Học viện Hàng không Việt Nam lý giải nguyên nhân nhiều ngành không có GS, PGS
Nếu như năm học 2021-2022, Học viện Hàng không Việt Nam có 45 phòng thực hành thì năm học 2022-2023, số phòng thực hành của học viện giảm xuống còn 19.
Học viện Hàng không Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 168/2006/QĐ-TTg, ngày 17/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ. Học viện là cơ sở giáo dục đại học đầu ngành trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước về lĩnh vực hàng không dân dụng, giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực cho ngành hàng không Việt Nam.
Hiện Học viện Hàng không Việt Nam do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoài An là Chủ tịch Hội đồng Học viện; Tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Hằng là Giám đốc.
Quy mô đào tạo tăng nhanh
Theo báo cáo 3 công khai của Học viện Hàng không Việt Nam từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, quy mô đào tạo của trường tăng khá nhanh.
Nếu như năm học 2020-2021, học viện đào tạo 2.376 sinh viên hệ đại học chính quy thì đến năm 2022-2023, quy mô đào tạo của trường tăng mạnh lên 4.382 sinh viên hệ đại học chính quy (tăng 2.006 sinh viên).
Sinh viên của trường tập trung chủ yếu ở khối ngành III. Cụ thể, năm 2020-2021, khối ngành III có 1.627 sinh viên (chiếm 68,5%). Năm học 2021-2022, khối ngành III có 1.670 sinh viên (chiếm 60,4%). Năm học 2022-2023, khối ngành III có 2.193 sinh viên (chiếm hơn 50%).
Bên cạnh đó, năm học 2021-2022, học viện còn mở thêm 3 ngành mới bao gồm: Quản trị nhân lực (khối ngành III); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Kinh tế vận tải (khối ngành VII).
Về đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường cũng có xu hướng tăng. Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy năm học 2020-2021, học viện có tổng số 141 thầy cô (4 phó giáo sư, 27 tiến sĩ, 99 thạc sĩ, 11 cử nhân). Trong đó, khối ngành III có 56 giảng viên, khối ngành V có 45 giảng viên, khối ngành VII có 25 giảng viên và 15 giảng viên cơ hữu môn chung.
Tuy nhiên có 3 ngành không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy bao gồm: Công nghệ thông tin, Quản lý hoạt động bay, Ngôn ngữ Anh.
Năm học 2021-2022, học viện có tổng số 199 giảng viên. Trong đó có 1 giáo sư, 6 phó giáo sư, 40 tiến sĩ, 115 thạc sĩ, 44 cử nhân. Giảng viên tập trung chủ yếu ở khối ngành III với 92 giảng viên (chiếm 46,2%).
Một số ngành không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy như: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Công nghệ thông tin, Quản lý hoạt động bay, Ngôn ngữ Anh, Kinh tế vận tải.
Đến năm học 2022-2023, học viện có tất cả 224 giảng viên cơ hữu. Trong đó có 1 giáo sư, 7 phó giáo sư, 55 tiến sĩ, 121 thạc sĩ, 48 cử nhân. Trong đó, giảng viên vẫn tập trung đông nhất ở khối ngành III với 109 giảng viên (chiếm 48,67%).
Các ngành không có giáo sư, phó giáo sư giảng dạy bao gồm: Quản trị kinh doanh, Quản trị nhân lực, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Quản lý hoạt động bay.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Minh Tùng - Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên của Học viện Hàng không Việt Nam cho hay:
“Để giảng dạy bậc đại học thì yêu cầu đối với giảng viên là có trình độ từ thạc sĩ trở lên. Học viện Hàng không Việt Nam đáp ứng đầy đủ 100% yêu cầu này. Hiện nay, số lượng giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ chiếm 30% (vượt yêu cầu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Học viện mới mở các ngành Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh trình độ đại học vào năm học 2021-2022 nên chưa có giảng viên chức danh giáo sư, phó giáo sư giảng dạy.
Ngành Quản lý hoạt động bay là ngành đặc thù, trên thế giới chỉ có một vài trường đào tạo bậc sau đại học, cho nên để có giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư là hết sức khó khăn. Học viện chưa đào tạo sau đại học 3 ngành này nên chưa cần thiết phải có giảng viên chức danh giáo sư và phó giáo sư".
Cũng theo thầy Tùng, trong 3 năm vừa qua, học viện "chiêu mộ" bình quân hằng năm từ 15 - 20 giảng viên giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và không gặp khó khăn gì trong việc thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ cao.
"Bằng chứng là chỉ tiêu tuyển sinh của các năm 2020, 2021, 2022, 2023 của học viện liên tục tăng lần lượt là 650, 960, 2.120, 3.000 chỉ tiêu. Để tăng được chỉ tiêu tuyển sinh thì học viện phải đảm bảo được về số lượng giảng viên theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo", thầy Tùng nhấn mạnh.
Nguồn thu phần lớn đến từ học phí
Cũng theo báo cáo 3 công khai của Học viện Hàng không Việt Nam từ năm học 2020-2021 đến năm học 2022-2023, nguồn thu của học viện chủ yếu đến từ học phí. Đáng chú ý 2 năm 2020 và 2022 học viện không có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Cụ thể, tổng thu năm 2020 của học viện là 55,93 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách là 17,2 tỷ đồng; học phí là 32,45 tỷ đồng; nguồn thu hợp pháp khác là 6,28 tỷ đồng.
