Hỏi-đáp pháp luật: Chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi? Khi nào chính sách này có hiệu lực?

* Bạn đọc Bùi Văn Liêm ở xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi? Khi nào chính sách này có hiệu lực?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 7 Nghị định số 106/2024/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 20-9-2024. Cụ thể như sau:

1. Đối tượng được hỗ trợ: Tổ chức, cá nhân có cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành (1-1-2020) và đang hoạt động tại khu vực không được phép chăn nuôi được hỗ trợ di dời đến địa điểm mới phù hợp hoặc ngừng hoạt động và chuyển đổi ngành nghề.

2. Nội dung và mức hỗ trợ:

a) Hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di dời: căn cứ nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về chính sách hỗ trợ di dời, quy hoạch tỉnh, vùng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh, cấp huyện bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho đối tượng được di dời theo quy định của pháp luật về đất đai.

b) Hỗ trợ không quá 50% chi phí mua sắm thiết bị công trình và thiết bị công nghệ chăn nuôi theo diện tích chuồng trại hiện có của cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng phải di dời; mức hỗ trợ tối đa không quá 10 tỷ đồng/cơ sở.

c) Hỗ trợ không quá 50% chi phí di dời vật nuôi đến địa điểm mới phù hợp; mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/cơ sở.

d) Hỗ trợ 100% chi phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa không quá 3 tháng lương cơ bản/người.

3. Điều kiện được hỗ trợ:

a) Cơ sở chăn nuôi được xây dựng và hoạt động trước ngày Luật Chăn nuôi có hiệu lực thi hành và đang hoạt động trong khu vực không được phép chăn nuôi thuộc diện phải di dời theo quy định hiện hành.

b) Người được đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác phải có chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo do cơ sở đào tạo cấp và cam kết thực hiện nghề đã được đào tạo chuyển đổi ít nhất 5 năm sau khi được nhận hỗ trợ.

c) Việc hỗ trợ đối với nội dung hỗ trợ quy định tại điểm b, c và d khoản 2 Điều này được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi đã hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề có xác nhận của UBND cấp xã.

* Bạn đọc Trần Hữu Phước ở xã Nha Bích, thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, nghĩa vụ và quyền giáo dục con của cha, mẹ được pháp luật quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 72 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Cụ thể như sau:

1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện cho con học tập.

Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường, cơ quan, tổ chức trong việc giáo dục con.

2. Cha mẹ hướng dẫn con chọn nghề; tôn trọng quyền chọn nghề, quyền tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con.

3. Cha mẹ có thể đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan giúp đỡ để thực hiện việc giáo dục con khi gặp khó khăn không thể tự giải quyết được.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-chinh-sach-ho-tro-di-doi-co-so-chan-nuoi-ra-khoi-khu-vuc-khong-duoc-phep-chan-nuoi-khi-nao-chinh-sach-nay-co-hieu-luc-790666