Hồi ký 'Một lần đi đài luồn sâu'

GD&TĐ - Mặc dù là lính trinh sát đã có ít nhiều kinh nghiệm trước khi bước vào chiến dịch I/75 (chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng) nhưng mỗi khi gặp căng thẳng thì hầu như tôi không ngủ được. Sau bảy ngày phụ trách Tổ đài luồn sâu của Trung đoàn vào sườn Đông núi Bạch Mã về, tôi ngủ vùi suốt cả buổi sáng để bù lại cho những ngày căng thẳng, mất ngủ.

Bộ đội ta tiến vào giải phóng miền Nam. Ảnh minh họa tư liệu

Bộ đội ta tiến vào giải phóng miền Nam. Ảnh minh họa tư liệu

Độ gần trưa, anh Vương Căn - Tiểu đoàn trưởng - cho gọi tôi đến hầm chỉ huy. Mắt nhắm, mắt mở, bước vào hầm, tôi đã thấy Thạc – Tiểu đội trưởng Trinh sát Đại đội 5 đang ngồi cạnh anh Căn. Anh Căn vào đề ngay: “Tiểu đoàn cần đưa một tổ đài luồn sâu vào đây - vừa nói, anh vừa chỉ vào một điểm xanh xanh trên bản đồ trước mặt - để khống chế căn cứ Giàn Bò, hỗ trợ cho bộ binh tấn công cao điểm 162 Lương Điền và chặn đường rút của địch. Minh thấy nên tổ chức thế nào?”

Là người lính dưới quyền chỉ huy của anh Căn có vài năm, tôi biết tính anh: Một người chỉ huy gan dạ, nhưng rất thương, rất tâm lý với cán bộ, chiến sĩ dưới quyền, nhất là đối với bọn lính sinh viên như chúng tôi. Tôi biết anh muốn tôi đi tiếp tổ đài này vì tôi mới ở khu vực đó về nên tôi thông thạo địa hình, địa vật. Tuy thế, vì tôi mới về từ một chuyến đi đài nguy hiểm, vất vả nên anh cũng ngần ngại, không nỡ cử ngay nên mới hỏi ý kiến. Nếu tôi không tự nhận đi chắc anh cũng không ép mà sẽ cử Thạc đi phụ trách tổ đài.

Không chần chừ tôi báo cáo anh: “Em vừa ở trong ấy ra, đã thuộc đường, biết các điểm địch có thể phục kích, em vào cùng với anh em là tốt nhất anh ạ. Để anh em khác đi, bỡ ngỡ có thể còn nguy hiểm hơn”. Anh Căn chỉ nói thêm: “Em cố gắng vậy”, rồi cử luôn Thạc, thêm một trinh sát viên và hai máy thông tin 2w đi cùng chúng tôi. Thật lòng lúc ấy tôi còn mệt lắm, nhưng tôi chỉ nghĩ đơn giản mình đi tiếp đỡ nguy hiểm hơn anh em khác, thế thôi chứ không phải như mọi người hay mô tả là xuất phát từ lòng can đảm, dũng cảm hay quên mình gì đâu.

Ngay chiều hôm ấy, chúng tôi lên đường với hành trang đơn giản. Quanh thắt lưng là bi đông nước, dao găm, địa bàn, túi thuốc cá nhân. Bao cát (lấy bao đựng cát làm công sự của địch chế thành gùi thay ba lô, đeo trên vai) là 5 bánh lương khô, tấm nilông, mũ lưới chống muỗi. Cổ khoác ống nhòm, tay xách khẩu AK báng gấp với hai băng đạn buộc trở đầu với 60 viên đạn. Anh em thông tin thì mang theo đài 71C để liên lạc.

Nhân dân Huế hân hoan đón chào thành phố được giải phóng. Ảnh tư liệu

Nhân dân Huế hân hoan đón chào thành phố được giải phóng. Ảnh tư liệu

Đi đài luồn sâu là phải vượt qua chiến tuyến, vào sâu trong vùng địch, xác suất chạm nhau với địch rất cao và nếu địch phát hiện thì khả năng chạy thoát là rất thấp, vì thế chia tay anh em trong đơn vị cũng có phần bịn rịn. Sĩ - trinh sát Đại đội 7 chạy theo dúi vào tay tôi 2 quả lựu đạn mỏ vịt nhỏ nhẹ kiểu mới của ta mà cậu ấy mới xin được của đồng hương, coi như quà chia tay.

