trong thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước từ các giá trị văn hóa dân gian của địa phương.
Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/hoc-tro-le-trong-le-thuc-dan-gian-tay-ninh-a180296.html