Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
Sáng 10/4, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ hai mươi sáu để giải quyết công việc phát sinh đột xuất theo đề nghị của UBND tỉnh.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ.
Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì kỳ họp. Dự kỳ họp có đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban TVTU, lãnh đạo UBND, Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh; các vị đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Đồng chí Lê Quốc Chỉnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc kỳ họp.
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh: Để kịp thời đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật; đồng thời tiếp tục triển khai các quy định của Trung ương trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tại kỳ họp này HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định các nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực: Tài chính, đầu tư công, đất đai, nội vụ. Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các vị đại biểu HĐND tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực thảo luận để HĐND tỉnh xem xét và quyết định các nội dung đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự kỳ họp.
Ngay sau khai mạc, HĐND tỉnh đã nghe lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Nội vụ trình bày các tờ trình thuộc lĩnh vực: tài chính, đầu tư công, đất đai, nội vụ; Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Pháp chế HĐND tỉnh báo cáo thẩm tra các nội dung trình kỳ họp.

Chủ tọa kỳ họp.
Trên cơ sở xem xét, thảo luận các tờ trình của UBND tỉnh; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Pháp chế HĐND tỉnh; căn cứ các quy định của pháp luật hiện hành, HĐND tỉnh đã đánh giá khách quan, toàn diện và thống nhất thông qua 8 nghị quyết, gồm: Nghị quyết bổ sung, bãi bỏ, thay thế một số nội dung trong Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị quyết số 78/2023/NQ-HĐND ngày 14/7/2023 của HĐND tỉnh; Nghị quyết về việc chấp thuận bổ sung danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc chấp thuận bổ sung danh mục công trình, dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích khác năm 2025 trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết về việc điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2024; Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 62/2019/NQ-HĐND ngày 07/12/2019 của HĐND tỉnh phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công trên địa bàn tỉnh Nam Định; Nghị quyết điều chỉnh dự toán kinh phí của một số thiết bị tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết 120/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND tỉnh Nam Định; Nghị quyết về việc tạm giao bổ sung biên chế công chức quản lý hành chính Nhà nước cho Sở Công Thương năm 2025; Nghị quyết bãi bỏ Nghị quyết số 04/2025/NQ-HĐND ngày 19/02/2025 của HĐND tỉnh Nam Định quy định về chính sách hỗ trợ thêm đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Nam Định.

Đại biểu HĐND tỉnh biểu quyết thông qua các Nghị quyết kỳ họp.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Quốc Chỉnh nhấn mạnh: Những nội dung được xem xét, quyết định tại kỳ họp là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành của tỉnh triển khai thực hiện, kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và sắp xếp tổ chức bộ máy thuộc phạm vi quản lý của tỉnh. Sau kỳ họp, trên cơ sở các Nghị quyết được ban hành, HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ động triển khai thực hiện các nghị quyết bảo đảm các trình tự, thủ tục và quy trình theo quy định pháp luật hiện hành; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra để bảo đảm các nghị quyết được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu và các vị đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết; kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; đề xuất, kiến nghị với các cấp, các ngành có giải pháp tháo gỡ, giải quyết để các Nghị quyết của HĐND tỉnh nhanh chóng đi vào cuộc sống.