Độ 6 giờ chiều, chúng tôi đã đến bên bờ con suối rộng, là chiến tuyến ngăn cách hai bên ta và địch. Trời còn hửng sáng, chúng tôi nép người trong cánh rừng thưa, quan sát bờ Nam. Bên kia, các bụi cây thỉnh thoảng lay động, chắc có ổ phục, đánh phải nằm chờ cơ hội. Trời tối dần, làn sương nhẹ phủ trên mặt suối mỗi lúc một lan rộng, đã nhá nhem mặt người. Bên bờ Nam hoàn toàn im lặng, chúng tôi quyết định vượt suối. Những hòn cuội to lách cách lăn dưới chân người rón rén lội qua. Nước chỉ đến đầu gối, lành lạnh. Chúng tôi nhẹ nhàng, hàng một vừa lội suối, tay súng vẫn sẵn sàng, mắt đăm đăm quan sát phía trước. Cũng liều vậy thôi chứ nếu lúc ấy bên bờ Nam quăng xuống một quả lựu đạn, rồi vài tràng súng AR15 nữa thì chắc chúng tôi khó thoát. Sang tới bờ Nam yên lành, qua bụi cây, ổ nằm phục của bọn địch còn đấy, vẫn vương vãi vài đầu mẩu thuốc Rubi đỏ, chắc chúng cũng vừa rút đi khi trời bắt đầu tối. Thật may mắn!

Chúng tôi tiếp tục dấn bước trong đêm tối, hàng một, lặng câm, người cách nhau độ 5 - 7 mét. Tôi với Thạc thay nhau đi đầu đội hình. Hai thông tin được ưu tiên đi giữa, còn chốt hạ là trinh sát viên. Người đi đầu đội hình phải quan sát phía trước, giữ đúng hướng đi cho cả tổ bằng địa bàn, cảnh giới phía trước, không được ngoái lại phía sau. Đích đến đoạn này của tổ đài là cắt phương vị để đến một con suối lớn chạy dọc trên sườn núi xuống. Trèo, lội dọc suối lên cao vừa giữ được bí mật mà tốc độ leo cũng nhanh hơn.

Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Quân đội ta tiến vào thành nội Huế Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Đêm đen dày đặc, chúng tôi lách qua các bụi cây lúp xúp để đi. Tay phải gạt các bụi tranh, bụi cỏ lác. Lá mấy thứ cỏ này sắc như dao, cứa nát hai lòng bàn tay. Khu vực này đi qua không cần xóa dấu vết vì hằng ngày người dân vẫn đi lại lấy củi, chăn trâu bò, cắt tranh...

Xoạch, xoạch! Tiếng động bất ngờ, tôi dừng lại im lặng ở tư thế lom khom, bất động như pho tượng. Phía sau anh em cũng đứng lại, lặng im cả hơi thở. Một bóng người chạy ngang trước mặt tôi, chỉ cách khoảngkhoảng vài ba mét. Tôi nhận ra ngay là một lính nguỵngụy, giầy ống, quần thắt, áo rằn ri xắn cao, tay xách theo 2 cái bi đông, khẩu AR15 treo lủng lẳng trước ngực. Tên này từ trên đồi chạy xuống lấy nước suối. Chắc vì trời đã tối, và cũng không ngờ có vài tên VC dám luồn vào giờ này nên hắn đã không để ý mà chạy qua. Tim tôi gần như ngừng đập, miệng đắng ngắt. Nhưng chỉ tích tắc thôi, khi bóng đen đã chạy qua thì việc ai nấy làm, chúng tôi nhẹ nhàng thoát ra khỏi con đường mòn, cảnh giác hơn nữa vì bên cạnh mình, phía trên đồi chắc chắn có một điểm đóng quân của địch. Nghề trinh sát pháo binh là thế, phải trốn khi gặp địch chứ không oai hùng gì mà đánh nhau với chúng để rồi thương vong mà không hoàn thành nhiệm vụ. Nhiệm vụ của tổ đài luồn sâu là phải tìm mục tiêu, cung cấp tọa độ cho pháo binh bắn và phải sửa bắn cho trúng, tiêu diệt mục tiêu - đó là trận địa pháo, căn cứ đóng quân, căn cứ hậu cần của địch chứ đâu phải vài thằng lính riêng lẻ thế này. Chúng tôi chỉ được phép nổ súng khi buộc phải chiến đấu để tự vệ.

