Hội chứng ghen tị với con cái mà cha mẹ ít biết

Khi ghen tị với con cái, chúng ta tự lừa dối mình - ta nghĩ chúng quá nhỏ nhen và mình quá tốt đẹp.

Phần lớn sự ghen tị mà tôi đang mô tả có tính vô thức: rất bí ẩn, kháng cự lại sự tra vấn hay chứng thực. Chúng ta thoáng thấy nó không chỉ trong giấc mơ, mà cả trong những lần buột miệng và phạm lỗi của mình.

Một người mẹ mà tôi biết, lớn lên trong hoàn cảnh nghèo khó, đã rất vui mừng khi mua cho con gái một bộ đồ len tại Prada nhưng trong vòng vài giờ, đã vô tình bỏ chiếc váy vào máy giặt, làm hỏng nó.

Sự ghen tị thường được ngụy trang dưới hình thức bắt lỗi - một người cha hạ bệ đứa con hăng hái bằng những từ như “táo tợn” hoặc “ngông cuồng”; một người mẹ phàn nàn về sự vô ơn của con mình: “Con không biết mình may mắn thế nào đâu”, “Mẹ chưa bao giờ có điều kiện như thế này”. Khi ghen tị với con cái, chúng ta tự lừa dối mình - ta nghĩ chúng quá nhỏ nhen và mình quá tốt đẹp.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Gustavo Fring/Pexels.

Ảnh minh họa. Nguồn: Gustavo Fring/Pexels.

Bạn không cần phải làm cha mẹ để hiểu kiểu ghen tị này. Một huấn luyện viên thể thao có thể ghen tị với vận động viên của mình, một giáo viên có thể ghen tị với học sinh của mình, và - sẽ không công bằng nếu không đưa điều này vào - một nhà phân tâm học có thể ghen tị với bệnh nhân của mình.

Đôi khi các bệnh nhân của chúng tôi trẻ hơn, sáng sủa hơn và thành công hơn về tài chính so với chúng tôi. Và không hiếm trường hợp nhà phân tâm học giúp đỡ bệnh nhân giải quyết một vấn đề mà chính ông ta đã không thể giải quyết thành công trong cuộc sống của mình. Bất kỳ “phụ huynh” nào cũng có thể vướng vào kiểu ghen tị này.

Câu hỏi đặt ra là: liệu ta có thể tự gỡ rối bằng cách chấp nhận bản thân và hoàn cảnh của mình kịp thời, để ta có thể tận hưởng những niềm vui và thành công của con mình không? Vì ở mức cực đoan nhất, ghen tị với con cái là một bất hạnh tâm lý rất lớn và ta rất dễ để mất cả sự ổn định tinh thần lẫn con cái của mình.

Mười năm trước, Stanley P., một người góa vợ bảy mươi bảy tuổi và là cha của bốn đứa con, được bác sĩ gia đình của ông giới thiệu cho tôi. Các hoạt động của ông ngày càng hạn chế - tôi sớm nhận ra rằng khi làm vậy, ông đang tránh né cảm giác ghen tị với người khác.

Ông không đi du lịch và chỉ giao du với những người ông cảm thấy khinh thường - ví dụ như những người ông thuê làm việc lặt vặt. Ông không thoải mái với các con của mình. Ông phàn nàn với từng đứa con về những đứa khác - về chồng và vợ chúng, những món quà sinh nhật mà chúng đã tặng cho ông, hoặc tần suất các cuộc điện thoại chúng gọi. Hành vi của Stanley đã khiến các con dần dần rút lui khỏi cuộc sống của ông - và điều này càng khẳng định sự ích kỷ ông cảm nhận về chúng.

Một ngày nọ, Stanley mô tả một chuyến thăm của con gái ông, người từng đưa chồng con đến thăm ông vài lần trong năm, nhưng giờ đây cô chỉ đến một mình, nhiều nhất là một năm một lần. Khi ông kể về lúc tạm biệt con bé, nắm tay cô trong một quán cà phê ở sân bay, Stanley đã rơi nước mắt. Ông nhớ lại khoảng thời gian khi cô còn nhỏ, và ông đã đứng ngay bên ngoài cửa phòng ngủ khi cô bé cố đọc cuốn Truyện về bà Tiggy-Winkle cho con gấu bông của mình nghe.

Nhưng ký ức này, và cảm giác buồn man mác của ông, sớm nhường chỗ cho một tràng than phiền - về sự ngắn ngủi của chuyến thăm, về sự rẻ mạt của món quà chia tay. Và cô lại biến mất khỏi ông một lần nữa. Những tình yêu còn sót lại của ông dành cho đứa con không có khả năng chống lại câu chuyện hệ trọng mà lòng ghen tị của ông đã viết ra.

Stephen Grozs/NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoi-chung-ghen-ti-voi-con-cai-ma-cha-me-it-biet-post1513748.html