Tổng thu năm 2021 của Học viện Hàng không Việt Nam là 49,35 tỷ đồng. Trong đó, từ học phí là 44,72 tỷ đồng; từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 0,23 tỷ đồng; từ nguồn thu hợp pháp khác là 4,40 tỷ đồng. Năm học này, nguồn từ ngân sách không được nhà trường tổng hợp.
Năm 2022 tổng thu của học viện là 101,53 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách là 5,91 tỷ đồng; thu từ học phí là 92,44 tỷ đồng; nguồn thu hợp pháp khác là 3,18 tỷ đồng.
Lý giải về vấn đề này thầy Tùng cho hay: “Nguồn thu của các trường đại học hiện nay hầu hết đều đến từ học phí. Nguồn thu từ các hoạt động khác như: nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; hợp tác với các doanh nghiệp, các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân,… chỉ chiếm vài phần trăm.
Giai đoạn 2020-2022 là giai đoạn dịch bệnh Covid-19, việc đi lại và làm việc trực tiếp bị giới hạn nên học viện không tổ chức nghiệm thu, quyết toán các đề tài nghiên cứu khoa học nên không có nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”.
Bên cạnh đó, mức học phí của trường có xu hướng tăng. Năm học 2020-2021, học phí chính quy chương trình đại trà của học viện dao động từ 9,8 - 14,7 triệu đồng/ năm. Ở hệ vừa học vừa làm mức học phí dao động từ 14,7 - 17,55 triệu đồng/ năm.
Năm học 2021-2022, học phí chính quy chương trình đại trà của trường dao động từ 10,8 - 25 triệu đồng/ năm. Học phí hệ vừa học vừa làm dao động từ 16,2 - 19,35 triệu đồng/ năm.
Năm học 2022-2023, học phí của học viện ở tất cả các ngành đối với hệ đại học chính quy là 25 triệu đồng/ năm. Với hình thức vừa học vừa làm mức học phí là 27,5 triệu đồng/ năm.
Thay đổi về số phòng học thực hành
Theo bảng số liệu trên có thể thấy cơ sở vật chất của học viện có sự biến động qua các năm, nhất là số lượng phòng học thực hành. Nếu như năm học 2020-2021, học viện có 24 phòng thực hành thì năm học tiếp theo số phòng thực hành tăng lên 45 phòng (tăng 21 phòng, tương đương 87,5%).
Nhưng đến năm học 2022-2023, số phòng học thực hành của trường giảm xuống chỉ còn 19 phòng (giảm 26 phòng, tương đương 57,7%).
Số phòng học của trường năm học 2021-2022 cũng giảm 2 phòng so với năm học 2020-2021. Tuy nhiên, năm học 2022-2023, số phòng học lại tăng lên 89 phòng (tăng 14 phòng học so với năm học liền kề trước đó).
Đáng chú ý 2 năm học 2020-2021 và 2022-2023, học viện không có phòng học đa phương tiện nào. Trong khi năm học 2021-2022, trường lại có 14 phòng học đa phương tiện.
Lý giải về vấn đề này, thầy Tùng cho hay: “Năm học 2020-2021, học viện tuyển sinh 4 ngành: Quản trị kinh doanh, Công nghệ kỹ thuật điện tử viễn thông, Kỹ thuật hàng không, Quản lý hoạt động bay với số lượng là 650 sinh viên. Các phòng thực hành, thực tập được thiết kế nhỏ lẻ theo quy mô lớp nhỏ với tổng số 24 phòng.
Năm học 2021-2022, học viện tuyển 7 ngành, trong đó có 3 ngành mới (Công nghệ thông tin, Tự động hóa, Ngôn ngữ Anh) với tổng số 960 sinh viên. Học viện đã bố trí thêm các phòng thực hành, thực tập cho những ngành này và nâng lên tổng số 45 phòng thực hành để đào tạo cho 7 ngành.
Năm học 2022-2023, học viện tuyển sinh 11 ngành với tổng chỉ tiêu là 2.120. Số lượng tuyển sinh từng ngành nhiều hơn so với các năm trước đòi hỏi các phòng thực hành cần được tổ chức lại để đảm bảo cho số lượng sinh viên lớn. Do vậy, học viện đã quy hoạch lại từ 45 phòng nhỏ lẻ thành 19 phòng lớn hơn".
Ngoài ra, theo thầy Tùng trong năm học 2022-2023, học viện đã tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài ngành hàng không để sinh viên tham gia thực tập, thực hành thực tế tại các cơ sở để nâng cao kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tiễn.
Về số phòng học đa phương tiện, theo thầy Tùng đây là phòng học được bố trí thêm các thiết bị hỗ trợ để giảng dạy được cho nhiều loại môn học khác nhau. Năm 2021-2022, học viện mở thêm 3 ngành mới và chưa chuẩn bị kịp các phòng học chuyên ngành cho các ngành mới này nên bố trí 14 phòng học đa phương tiện để sử dụng cho các môn học khác nhau. Năm học 2022-2023, học viện đã bố trí đủ các phòng học cho những ngành mới nên không cần các phòng học đa phương tiện này nữa.
Do vậy, việc thay đổi bố trí các phòng thực hành, thực tập, phòng học đa phương tiện không ảnh hưởng đến chất lượng các hoạt động học tập và nghiên cứu của sinh viên cũng như giảng viên nhà trường.