Đến quá nửa đêm thì chúng tôi đến được bờ suối. Đây là con suối to, chảy dọc từ trên sườn núi cao xuống. Lòng suối là những tảng đá bằng cỡ cái bàn, cái giường nằm ngổn ngang, được nước suối chảy ngàn năm đã bào mòn tròn trịa các góc cạnh. Nước chảy róc rách qua những hẻm đá, thỉnh thoảng tạo ra những hố, hồ nước nho nhỏ được bao quanh các phiến đá lớn. Chúng tôi trèo qua từng tảng đá, lúc lội nước bì bõm. Có anh bạn nào đấy trượt chân lăn tõm xuống hồ, ướt hết, cả tổ lại lặn ngụp mò vớt vũ khí, khí tài. Quan trọng nhất là máy thông tin 2w không được để rơi vào nước, còn lại thì không đáng ngại. Trèo dọc suối có cái sướng là đường thoáng, không bị vướng bận bởi dây leo, lá tranh hay cỏ lác. Ở đây cũng không lo bị phục kích hay gặp dân lúc nửa đêm. Leo trèo, vật lộn hơn ba tiếng đồng hồ trong đêm tối, chúng tôi dừng lại nghỉ lấy sức. Mỗi người chọn cho mình một chỗ ngả lưng, trải tấm ni-lông lên nền đất đá lổn nhổn, đặt mình nằm tạm. Quần áo qua đêm phơi sương ướt đầm, ngấm lạnh. Tôi ghé đầu gối lên một hòn đá nhẵn, nằm uốn mình theo chỗ trống dưới lưng giữa các mỏm đá. Dừng lại nằm mới thấy muỗi nhiều vô kể. Cái mũ có lưới che mặt là chiến lợi phẩm giờ mới phát huy tác dụng không cho muỗi tiếp cận được mặt, thêm tấm dù đắp che hai bàn tay khoanh trước ngực là yên tâm nằm nghỉ. Nằm nghe tiếng rì rào, thầm thì của rừng đêm, tiếng nước suối vỗ nhẹ vào đá, cái lạnh ngấm dần từ đất lên, từ sương đêm xuống, tôi thao thức ước chừng đã đến lúc chia tay dòng suối để tiếp tục băng qua mấy đồi tranh về điểm dự kiến đặt đài quan sát. Vì phải băng qua quãng đường trống trải, và dự kiến còn quay lại đây vài lần để lấy nước, tôi quyết định để lại một trinh sát và một thông tin tại suối này, chỉ đi tiếp 3 người cho dễ cơ động và dễ bảo mật. Với ba bi đông nước, tôi, Thạc và Đô (thông tin) sẽ trụ được ba ngày với điều kiện mỗi người mỗi ngày chỉ ăn nửa bánh lương khô (2 thanh nhỏ).

Người lính thông tin trên chiến trường mở đường vào Huế. Ảnh minh họa tư liệu

Người lính thông tin trên chiến trường mở đường vào Huế. Ảnh minh họa tư liệu

Ba chúng tôi băng qua đồi tranh, không đi hàng dọc nữa mà tản ra, bước lựa chân thận trọng không để tranh gẫy dập quá nhiều. Đồi tranh đang mùa lên xanh, thỉnh thoảng có vài cụm đá mồ côi nổi lên rất đẹp mắt. Những tảng đá này chắc do kiến tạo địa chất nên đã lăn từ đỉnh Bạch Mã xuống nằm lại nơi đồi tranh này hàng ngàn năm trước. Đến tọa độ dự kiến, tôi nhanh chóng chọn được vị trí lý tưởng để đặt đài quan sát: Đó là nơi có ba tảng đá mồ côi cao cỡ 2m chụm lại, bao lấy một khoảngkhoảng trống rộng độ 80cm, chiều dài đủ cho cả ba chúng tôi ngồi. Phía trước còn có khoảngkhoảng trống, gạt cỏ tranh ra có thể nhìn xuống căn cứ Giàn Bò phía dưới, xa hơn nhìn thẳng ra Đầm Cầu Hai, nơi có đường QL1a chạy qua. Hai cao điểm 162, 82 cũng hiện ra ven đường 1. Thật tuyệt. Đài quan sát đặt ở đây vừa bất ngờ, điểm quan sát tốt, lại là nơi cố thủ khá kiên cố nếu bị phát hiện. Điểm yếu duy nhất là không có đường tháo lui nếu bị phát hiện và tấn công. Tuy thế đấy là điểm bất lợi của tất cả các đài luồn sâu, đành chấp nhận thôi.

