Hỏi-đáp pháp luật: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô?
* Bạn đọc Nguyễn Văn Tuấn ở quận Hà Đông, TP Hà Nội, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển Thủ đô?
Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 16 Luật Thủ đô năm 2024 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025). Cụ thể:
1. Việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện như sau:
a) Công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức;
b) Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của thành phố;
c) Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô;
d) Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định tại các điểm a, b và c khoản này được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân thành phố quy định.
2. Hội đồng nhân dân thành phố quyết định các chính sách sau đây về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô:
a) Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn;
b) Sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn thành phố;
c) Sử dụng ngân sách thành phố để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn thành phố;
d) Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn thành phố; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của thành phố.
* Bạn đọc Trần Phương Hà ở xã An Châu, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương, hỏi: Việc phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông tại Thủ đô Hà Nội thời gian tới được quy định như thế nào?
Trả lời: Điều 30 Luật Thủ đô 2024 quy định về phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông như sau:
Hội đồng nhân dân thành phố quy định các nội dung:
1. Chính sách đầu tư và huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển, bảo trì, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kỹ thuật, các công trình bảo đảm an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, các công trình ngầm công cộng trên địa bàn thành phố;
2. Chính sách phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; khuyến khích đầu tư xây dựng, khai thác đường sắt đô thị, xe buýt, nhà ga, bến xe, bãi đỗ xe ô tô và sử dụng các phương tiện giao thông phát thải thấp; hạn chế phương tiện giao thông cá nhân vào khu vực trung tâm để giảm ùn tắc giao thông, giảm phát thải; áp dụng phí giảm ùn tắc giao thông;
3. Chính sách phát triển đường vành đai, trung tâm logistics, hệ thống giao thông công cộng trên địa bàn thành phố và kết nối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hoạt động liên kết, phát triển vùng với Thủ đô;
4. Khuyến khích áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải;
5. Chính sách quản lý, khai thác đường đô thị, đường sắt đô thị, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, văn minh đô thị.
QĐND
* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.