Hội An hai lần thoát hiểm
Thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam) được biết đến là một đô thị cổ tuyệt đẹp ở bên sông Hoài, được công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1999. Thế nhưng, để Hội An có thể nguyên vẹn như ngày hôm nay, đô thị cổ này đã từng đứng trước nguy cơ bị hủy hoại và được cứu ở phút chót.
Thoát hiểm ở phút chót
Những năm sau thống nhất đất nước, Hội An và các di tích quan trọng của phố cổ này đã nhiều lần “thoát hiểm” trước làn sóng “đập cũ xây mới” để xây dựng nếp sống văn hóa mới. Tinh thần cơ bản của “đập cũ xây mới” là ngăn chặn, phê phán, đấu tranh, quét sạch văn hóa nô dịch, đồi trụy, lai căng; xóa bỏ những xuất bản phẩm phản động, khiêu dâm; trừng trị nghiêm khắc những ai cố ý vi phạm các quy định của Nhà nước… Đó là những gì trên lý thuyết, còn thực tế, khi triển khai đã không tránh được những hiểu nhầm về tư tưởng “đập cũ xây mới”, dẫn tới hành động không đúng.
Ông Hà Phước Mai, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Quảng Nam - Đà Nẵng, có mặt tại Hội An từ những ngày đầu sau thống nhất đất nước. Theo ông, thời điểm đó, việc hiểu chưa đúng về việc xóa bỏ những tàn tích của văn hóa nô dịch đã biến thành việc đập phá các thiết chế văn hóa liên quan đến tín ngưỡng như đình, chùa. Những di tích nổi tiếng, được tham quan nhiều tại Hội An ngày nay chính là mục tiêu của việc đập phá đó, như Khổng Miếu, chùa ông Bổn, hội quán Phúc Kiến...
Một ngày đầu năm 1976, chính quyền địa phương đã huy động hơn 500 người với búa tạ, xà beng, cuốc xẻng... để ra quân bài trừ mê tín dị đoan. 500 người này được phân công thành từng nhóm, đội có cán bộ an ninh phụ trách, chuẩn bị đến từng đình, miếu đã được lên danh sách để phá hủy cái gọi là nơi gieo rắc, phát sinh mê tín, dị đoan. Khi mọi việc chuẩn bị sắp hoàn tất và đoàn người chuẩn bị sẵn sàng “san bằng” các đình, chùa thì Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng thời điểm đó là ông Hồ Nghinh xuất hiện.
Ông Hồ Nghinh nói người phát động buổi ra quân đó cho mọi người ra về, rồi mời cả Ban Thường vụ Thị ủy Hội An tới trụ sở trao đổi. Mở đầu buổi trao đổi, ông đã nói ngay: “Các anh định làm cách mạng văn hóa đấy à?”. Ý ông Hồ Nghinh là nhắc đến thời kỳ Trung Quốc thực hiện đại cách mạng văn hóa và đại nhảy vọt, để lại những hậu quả nặng nề về văn hóa, kinh tế cả thời gian dài về sau.
Rồi ông Hồ Nghinh từ từ nói: “Các anh nên nhớ rằng, chỉ vài tháng sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Bác Hồ đã ra sắc lệnh bảo toàn di tích trên toàn cõi Việt Nam. Bác yêu cầu phải giữ gìn nguyên vẹn đình chùa, miếu mạo, các sách vở văn tự của cha ông để lại. Các anh huy động hàng trăm người với khí thế hừng hực thế kia, họ chỉ đập phá vài ngày thôi thì còn gì là di tích nữa”.
Ông Hồ Nghinh nói tiếp, sau này đất nước phát triển, mở cửa giao thương với thế giới, khách du lịch nước ngoài đến đây thì các đình chùa, miếu mạo và các cổ tích, nhà xưa kia sẽ lạ lẫm, hấp dẫn đối với du khách. Đó là nguồn sinh lợi cho người dân Hội An.
Sau đó, phong trào bài trừ mê tín, dị đoan ở Hội An đã đi đúng hướng, không còn tư duy và hành động cực đoan như trước.
