Hội làng sôi động sắc Xuân
Khởi đầu cho một năm mới, mùa Xuân cũng là mùa của các lễ hội truyền thống. Trải qua thăng trầm của hàng nghìn năm lịch sử, dẫu có nhiều đổi thay, mai một, song phần đa lễ hội truyền thống trên đất cội nguồn vẫn được duy trì, khôi phục như minh chứng rõ ràng nhất về sức sống trường tồn của các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tinh thần gắn kết cộng đồng làng xã, thôn bản.
“Bách nghệ trình làng” là diễn xướng dân gian đặc sắc được trình diễn trong Lễ hội Cướp kén (xã Dị Nậu, huyện Tam Nông)
Từ xưa, hội làng có vai trò rất lớn trong đời sống tinh thần người Việt, hội làng thường gắn với tục thờ cúng vị thành hoàng làng nên trong quá trình thực hiện nghi lễ và các hoạt động vui chơi, người dân sẽ gắn bó, ràng buộc với nhau hơn về tinh thần. Đồng thời, ý thức, trách nhiệm về một cộng đồng cư dân cũng được củng cố.
Kẻ Núc - tên gọi xưa của xã Dị Nậu, huyện Tam Nông, mảnh đất trù phú được nhắc đến với lễ hội Cướp kén và trò diễn xướng dân gian đặc sắc “Bách nghệ trình làng”. Lễ hội Cướp kén là lễ hội lâu đời gắn với đời sống xã hội, tập quán sản xuất, sinh hoạt và tín ngưỡng phồn thực của người Dị Nậu xưa, được tổ chức từ ngày mùng 4 đến ngày 6 tháng Giêng. Trải qua thời gian, đã có lúc lễ hội tưởng chừng đứng trước nguy cơ mai một, song với sự nỗ lực của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và tấm lòng tâm huyết, tha thiết giữ gìn “hồn cốt” văn hóa cha ông của những người con sinh ra trên chính mảnh đất ấy, Lễ hội Cướp kén và diễn xướng dân gian “Bách nghệ trình làng” vang danh kẻ Núc một thời đã được phục dựng và trở thành nét đẹp văn hóa, niềm tự hào của người dân Dị Nậu mỗi dịp Tết đến Xuân về.
Là người sưu tầm, khởi xướng phục dựng lại Lễ hội truyền thống và diễn xướng của quê hương, nhà giáo Tạ Đình Hạp vui mừng chia sẻ: Trước kia, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, người nông dân quanh năm vất vả với đồng ruộng, hội làng không chỉ tri ân công đức các bậc tiền nhân mà còn là cơ hội để nhân dân nghỉ ngơi, vui chơi. Trong tiến trình lịch sử lễ hội Cướp kén và trò diễn “Bách nghệ trình làng” bị thất truyền trong thời gian khá dài (từ năm 1949 đến 2013). Để phục dựng lại lễ hội truyền thống và đặc biệt là diễn xướng dân gian này, tôi đã nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp những tài liệu để phục dựng lại vào năm 2014. Với sự nỗ lực và đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và đông đảo bà con nhân dân, vào năm 2016, Lễ hội Cướp kén làng Dị Nậu đã được hồi sinh trong sự vui mừng, xúc động của dân làng Dị Nậu. Đây là công sức chung của cả cộng đồng, làng xã để giữ gìn “hồn cốt của làng”.
Mở cửa rừng hay còn gọi lễ hội Tì Sằn là lễ hội truyền thống độc đáo của người Mường xã Minh Hòa, huyện Yên Lập, thường được tổ chức từ ngày mồng 6 đến mồng 7 tháng Giêng để bắt đầu một mùa săn bát, hái lượm; mang ý nghĩa cầu mong các thần linh phù trợ một mùa khai sơn mới gặp nhiều may mắn. Từ năm 2014, Lễ hội Mở cửa rừng được phục dựng và trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo không thể thiếu mỗi dịp Tết đến Xuân về của người dân.
Đội diễn xướng xã Minh Hòa, huyện Yên Lập tập luyện chuẩn bị Lễ hội mở cửa rừng.
Đồng chí Nguyễn Văn Tiếp – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Hòa cho biết: Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường, những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã Minh Hòa tập trung đẩy mạnh công tác tuyền truyền, giáo dục, quảng bá những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống Mở cửa rừng đến mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trong xã giữ gìn, duy trì những nét đẹp văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ những phong tục, tập quán cổ hủ, lạc hậu. Bên cạnh đó, chỉ đạo phát huy hiệu quả các tổ đội văn hóa-văn nghệ dân gian, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, ôn lại các nghi thức, tiết mục trình diễn trong lễ hội. Đặc biệt, sau thời gian dài bị gián đoạn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, năm nay UBND xã đã đề xuất với UBND huyện tổ chức Lễ hội Mở của rừng năm 2023 với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tạo không khí vui tươi, sôi nổi, khích lệ tinh thần hăng say lao động của bà con nhân dân trong ngày đầu Xuân mới.
Dẫu đời sống đã có nhiều thay đổi, dù ở miền xuôi hay miền ngược thì hội làng vẫn luôn là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, thể hiện tín ngưỡng của cộng đồng, làng xã, thôn bản, mang đậm nét đặc trưng của mỗi vùng đất. Theo sự phát triển của xã hội, hội làng xưa và nay đã có nhiều thay đổi, song tinh thần cố kết cộng đồng là giá trị cốt lõi không bao giờ mai một, mà vẫn đang sống mãnh liệt trong đời sống văn hóa tinh thần người Việt, là nỗi nhớ khôn nguôi của những người xa quê, góp phần gắn kết cộng đồng, lưu giữ và phát huy nét văn hóa đặc sắc của mỗi vùng quê.
Thùy Phương
Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//van-hoa/hoi-lang-soi-dong-sac-xuan/190172.htm