Với doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế, phải có chính sách rất đặc biệt
ĐBQH Phan Xuân Dũng cho rằng, để doanh nghiệp làm được và tin tưởng doanh nghiệp làm được thì phải có cơ chế, chính sách rõ ràng và cụ thể.
Trong khuôn khổ chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, chiều 15/5, tham gia thảo luận ở tổ về các nội dung: Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có những đóng góp ý kiến mang tính tổng thể và chiến lược đối với các dự án luật trên.
Trao cho doanh nghiệp lớn của Việt Nam cơ hội
Tham gia thảo luận và đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân, đại biểu Phan Xuân Dũng nhìn nhận: “Sau khi Trung ương có Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, Quốc hội cũng đã khẩn trương xây dựng Nghị quyết của Quốc hội, điều này thể hiện tinh thần rất kịp thời và sự lãnh đạo quyết liệt của Trung ương đối với các Nghị quyết, trong đó có Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế tư nhân. Điều này làm Nhân dân, cử tri rất phấn khởi và ủng hộ”.
Theo đại biểu Phan Xuân Dũng, kinh tế tư nhân chính là nền kinh tế dựa trên sở hữu tư về tư liệu sản xuất. Trong đó có hai khối là kinh tế nhỏ, cá thể và kinh tế lớn mang tính chất như kinh tế tư bản tư nhân.
"Mỗi khối như thế này là chúng ta đặt lên vai họ những trách nhiệm rất khác nhau. Như khối kinh tế nhỏ, cá thể là lực lượng rất lớn thì cách tiếp cận của chúng ta về họ phải rất khác với những ưu tiên, ưu đãi phải rõ ràng. Còn đối những doanh nghiệp lớn, có thể trở thành những trụ cột của nền kinh tế sau này thì cũng phải có chính sách mới và rất đặc biệt. Thế nhưng, trong Nghị quyết này, những chính sách đặc biệt đối với hai khối này là chưa thực sự rõ ràng" , đại biểu Phan Xuân Dũng chia sẻ.
Đại biểu đoàn Ninh Thuận cho biết, thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước khi có những dự án lớn đã tập trung vào việc xây dựng và tạo ra những doanh nghiệp lớn, trở thành đầu tàu cho nền kinh tế của đất nước. Ví dụ như, chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân, Nhà nước đã trao cho những doanh nghiệp lớn của Việt Nam đứng lên chủ trì. Hay như dự án đường sắt cao tốc cũng đã trao cho doanh nghiệp lớn của Việt Nam cơ hội. Đây là cách làm rất hợp lý của Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Tuy nhiên, đại biểu Phan Xuân Dũng cũng băn khoăn: “Để doanh nghiệp làm được và tin tưởng doanh nghiệp làm được thì phải có cơ chế, chính sách rõ ràng và cụ thể. Nên có những điều, khoản giống như “bản cam đoan” để làm sao tất cả các doanh nghiệp, tùy theo doanh nghiệp nhỏ, vừa hay như doanh nghiệp lớn đều yên tâm thực hiện. Khi được hướng dẫn, bảo vệ thì doanh nghiệp hoàn toàn tập trung mọi nguồn lực để triển khai và phát triển. Điều này là cực kỳ quan trọng”.

Đại biểu Quốc hội Phan Xuân Dũng, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận
Cần bổ sung nguyên tắc hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình
Đại biểu Phan Xuân Dũng đánh giá, thời gian qua, lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc của Việt Nam đã thể hiện rất tốt vai trò, vị trí của mình. Không chỉ là những quy định của Liên Hợp Quốc mà còn chủ động thực hiện việc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo tại các địa bàn được bạn bè quốc tế đánh giá rất cao.
“Những chiến sĩ của chúng ta giống như các đại sứ ở các nước. Luôn có trách nhiệm tuyên truyền về đường lối, chủ trương và nâng cao vị thế, hình ảnh của đất nước Việt Nam ta”, đại biểu Phan Xuân Dũng nhận định và cho rằng, nguyên tắc hoạt động được nêu trong dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc là chưa đầy đủ khi lực lượng gìn giữ hòa bình chỉ tham gia hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả chiến tranh, duy trì hòa bình sau xung đột vì mục đích nhân đạo trên cơ sở đề nghị của Liên Hợp Quốc.
“Trên thực tế, bên cạnh những quy định của Liên Hợp Quốc bắt buộc phải thực hiện, chúng ta đã làm rất nhiều việc khác như: hỗ trợ, xóa đói giảm nghèo, khám chữa bệnh tật và nhiều hoạt động nhân đạo khác. Do đó, cần bổ sung nguyên tắc hoạt động một cách rộng hơn với các nội dung khác theo đề nghị của chính quyền sở tại phù hợp với khả năng của chúng ta”, đại biểu Phan Xuân Dũng nói.