Hội đồng Vàng Thế giới: 3 kịch bản cho thị trường vàng nửa cuối năm
Báo cáo về tình trạng vàng toàn cầu trong nửa đầu năm 2023 và dự đoán xu hướng trong khoảng thời gian sắp tới của Hội đồng Vàng Thế giới (World Gold Council – WGC) mới phát hành đã chỉ ra 3 kịch bản đối với thị trường vàng trong nửa cuối năm 2023.
Theo đó, kịch bản 1 được WGC đưa ra là bất chấp lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, vàng có thể vẫn được ưa chuộng vào năm 2023, do USD suy yếu, lợi suất trái phiếu ổn định.
Đối với kịch bản 2, nếu tình hình suy thoái kinh tế trở nên nghiêm trọng hơn, vàng sẽ có hiệu suất tốt hơn nhờ vai trò của vàng như một tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh khả năng biến động thị trường đang gia tăng cùng với nhu cầu tránh rủi ro của nhà đầu tư.
Cuối cùng, kịch bản 3 là thị trường vàng có thể phải đối mặt với khó khăn nếu Ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ nhiều hơn dự đoán, làm tăng chi phí cơ hội khi trữ vàng.
Trước đó, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã thực hiện số lần tăng lãi suất hàng tháng nhiều nhất từ đầu năm đến nay trong tháng 6/2023. Điều này gây bất ngờ cho thị trường và báo hiệu tình trạng thắt chặt hơn sắp tới khi các nhà hoạch định chính sách nỗ lực chống lạm phát.
Việc tăng lãi suất làm tăng lợi suất trái phiếu và tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý, vốn không sinh lời này. Người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo nhận định, trong ngắn hạn, khả năng Mỹ nâng lãi suất nhiều hơn kết hợp với đà tăng lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ, tiếp tục đặt ra thách thức đối với vàng.
Tuy nhiên, tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kéo nhà đầu tư trở lại với vàng. Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã nóng trở lại trong thời gian gần đây, khi Trung Quốc mới đây vừa ban hành quy định hạn chế xuất khẩu hai kim loại quan trọng đối với sản xuất chất bán dẫn.
Với diễn biến hiện nay, đại diện WGC đưa ra nhận định: “Trong bối cảnh này, vàng có thể sẽ được hỗ trợ trong nửa cuối năm trong bối cảnh USD suy yếu và lợi suất trái phiếu ổn định. Một cuộc suy thoái sâu sẽ thúc đẩy hiệu suất của vàng, nhưng một cuộc hạ cánh mềm có thể sễ mang lại nhiều thách thức. Mặc dù rất khó dự đoán chính xác kịch bản kinh tế nào sẽ diễn ra, nhưng chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm đến kênh vàng như một hầm trú ẩn an toàn và góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư trong môi trường kinh tế không ổn định này”.
Tại thị trường trong nước, đóng cửa phiên tuần đầu tiên tháng 7 (8/7), giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,45 - 67,17 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 220.000 đồng/lượng so với thời điểm mở cửa giao dịch sau kỳ nghỉ lễ đầu năm (3/1), tương đương mức tăng hơn 0,33%.
Riêng trong quý II, giá vàng tăng 100.000 đồng/lượng, tương đương khoảng 0,15%. Trong khi đó, giá vàng thế giới đã giảm 2,5% trong quý này, do lo ngại về tình hình ngành ngân hàng tại Mỹ.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng vẫn tiềm ẩn yếu tố rủi ro liên quan đến suy thoái, lạm phát…, vàng đóng vai trò như một tài sản chiến lược, dài hạn. Theo giới phân tích, đối với doanh nghiệp, kênh tài sản này đã chứng tỏ khả năng mang lại lợi nhuận tích cực trong thời gian gần đây.
Năm 2023, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cao hơn so với năm trước.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đặt mục tiêu doanh thu đạt hơn 30.416 tỷ đồng từ kinh doanh vàng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng so với năm trước; lợi nhuận trước thuế 70 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng.
Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đặt mục tiêu 35.598 tỷ đồng doanh thu, 1.937 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 5% và 7% so với cùng kỳ.
Hiện các doanh nghiệp kinh doanh vàng đang triển khai nhiều chiến dịch và chương trình bán hàng để thu hút thêm khách hàng mới và mở rộng thị trường; đồng thời, tối ưu hóa tồn kho thông qua việc thực hiện các điều chỉnh mới về chiến lược cơ cấu hàng hóa.
Như SJC, doanh nghiệp dự kiến mở rộng phát triển kinh doanh sang khu vực Đông Nam Á. Song song đó, doanh nghiệp tập trung đầu tư sản xuất kinh doanh nữ trang, hoàn thiện cổ phần hóa và tái cơ cấu theo quyết định của UBND TP Hồ Chí Minh.
Về diễn biến thị trường không ghi nhận giao dịch đột biến đối với vàng SJC trong nửa đầu năm 2023, với mức giá dao động quanh mức 67 triệu đồng/lượng, dù Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ có nhiều lần điều chỉnh lãi suất, hay cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng toàn cầu diễn ra trong tháng 3.
Ngược lại, giá vàng nhẫn có diễn biến tích cực hơn cả. Giá vàng nhẫn tại thị trường trong nước thiết lập mốc 57 triệu đồng/lượng vào phiên giao dịch 13/4. Đây là vùng giá cao nhất của vàng hơn 1 năm qua.
Theo dữ liệu thị trường, giá vàng nhẫn giao dịch ở vùng giá trên 57 triệu đồng lần cuối vào đầu tháng 3/2022. Chuyên gia phân tích tại chuyên trang giavang.net nhận định, việc vàng nhẫn bật tăng mạnh có tác động từ việc vàng thế giới đang hướng tới mốc 2.030 USD.
Thời gian tới, về khía cạnh nhà đầu tư, WGC cho rằng, nhà đầu tư đánh giá các tình huống kinh tế có thể xảy ra trong thời gian còn lại của năm 2023, họ có thể cân nhắc các chiến lược phòng thủ trong việc phân bổ tài sản. Theo đó, một cách tiếp cận phổ biến là chuyển một phần các khoản đầu tư có tính thanh khoản trên thị trường sang các kênh thuần tính phòng thủ để hạn chế thiệt hại; trong đó có vàng. Đây có thể là xu hướng đầu tư trong thời gian tới.