Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin TP. Hà Nội

Sáng 9/8, tại Cung Trí Thức Hà Nội, số 1 Tôn Thất Thuyết, Tạp chí Kinh tế Môi trường cùng Hội nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội tổ chức chương trình talkshow hưởng ứng ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8.

Tham dự chương trình có PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; PGS.TS Trương Mạnh Tiến, Ủy viên đoàn Chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường; PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Phó chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam; Nhà báo Nguyễn Tường Quân, Phó chủ tịch Hội kinh tế Môi trường Việt Nam.

Về phía khách mời tham dự buổi Talk show có Đại tá, Luật sư Trần Văn Quang Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội.

Ngoài ra, còn có các vị khách mời là đại diện của Hội nạn nhân chất độc da cam TP. Hà Nội; cán bộ phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, hội viên Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Như chúng ta được biết, nạn nhân chất độc da cam (CĐDC)/dioxin là đối tượng chịu nhiều hậu quả nặng nề do ảnh hưởng bởi chất độc hóa học. Vì vậy, công tác hỗ trợ, chăm sóc, giúp đỡ họ có ý nghĩa quan trọng, luôn được các cấp, các ngành quan tâm.

Đây cũng là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/ dioxin TP.Hà Nội nói riêng và Hội nạn nhân toàn quốc nói chung nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân vượt qua khó khăn, vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Đồng thời là hoạt động hướng đến Kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024), Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10/8) và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (2004-2024).

PGS.TS Trương Mạnh Tiến - Ủy viên Đoàn Chủ tịch VUSTA, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường chia sẻ: “Thấu hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện công tác khắc phục hậu quả của chất độc da cam đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, đồng bào trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã và đang có những đóng góp bằng hiện vật, tiền...để xoa dịu nỗi đau da cam, tiếp tục lan tỏa thông điệp ý nghĩa, tuyên truyền về hậu quả của chất độc da cam đến rộng rãi công chúng để chúng ta cùng nhau chung tay, khắc phục tận gốc vấn đề”.

Tại buổi trò chuyện, Đại tá, Luật sư Trần Văn Quang Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội chia sẻ: “Nạn nhân chất độc da cam là người nghèo nhất trong những người nghèo, khổ nhất trong những người khổ, ở Hà Nội có khoảng 300 gia đình nạn nhân ở thế hệ thứ 2, 150 gia đình nạn nhân thế hệ thứ 3. Đời sống thực tế của họ gặp nhiều khó khăn có những trường hợp gia đình đã ngoài 80 nhưng vẫn phải chăm từng miếng ăn, giấc ngủ cho đứa con gái đã ngoài 50 tuổi là nạn nhân của chất độc da cam”.

Lãnh đạo Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường trao món nhỏ cho Đại tá, Luật sư Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội (Người đứng thứ 2 từ phải qua trái).

Lãnh đạo Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam và Tạp chí Kinh tế Môi trường trao món nhỏ cho Đại tá, Luật sư Trần Văn Quang, Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội (Người đứng thứ 2 từ phải qua trái).

Từ góc độ là người lính thuộc tiểu đoàn 4, sư đoàn 7, quân đoàn 3, sau này là một nhà khoa học, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh bày tỏ: “Chứng kiến những vùng bị rải dioxin để lại tác động lâu dài, chiến tranh qua đi nhưng hậu quả còn lại. Đây là một vấn đề dai dẳng, chất độc da cam không chỉ ảnh hưởng tới một thế hệ mà còn nhiều thế hệ sau này. Nhân dịp kỷ niệm 63 năm thảm họa da cam ở Việt Nam chúng ta cùng góp tiếng nói để thế hệ tương lai phát triển, đóng góp cho đất nước”.

Mặc dù không có mặt tại chiến trường nhưng khi trở lại nơi ấy, cây trụi lá, cảnh vật tan tác, từ góc độ khoa học địa chất PGS.TS Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam chia sẻ thêm về vấn đề này: “Dioxin là chất không hòa tan trong môi trường nước nhưng khi rơi xuống đất lại bám vào hạt sét tích điện âm mang dioxin di chuyển theo nguồn nước. Dioxin có thể tồn tại hàng trăm năm, gây ra hiểm họa cho môi trường sống của con người”.