Trời đã sáng rõ, chúng tôi chuẩn bị tác chiến. Trận địa pháo của địch ở sau cao điểm 82 đã bắt đầu nhả đạn, chúng đang nhắm bắn vào nơi tập kết quân của Sư đoàn. Từ đài quan sát, qua ống nhòm, chúng tôi thấy rõ từng nòng pháo của địch thụt xuống, khói phun ra đầu nòng mỗi lần nhả đạn. Xác định nhanh tọa độ đài quan sát, tọa độ trận địa pháo địch ở cao điểm 82, tôi điện về nhà xin bắn. Sở chỉ huy đồng ý ngay. Để loạt đạn đầu không bị mất dấu vì khuất sau các cao điểm ven đường 1, tôi tăng tầm bắn thêm vài trăm mét để đạn rơi xuống đầm nước, cột nước bắn lên thì không thể mất dấu. Sau loạt đầu quan sát được, tôi sửa phần tử bắn, loạt thứ hai đạn đã nổ trùm lên trận địa pháo địch, thật là chính xác, cảm ơn các pháo thủ đã thao tác chuẩn. Đám lính pháo thủ địch đã lố nhố chạy, không dám ra bắn nữa. Tôi gọi bắn thêm loạt nữa, nhưng đến lúc cần bắn cấp tập để tiêu diệt hẳn trận địa pháo địch thì không thấy ở nhà bắn thêm. Tuy thế, sau vài loạt bị pháo ta bắn trúng trận địa, pháo địch chắc chưa bị hư hại gì nhiều nhưng trận địa cao điểm 82 đã câm tịt. (Sau này quay về tôi mới được biết đúng lúc trận địa ta đang thao tác bắn thì Sư đoàn phó đi qua, thấy trận địa chưa được nguỵngụy trang kỹ, từng khẩu pháo chưa được đào, đặt thấp xuống như quy định, Sư đoàn phó đã ra lệnh dừng bắn để củng cố trận địa. Thế là chúng tôi mất cơ hội tiêu diệt bất ngờ trận địa pháo địch).

Căn cứ Giàn Bò ngay bên dưới chỗ chúng tôi đặt Đài chắc đã rút quân từ đêm qua nên vắng vẻ. Quan sát kỹ thấy căn cứ không có hoạt động gì; làng dân ở bên nhộn nhạo hơn, người chạy ra, chạy vào, dần dần tạo thành cả dòng người kẻ xách người mang, xe đạp xe máy di tản về hướng đường 1.

Giải phóng thành phố Huế (tháng 3/1975). Ảnh tư liệu

Giải phóng thành phố Huế (tháng 3/1975). Ảnh tư liệu

Buổi chiều, quan sát về phía cao điểm 162 cách đấy khoảng 2km, chúng tôi nhận ra dấu hiệu tập kết quân của bộ binh ta quanh chân cao điểm, chắc chuẩn bị cho trận tấn công sáng mai. Xung quanh cao điểm không hề có quân chi viện của địch, chúng tôi xin được bắn vào đỉnh cao điểm, nơi đóng quân chốt của địch. Những chùm đạn pháo lựu 122 ly nổ rất chụm, trùm lên điểm cao. Tuy thế, vì cách xa nên từ đài quan sát chúng tôi không nhận rõ được kết quả bắn. Nhưng chắc chắn những loạt bắn đã uy hiếp, phân tán được hỏa lực của địch, tạo điều kiện cho bộ binh ta bố trí trận địa áp sát cho trận chiến ngày mai.

Trời chuyển tối, sau khi ba anh em nhâm nhi thanh lương khô thứ hai trong ngày, uống vài ngụm nước, chúng tôi cho phép mình nghỉ ngơi. Ở đây gần khu dân, binh lính ngụy đi lại nhiều nên chúng tôi phần lớn ra hiệu với nhau, có nói cũng thì thào sát tai nhau. Tôi phân công mỗi người gác 1/3 đêm. Thạc và Đô nằm ốp vào nhau ngủ trên khoảng đất hẹp phía dưới mấy tảng đá.

