Hối hả chiều 30

Chiều 30 Tết có lẽ mọi nơi, mọi người đều hối hả trước thời khắc giao thừa. Dẫu có thể cả năm vất vả lo toan cuộc sống, nhưng chiều 30 Tết sự tất bật vẫn còn đó nỗi lo toan một năm cũ sao cho vẹn tròn để bước sang năm mới với mong ước gặp nhiều may mắn.

Cố bán - mua những cành đào còn lại.

Cố bán - mua những cành đào còn lại.

Đường phố vẫn nhộn nhịp dòng người, dòng xe. Tất cả đều muốn lo nốt mọi công việc chuẩn bị bữa tất niên. Những cành đào thắm, những chậu quất vàng ươm vẫn hối hả, miệt mài theo xe trôi về khắp ngả. Chợ hoa xuân vẫn còn người bán, người mua dù muộn mằn, tiếng mặc cả không còn dội âm thanh nữa mà có vẻ vội vàng hơn. Người mua muốn mua được giá hời, người bán muốn bán nhanh để còn về nhà kịp cùng gia đình đón giao thừa. Không ít cành hoa bị vứt bỏ lăn lóc bên vỉa hè, lòng đường. Chị lao công hối hả quét dọn đường phố cho sạch đẹp trước thềm năm mới. Chị cũng muốn mong sớm xong việc để trở về bên gia đình, nên dẫu có vẻ hối hả hơn, môi chị vẫn nở nụ cười dù giọt mồ hôi rịn trên má.

Vẫn còn cửa hàng bán hàng tiêu dùng mở cửa cho những người tranh thủ đảo qua chọn thêm ít hàng sử dụng cho ngày tết và dự trữ cho những ngày ra giêng, bởi sau tết có thể giá cả không ít mặt hàng tăng hơn. Và, ngày trước thường có ý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, còn thời nay sau những ngày nghỉ tết thì công việc trở lại nếp quen, dẫu sáng – chiều có vội đi làm sẽ đỡ lo hơn khi trong nhà đã tích sẵn đồ. Bên cổng chợ, chị bán hàng vẫn nhanh nhảu mời khách vào mua và sẽ bán đến cuối giờ chiều cho đến vị khách cuối cùng rồi mới trở về nhà lo bữa tất niên.

Ở những nơi đảm nhận trực Tết, mỗi người cũng cố gắng hoàn tất công việc được giao với mong muốn “không để dợm bước vào năm mới phải vất vả ngay từ giây phút đầu”. Dẫu thế, hễ có phút rảnh rỗi là họ tranh thủ đưa mắt ngắm phố phường đang bừng khí thế đón xuân mới. Gương mặt chợt giãn ra trước sắc xuân tỏa về. Ngay cánh đồng ngoài rìa phố thị vẫn thấy bóng người dân thu dọn luống đất, tỉa cây, vun gốc cho những luống rau tươi mởn hơn trước thì xuân tràn. Còn với những người làm ngành văn hóa, thể thao, nghệ thuật, du lịch… vẫn tất bật công việc chuẩn bị cho những hoạt động đón giao thừa, chào xuân mới, lễ hội nối nhau diễn ra từ trước thời khắc chuyển giao năm cũ – năm mới, ngay từ ngày đầu xuân và liên tục trong suốt đợt nghỉ tết. Với họ, càng những ngày nghỉ lễ, nghỉ tết càng bận rộn hơn, từ họ lan tỏa niềm vui, nụ cười và cả sự may mắn.

Mua những cây quất cuối cùng.

Mua những cây quất cuối cùng.

Bên hè phố kia, những mẹ, những chị tranh thủ làm nốt phần việc chuẩn bị tiễn năm cũ vẫn không quên tranh luận về giá cả mặt hàng tăng cao hay hạ thấp; giọng dù nhỏ bớt những vẫn lảnh lót quan tâm việc sắm tết của hàng xóm đã tươm tất chưa? Có cần phụ giúp gì không? Và cả những câu chuyện trên giời dưới bể cũng được mang ra đàm luận, bởi “sang năm” mới có dịp gặp lại, trò chuyện, dù “sang năm” chỉ còn cách có mấy tiếng nữa thôi.

Chợt vang tiếng cười lanh lảnh của lũ trẻ vô tư đùa nhau bên thềm hoa xuân. Lũ trẻ thời nào cũng sướng. Chúng cứ vô tư xanh như cỏ cây mặc kệ thời gian trôi qua mái đầu người lớn điểm những sợi lo toan, sợi nhọc nhằn. Chúng cứ như vồ lấy nhau ríu rít như thể lâu lắm chưa gặp nhau, hớn hở vì được nghỉ học và chờ nhận tiền lì xì.

Góc phố. Đôi nam nữ dừng xe, bịn rịn chia tay. Những bước chân chưa muốn rời đi, cứ chầm chậm trong lưu luyến. Họ muốn mùa xuân đến nhanh. Nhưng họ muốn lúc này thời gian chậm lại. Chàng trai chưa muốn về. Cô gái nũng nịu nhắc lại lời mẹ dặn về nhà trước giờ phụ mẹ chuẩn bị bữa tất niên và còn cúng giao thừa. Thế rồi, dòng hối hả chiều 30 đành tạm đưa đôi trẻ về hai phía để sau mấy tiếng nữa họ sẽ gặp lại mùa xuân. Bất chợt vút lên câu hát thiết tha: “Em ơi mùa xuân đến rồi đó/Tiếng gọi tình yêu mới hiền hòa/Ôi mùa xuân tươi bao la đang giục ta đi mau tới những chân trời đất mới đón người/Xây đắp ngàn mùa sau hạnh phúc trên đường ta đi tới/Này em hãy hát lên cùng mùa xuân mới xinh tươi”…

Hải Xuyên

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/xa-hoi/hoi-ha-chieu-30-z5n20200124134754451.htm