Học viện Phụ nữ Việt Nam là đơn vị duy nhất đào tạo ngành Giới và Phát triển

Học viện Phụ nữ Việt Nam là đơn vị tiên phong và duy nhất đào tạo ngành Giới và Phát triển. Đến nay, Học viện đào tạo đến khóa thứ 10 về ngành này.

Bình đẳng giới ngày càng được quan tâm trên bình diện quốc gia và quốc tế. Điều này được thể hiện trong nhiều văn kiện quốc tế quan trọng như Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền năm 1948, Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) 1979, Cương lĩnh hành động Bắc kinh năm 1995, Chương trình Nghị sự 2030 về Phát triển Bền vững được đưa ra vào năm 2015,... Hay quan điểm về bình đẳng giới được thể hiện qua các văn bản, nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, chính sách pháp luật của Nhà nước (Luật Bình đẳng giới 2006, Bộ luật Dân sự 2015, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân số 85/2015/QH13,...).

Tại Việt Nam, Học viện Phụ nữ Việt Nam là đơn vị tiên phong và duy nhất đào tạo ngành Giới và Phát triển (từ năm 2015). Đến nay, Học viện đã đào tạo đến khóa thứ 10 về ngành này.

Cần có nhân lực được đào tạo bài bản ngành Giới và Phát triển

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trương Thúy Hằng - Phụ trách bộ môn, Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam chia sẻ, bình đẳng giới trở thành tiêu chuẩn quốc tế mà các quốc gia đều hướng tới. Nói tới giới là nói tới vấn đề con người. Giới hiện hữu và đan cài trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Do đó, việc đào tạo nhân lực ngành Giới và Phát triển có ý nghĩa rất quan trọng.

Ba trụ cột đảm bảo cho sự phát triển bền vững như kinh tế, xã hội, môi trường đều có và cần tính đến yếu tố giới. Theo cô Hằng, đơn cử trong kinh doanh, vấn đề nhạy cảm giới luôn được đặt ra. Để vươn tầm quốc tế, các doanh nghiệp đều hướng tới đạt được Chứng nhận WRAP, trong đó việc đạt được các nguyên tắc đều cần đảm bảo yếu tố giới.

Hiện tại, Liên Hợp Quốc cũng đang thúc đẩy sáng kiến “Rung chuông vì bình đẳng giới và phát triển bền vững”, kêu gọi các doanh nghiệp trên toàn cầu thực hiện 07 nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc. Các vấn đề xã hội, môi trường trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cũng đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết mỗi ngày, có liên quan tới yếu tố giới.

Đặc biệt, các mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể trong Nghị quyết số 28/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đề ra tiếp tục cho thấy sự cần thiết phải có nhân lực được đào tạo về ngành Giới và Phát triển.

Từ căn cứ pháp lý và thực tiễn đều cho thấy cần có nhân lực được đào tạo bài bản về ngành Giới và Phát triển để tham gia vào thị trường lao động, đáp ứng nhu cầu nhận thức, phân tích chuyên sâu và lồng ghép, giải quyết các khía cạnh trong lĩnh vực này.

Thực tế, nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã và đang đào tạo ngành Giới và Phát triển như: Mỹ, Canada, Anh, Úc, New Zealand, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan,... Còn tại Việt Nam, Giới và Phát triển tuy là ngành đào tạo khá mới mẻ nhưng trong hai năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký ngành học ngày càng tăng.

Theo chia sẻ của cô Hằng, học ngành Giới và Phát triển tại Học viện Phụ nữ Việt Nam, sinh viên được trang bị toàn diện các kiến thức, kỹ năng, điều kiện thực hành, thực tế. Sau khi tốt nghiệp, các em có năng lực chuyên môn tốt, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, cùng các kỹ năng chuyên sâu như phân tích giới, lồng ghép giới, đánh giá tác động giới, tuyên truyền vận động giới; xây dựng và quản lý dự án phát triển. Học viện còn chú trọng kỹ năng lồng ghép giới trong các lĩnh vực kinh tế và quản trị, truyền thông đại chúng, khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, môi trường, chính sách công,...