Tôi gác trước, trườn mình trèo lên tảng đá cao, tôi không dám nhô ra, sợ bóng mình in trên nền trời sẽ bị phát hiện khi nhìn từ phía dưới làng. Lên tới đỉnh tảng đá thì một bất ngờ thú vị xuất hiện: Chỗ lõm bằng cái thau trên đỉnh chứa hơn một nửa thau nước mưa trong vắt. Cả một ngày chịu nắng, nhịn khát, tôi vục mặt xuống uống no một bụng. Nước vào tới đâu tỉnh người tới đấy. Tôi trườn xuống, gọi từng anh bạn đang chết thèm nước dưới kia lên thưởng thức của trời cho ấy. Với nửa chậu nước này, chúng tôi có thể thoải mái dùng vài ba ngày không hết. Có nước rồi chúng tôi tự thưởng cho mình thêm một thanh lương khô, bù lại cả ngày ăn ít chỉ vì thiếu nước.

Đó là một đêm trăng sáng Rằm tháng 2. Trên tảng đá cao giữa đồi tranh gió thổi về mát rượi. Phía xa xa, quanh cao điểm 162 thi thoảng có tiếng ì ầm của máy bay địch lượn vòng thả pháo sáng. Đèn dù bay sáng lơ lửng một lúc rồi tắt, tiếp tục sáng rồi tắt. Không gian không một tiếng súng, không tiếng bom, chỉ có trăng Rằm sáng vằng vặc trên cao. Bất giác tôi như quên đi mình đang ở mặt trận khốc liệt, quên đi mình đang nằm trong vùng đất phía đối phương, tôi chỉ có cảm giác nhẹ nhàng, có phần bay bổng khi được tắm dưới ánh trăng sáng và trong như thế, dưới làn gió mang hương vị biển và núi đồi mát và êm như thế.

Rít, rít... như một phản xạ đầy bản năng, tôi lăn người qua một bên, rơi vào khoảng trống, ánh chớp chói lòa kèm theo hai tiếng nổ long trời, khói mù mịt, sặc sụa. Từ đỉnh cao 2m tôi rơi giữa hai vách hẹp của hai tảng đá, nằm đè bẹp lên hai anh bạn phía dưới, từng cục đất to bằng cỡ qua ổi rơi lộp độp phía trên lưng, đập vào chân, vào tay đau điếng. Đạn bom vô tình đã phá đi phút giây lãng mạn, lôi tôi trở lại thực tế khốc liệt của chiến trường: Hai quả bom lạc địa chỉ, lẽ ra đánh bộ binh tập kết quanh cao điểm 162 lại bay đến chỗ chúng tôi cách xa đến gần 2km. Có lẽ là thằng phi công mơ ngủ vì các loạt bom tiếp theo đều rơi quanh chân cao điểm 162. Ì ầm, bùng bùng, tai tôi như ù đi, không nghe thấy Thạc, Đô nói gì. Chắc hai anh bạn cũng đau điếng vì bị tôi ngã đè lên. Xung quanh chúng tôi khói bụi bao trùm mù mịt. Sau khi đã hoàn hồn, vì không đủ chỗ nằm, ba anh em đành ngồi ôm gối, tựa vào nhau, lơ mơ cho tới lúc mờ sáng. Tiếng bộc phá, tiếng súng, đạn ì ùng, lụp bụp rộ lên - bộ binh bắt đầu tấn công cao điểm 162 rồi! Chúng tôi ngồi cả dậy, chuyền tay nhau ống nhòm quan sát trận công đồn từ xa như xem trên sa bàn. Nhiệm vụ chỉ huy bắn yểm trợ cho bộ binh tấn công đã được chuyển giao cho các tổ đài đi cùng bộ binh ở gần trận địa hơn. Chúng tôi chỉ còn chờ đánh quân tiếp viện hay đánh trận địa pháo địch nếu phát hiện được mà thôi. Tuy thế chẳng thấy trận địa pháo nào của địch lên tiếng, cũng không thấy quân tiếp viện đâu, chắc chúng lo thân mà bỏ chạy hết rồi. Độ đến nửa buổi sáng, mặt trời đã đứng bóng, tôi phát hiện ra từng đoàn lính ngụy áo quần sẫm mầu, không súng ống đang rút từ trên núi xuống dần đi lẫn trong vài đám dân tiến về phía đường 1. Vẫn nhớ nhiệm vụ của tổ đài là đánh chặn đường rút quân của địch, tôi với Thạc bàn nhau nên bắn hay không, rồi chúng tôi thống nhất không gọi bắn. Đằng nào họ cũng thua rồi, vứt cả vũ khí, chạy người không rồi nỡ nào đem pháo lớn bắn vào họ. Đấy là chưa nói khi bắn đám bộ binh này có thể còn bắn vào dân di tản nữa, không ổn tí nào, lương tâm không cho phép chúng tôi làm ẩu như vậy.

