Hỏi - đáp pháp luật: Việc quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như thế nào?

* Bạn đọc Nguyễn Văn Long ở xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, việc quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân được quy định như thế nào?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 5 Nghị định số 13/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Nội dung quản lý nhà nước về bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm:

1. Trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật và chỉ đạo, tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, đề án, dự án, chương trình, kế hoạch về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

3. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân về biện pháp, quy trình, tiêu chuẩn bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

4. Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; truyền thông, phổ biến kiến thức, kỹ năng bảo vệ dữ liệu cá nhân.

5. Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và người được giao làm công tác bảo vệ dữ liệu cá nhân.

6. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân; giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định của pháp luật.

7. Thống kê, thông tin, báo cáo về tình hình bảo vệ dữ liệu cá nhân và việc thực hiện pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

8. Hợp tác quốc tế về bảo vệ dữ liệu cá nhân.

* Bạn đọc Vũ Thu Hương ở xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, hỏi: Trách nhiệm của thành viên gia đình trong phòng, chống bạo lực gia đình được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 11 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022. Cụ thể như sau:

1. Giáo dục, nhắc nhở thành viên gia đình thực hiện quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới và quy định khác của pháp luật có liên quan.

2. Hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt ngay hành vi bạo lực gia đình; tham gia chăm sóc người bị bạo lực gia đình.

3. Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Thực hiện các biện pháp trong phòng, chống bạo lực gia đình theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Bạn đọc xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/hoi-dap-phap-luat-viec-quan-ly-nha-nuoc-ve-bao-ve-du-lieu-ca-nhan-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-744523