Ngoài được thực hành linh hoạt trong các học phần, sinh viên ngành Giới và Phát triển còn được rèn luyện kỹ năng và trải nghiệm thực tế tại các địa phương, địa bàn khác nhau do các bạn hoặc thầy cô lựa chọn thông qua 03 học phần trong chuyên ngành gồm: Kỹ năng Phân tích giới; Lồng ghép giới; Kỹ năng Xây dựng và quản lý dự án phát triển; Kỹ năng Tuyên truyền vận động giới.

Chương trình thực tập năm cuối cũng là cơ hội để sinh viên ngành Giới và Phát triển tiếp tục học tập thực tiễn và rèn luyện năng lực. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trang bị những khóa đào tạo/tập huấn ngắn hạn được dẫn dắt bởi các chuyên gia “thực chiến” từ các tổ chức trong và ngoài nước.

Trong quá trình học, sinh viên ngành Giới và Phát triển còn được tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về chuyên ngành, tham gia các hội thảo, tọa đàm trong và ngoài Học viện cùng các chuyên gia trong và ngoài nước.

Khoa có 02 câu lạc bộ là Câu lạc bộ Thanh niên hành động vì Bình đẳng giới và Phát triển bền vững; Câu lạc bộ Sinh viên dân tộc thiểu số với vô vàn những hoạt động và dự án; cùng với phòng thực hành của Khoa cũng là điểm hẹn để các bạn có thể cùng nhau trao đổi các ý tưởng sáng tạo, “check-in”.

 Cán bộ giảng viên, sinh viên ngành Giới và Phát triển, Học Viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: NTCC)

Cán bộ giảng viên, sinh viên ngành Giới và Phát triển, Học Viện Phụ nữ Việt Nam. (Ảnh: NTCC)

“Điểm nổi bật nhất trong đào tạo ngành Giới và Phát triển của Học viện là sự gợi mở tư duy phân tích, tranh biện các vấn đề về giới, lấy người học làm trung tâm. Thầy cô luôn tôn trọng sự đa dạng và khác biệt, đề cao tinh thần học hỏi và sáng tạo, khích lệ sinh viên trải nghiệm, dấn thân trong những hoạt động thực tiễn liên quan đến chuyên ngành. Hơn nữa, Khoa cũng luôn cập nhật các kiến thức, kỹ năng mới nhất gắn với chuyên ngành, bắt kịp xu hướng của thời đại”, cô Hằng chia sẻ.

Mong muốn của cô Hằng là công tác truyền thông có nhạy cảm giới ngày càng được mở rộng để ngành học có thể tiếp cận rộng hơn tới các bạn trẻ nói riêng và người dân nói chung. Các cơ quan báo chí, truyền thông là đối tác đồng hành không thể thiếu trong hành trình phát triển của ngành. Cô Hằng hy vọng rằng ngày càng có thêm nhiều thông tin về ngành học, giá trị của ngành học được lan tỏa rộng rãi.

Người học cảm nhận như thế nào về ngành Giới và Phát triển?

Chia sẻ với phóng viên, em Tăng Văn Kỳ - sinh viên Khóa 10 ngành Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam cho biết, đây là ngành học gây ấn tượng mạnh đối với em từ tên gọi.

Từ năm thứ nhất đại học, Kỳ được thực hành làm tuyên truyền viên. Sau đó, Kỳ làm cộng tác viên triển khai các dự án được đầu tư từ tổ chức phi chính phủ. Những trải nghiệm này không chỉ giúp nam sinh có thêm kiến thức về ngành học mà còn giúp em rèn luyện nhân cách, đạo đức.

Nam sinh cho rằng, nếu các bạn trẻ có niềm đam mê lĩnh vực liên quan đến cộng đồng, xã hội, truyền thông, thậm chí là kinh doanh, hoạch định chính sách, bình đẳng giới,... thì ghi danh trở thành sinh viên ngành Giới và Phát triển.