Bàn về hậu quả của chất độc da cam, PGS.TS Nguyễn Thế Chinh nói: “Những người từng ở chiến trường như chúng tôi đã cống hiến tuổi trẻ ở nơi đây, khi trở về cuộc sống thường nhật, họ làm ruộng, lái xe ba gác, các công việc vất vả mưu sinh kiếm sống. Những người không may bị nhiễm chất độc da cam lập gia đình, ảnh hưởng đến thế hệ sau. Có thể thấy nỗi đau da cam vẫn còn đó, nếu xã hội nhìn nhận không đúng thì lại gây thêm tổn thương cho họ. Người nhiễm chất độc da cam và gia đình họ là người yếu thế nhất, cần sự chung tay, giúp đỡ của toàn xã hội”.

PGS.TS Trương Mạnh Tiến- Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Môi trường bày tỏ, những nạn nhân chất độc da cam chịu rất nhiều tổn thương và thiệt thòi trong xã hội. Đây là những đối tượng đã nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bây giờ cần hơn nữa sự chung tay của cả xã hội. Việc Tạp chí Kinh tế Môi trường tổ chức Talkshow này cũng một phần xuất phát từ mong muốn đó.

Hướng tới kỷ niệm 20 năm thành lập hội vì nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội, Chủ tịch Hội vì nạn nhân chất độc da cam TP.Hà Nội Đại tá, Luật sư Trần Văn Quang cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức chương trình truyền thông để tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan báo chí để đẩy mạnh truyền thông hơn nữa về hậu quả của chất độc da cam để lại. Bên cạnh đó, chúng tôi còn tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ của những người từng tham gia kháng chiến để người dân đồng cảm, thấu hiểu. Chúng tôi cũng dự kiến tặng quà cho những người chăm sóc nạn nhân chất độc da cam để giúp đỡ, an ủi phần nào nỗi đau mà họ đang phải gánh chịu.

Qua buổi trò chuyện hôm nay với chủ đề hưởng ứng ngày vì nạn nhân chất độc da cam và những chia sẻ của khách mời đã cho khán giả thấy được những hậu quả nặng nề của chất độc da cam/ dioxin đến sức khỏe con người và môi trường sống.

Để tiếp tục thực hiện công tác khắc phục hậu quả của chất độc da cam đến con người và môi trường đòi hỏi sự chung tay của các cấp, các ngành, đồng bào trong nước và nước ngoài, các tổ chức quốc tế. Thấu hiểu những nỗi đau về thể chất, tinh thần của những nạn nhân chất động da cam, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã trao tặng một phần tiền nhỏ vào quỹ da cam để chung tay xoa dịu nỗi đau của họ đồng thời thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa” cao đẹp của dân tộc Việt Nam.

Tạp chí Kinh tế môi trường đã phối hợp, tổ chức nhiều chương trình ý nghĩa tới các gia đình có người thân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin

Trong gần 20 năm hình thành và hoạt động của mình, Tạp chí luôn tích cực làm nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa đối với những hoàn cảnh khó khăn do chiến tranh để lại.

Vào năm 2015, nhân dịp Lễ kỷ niệm 40 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước,Tạp chí Kinh tế Môi trường đã phối hợp, tổ chức cùng với nhà tài trợ là Trường Đại học Quốc tế Sài Gòn thuộc Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Á Châu đã trao tặng 400 triệu đồng cho 40 cô gái trong Đại đội lái xe Trường Sơn kinh phí để đi thăm lại chiến trường xưa. Chương trình được tổ chức trao tặng tại Hà Nội.

Tiếp đó ban tổ chức cùng với nhà tài trợ đã tặng bò cho các gia đình có người thân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin tại 2 huyện Yên Dũng và Việt Yên (Bắc Giang):

Đợt 1 vào năm 2018: tặng 38 con x 12tr/con. Tổng tiền: 456.000.000đ.

Đợt 2 vào năm 2019: tặng 80 con x 13tr/con. Tổng tiền: 1.040.000.000đ;

Đợt 3 vào năm 2022: tặng 50 con x 15tr/con. Tổng tiền: 750.000.000đ.

Và tổng 3 đợt: 168 con với tổng số tiền: 2.246.000.000đ.

Tiếp đó là vào tháng 7/2023, Tạp chí đã phối hợp cùng với nhiều nhà tài trợ tới thăm và trao tiền, quà hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại xã Đạo Lý, Lý Nhân, Hà Nam. Tại đây, đoàn có nhiều hoạt động ý nghãi như thắp nên, dâng hương hoa, trồng cây tại nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp 27/7.

Và tháng 7/2024 Tạp chí đã cùng với nhiều nhà tài trợ để góp một phần vào hoàn thiện công trình công cộng tại Đình làng Đồng Lâu và Nhà Văn hóa thôn An Đồng, Đạo Lý, Lý Nhân.

Hồng Thơ

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/huong-ung-ngay-vi-nan-nhan-chat-doc-da-cam-91450.html