Năm 2018, Quảng Nam đón 6,5 triệu lượt du khách, trong đó có gần 5 triệu lượt du khách tới đô thị cổ Hội An. Thành phố Hội An đã đạt giải thưởng Thành phố du lịch sạch ASEAN, là 1 trong 15 thành phố hấp dẫn nhất thế giới, 1 trong 10 thành phố tuyệt vời nhất châu Á… Hội An đóng vai trò rất lớn cho du lịch Quảng Nam.
Cứu chùa Ông Bổn
Đến năm 1979, Hội An lại đứng trước nguy cơ một di tích quan trọng bị hủy hoại. Người Hội An có câu “Thượng chùa Cầu, hạ Ông Bổn” dùng để diễn tả lại không gian của phố cổ xưa kia. Phía đầu phố có chùa Cầu, phía cuối có chùa Ông Bổn, đó là những công trình kiến trúc, tín ngưỡng tiêu biểu của phố cổ Hội An.
Chùa Ông Bổn là hội quán Triều Châu của người Hoa tại Hội An. Trong chùa Ông Bổn có tượng thờ Mã Viện tại chính điện. Mã Viện là vị tướng nhà Hán xuất quân xâm lược Giao Chỉ, đàn áp phong trào khởi nghĩa và giết hại Hai Bà Trưng vào năm 43. Mã Viện có tước hiệu là Phục Ba Tướng quân, thần chinh phục sóng gió, bảo vệ thương thuyền trên biển.
Khi chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 nổ ra, nhân dân Hội An xuống đường phản đối cuộc chiến phi nghĩa này và đòi đập phá tượng Mã Viện, đóng cửa chùa Ông Bổn với lý do đây là tổ tiên của quân bành trướng.
Thấy sự việc có thể nghiêm trọng, Văn phòng Thị ủy Hội An đã báo cáo và điện mời ông Hồ Nghinh vào giải quyết. Ngay chiều hôm đó, ông Hồ Nghinh tới Hội An, khi gặp bà con và đại diện các hội, đoàn thể, ông nói: “Đình, chùa là chốn tâm linh, nhân dân địa phương đã tự tay xây dựng và chiêm bái, tạ lễ hằng trăm năm nay rồi, nay ta manh động đập phá thì tác động chính trị ngược lại. Hơn nữa đây là hội quán của bà con người Hoa Triều Châu. Trung Quốc đang làm điều phi nghĩa, mang quân xâm lược nước ta ở biên giới phía Bắc, hơn lúc nào hết, ta phải tranh thủ bà con người Hoa đứng về phía chính nghĩa của ta. Chùa Ông Bổn không chỉ thờ Mã Viện mà còn thờ các vị phúc thần khác, các hoành phi, câu đối trong chùa còn răn dạy đạo làm người. Theo tôi, ta vận động bà con cất bài vị Mã Viện đi, xem đây là thần của sông nước, phù hộ bà con ngư dân, thương thuyền làm ăn đi lại trên sông, trên biển”.
Khi nghe ông Hồ Nghinh phát biểu như vậy, mọi người đều thấy thấu tình đạt lý và không ai nhắc đến chuyện đóng cửa chùa Ông Bổn nữa.
Chính Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng Hồ Nghinh là người đã 2 lần “cứu” Hội An trước nguy cơ bị đập phá, giữ gìn lại được một Hội An nguyên vẹn như ngày nay.
Nhưng để có được một Hội An phát triển, nườm nượp du khách mà vẫn giữ gìn được hồn cốt phố cổ như ngày hôm nay, không thể không nhắc đến công sức của lãnh đạo và nhân dân Hội An sau này.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, năm 2018, Quảng Nam đón 6,5 triệu lượt du khách, trong đó có gần 5 triệu lượt du khách tới đô thị cổ Hội An. Thành phố Hội An đã đạt giải thưởng thành phố du lịch sạch ASEAN, là 1 trong 15 thành phố hấp dẫn nhất thế giới, 1 trong 10 thành phố tuyệt vời nhất châu Á… Dẫn chứng số liệu này để thấy, Hội An đóng một vai trò rất lớn cho du lịch Quảng Nam.
Dù Hội An đang đứng trước rất nhiều bài toán đang cần lời giải về quy hoạch, về ứng xử với du khách, cả về chống thiên tai, lũ lụt... nhưng Hội An vẫn là một điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, một đô thị cổ hiếm hoi được gìn giữ cẩn thận ở nước ta.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/hoi-an-hai-lan-thoat-hiem-549943.html