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành Giới và Phát triển của Học viện đã có việc làm ổn định, phát triển bản thân và không ngừng cống hiến cho xã hội. Trong đó, một số cựu sinh viên có thành tích học tập tốt đã giành được học bổng du học bậc cử nhân, thạc sĩ tại Nga, Thái Lan và Australia, hoặc được nhận vào làm việc ở các tổ chức quốc tế như: UN Women, ChildFund,…

Tốt nghiệp ngành Giới và Phát triển đã mở ra cho chị Đoàn Bảo Hân (sinh năm 1996) nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn. Hiện tại, chị đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng - một tổ chức khoa học công nghệ hoạt động trong lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và bình đẳng giới, nơi mà chị Hân từng có cơ hội thực tập khi còn là sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Với những kiến thức ngành Giới và Phát triển đã giúp chị Hân dễ dàng tiếp cận công việc liên quan đến cộng đồng, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, có được công việc ổn định tại Trung tâm.

Theo chị Hân, ngành Giới và Phát triển đòi hỏi tính liên ngành cao, kết hợp giữa lý thuyết và thực tế, do đó ngoài giờ học trên lớp, sinh viên còn được các giảng viên trong Khoa tạo điều kiện để tham dự các buổi tọa đàm, hội thảo có các chuyên gia trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Học viện còn rất chú trọng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên ngành Giới và Phát triển, từ kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, tổ chức sự kiện cho đến nghiên cứu, đề xuất dự án. Nhờ đó, sinh viên trưởng thành, tự tin khi bước ra môi trường làm việc thực tế.

Bằng những trải nghiệm thực tiễn, chị Hân cho rằng, nếu các bạn trẻ quan tâm đến vấn đề xã hội, yêu thích cho hoạt động cộng đồng, mong muốn đóng góp cho sự phát triển bền vững và công bằng trong xã hội, thì ngành Giới và Phát triển là lựa chọn phù hợp.

“Giới và Phát triển là ngành học tiềm năng, mở ra cơ hội nghề nghiệp rộng lớn không chỉ trong các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế mà còn ở các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp xã hội hay các dự án phát triển cộng đồng.

Chưa kể, trong bối cảnh Việt Nam và thế giới ngày càng chú trọng đến vấn đề bình đẳng giới, phát triển bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu thì nhu cầu nhân lực am hiểu về giới và phát triển sẽ ngày càng cao. Và Học viện Phụ nữ Việt Nam chắc chắn sẽ là nơi chắp cánh cho ước mơ nghề nghiệp của các bạn trẻ”, chị Hân chia sẻ.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam sẽ có cơ hội nghề nghiệp rộng mở tại các vị trí, cơ quan, tổ chức như:

Làm việc vì bình đẳng giới và phát triển thuộc các cơ quan Chính phủ, bộ ngành, ủy ban nhân dân các cấp;

Làm việc trong hệ thống các tổ chức chính trị-xã hội vì quyền và lợi ích chính đáng của con người;

Làm việc tại các tổ chức xã hội, các tổ chức phi chính phủ về giới và phát triển con người, vì cộng đồng;

Chuyên gia tư vấn giới, tư vấn xã hội cho các chương trình, dự án phát triển;

Giảng viên, nghiên cứu viên về giới, phụ nữ và phát triển;

Khởi nghiệp trong các lĩnh vực liên quan đến giới và phát triển, với mục đích phát triển cộng đồng.

Làm việc trong các tập đoàn lớn, nơi chú trọng phát triển văn hóa doanh nghiệp ở bộ phận nhân sự, phòng/ban liên quan đến phát triển văn hóa, giá trị của doanh nghiệp, tôn trọng và thúc đẩy sự đa dạng và bình đẳng tại nơi làm việc…

Ngọc Mai

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-vien-phu-nu-viet-nam-la-don-vi-duy-nhat-dao-tao-nganh-gioi-va-phat-trien-post250118.gd