Cả Tổ đài chúng tôi hân hoan khi thấy trên cao điểm 162 đã im tiếng súng, bộ đội ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn cao điểm, lính ngụy đã bỏ chạy theo đường 1 về phía Nam, hướng Đà Nẵng. Chỗ chúng tôi đặt đài phút chốc đã trở thành đất đã được giải phóng. Nhiệm vụ chúng tôi đã hoàn thành, rút quân về căn cứ thôi.

Ba anh em nhanh chóng rời khỏi nơi trú ẩn, lên đồi tranh tiến về phía suối để đón hai anh em còn lại. Ra khỏi đài độ 5 - 7 mét hai hố bom to nằm gần nhau, sâu hoắm, vết tích của hai quả bom lạc tối qua đây. Nhìn lại, tảng đá che chở chúng tôi bị mảnh bom băm nham nhở, trên chỗ tôi nằm tối hôm qua cũng bị phạt mất một mảnh đá, “chậu nước” quý giá trên đó cũng mất tiêu. Giá như tối hôm qua tôi phản xạ chậm tí ti thôi thì đã không được thấy ánh mặt trời sáng nay rồi.

Chúng tôi đi hân hoan, thoải mái, cười nói râm ran bù lại cho mấy ngày qua câm như hến. Bước đi nhanh nhẹn, không cần giữ gìn, rón rén gì. Thế mới thấy cái giá của tự do sao mà sướng. Ai cũng mệt vì mấy ngày căng thẳng, nhưng bù lại ai cũng vui vì sắp được về gặp anh em đơn vị, được thay quần áo khô, được ăn cơm nóng thay cho mấy ngày lương khô, nước suối lạnh cả bụng rồi.

Gần đến trận địa của Tiểu đoàn phải leo lên một con dốc dài. Tôi chống tay vào gối bước từng bước một. Một đoàn bộ đội đi ngang qua, có người gọi tên tôi, tôi ngẩng đầu lên nhận ra anh bạn trinh sát pháo của E 101 (tôi quen tại lớp bổ túc nghiệp vụ trinh sát pháo mấy tháng trước mà tôi làm trợ giảng cho anh Sơn). “Đỗ Mạnh Cường hy sinh rồi Minh ạ, đi đài quan sát cùng bộ binh, bị vướng lựu đạn gài”. Lòng tôi tê tái đến nghẹn thở. Cường là sinh viên khoa Sinh cùng Trường Đại học Tổng hợp, ở cùng đơn vị với tôi cho đến trước khi vào chiến dịch này thì chuyển về Đại đội 13 trinh sát của Trung đoàn. Thế là tôi đã mất đi một người bạn tốt, đẹp trai, hiền hậu nhưng rất thông minh. Chiến tranh khốc liệt, các nỗi đau cứ vần vò xung quanh ta. Đau xót, mệt rũ, tôi gần như lết về đến trận địa pháo của Tiểu đoàn.

Viết thêm:

* Sau khi giải phóng miền Nam, Đô bị sốt xuất huyết khi đơn vị đóng quân ở căn cứ Nước Trong và mất tại Viện Sư đoàn. Thật tội nghiệp, Đô đã dũng cảm đi qua cuộc chiến tranh một cách hoàn hảo lại gục ngã bởi một căn bệnh rất bình thường ngay sau cuộc chiến.

* Nhớ lại cảnh nằm trên mỏm đá ngắm trăng, có lần trong một bài thơ tôi đã hồi tưởng:

“ ...Chàng trinh sát trẻ có gì mơ mộng thế

Trên tảng đá cao giữa bốn phía đồn thù

Mặc pháo sáng, pha đèn xé dọc ngang trời đất

Nằm ngắm trăng lên .....”

___________________________________________

(*) Cựu chiến binh Võ Quang Minh nhập ngũ năm 1971 khi đang là sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Hồi ký của Võ Quang Minh*

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/hoi-ky-mot-lan-di-dai-luon-sau-post619951.html