Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổng kết dự án 'Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị' giai đoạn 2021 – 2023

Sáng 25/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức hội nghị tổng kết dự án 'Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị' giai đoạn 2021 – 2023.

Đây là dự án được tài trợ bởi tổ chức Bánh mỳ cho thế giới (Brot fur die Welt).

Dự hội nghị có lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; lãnh đạo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo đại diện Sở Ngoại vụ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phòng An ninh đối ngoại (Công an tỉnh); Ban điều hành dự án 3 cấp, lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Văn Bàn, lãnh đạo và người dân được hưởng lợi từ dự án của 2 xã Tân Thượng và Nậm Mả (Văn Bàn).

 Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lào Cai đã chọn 4 thôn có sản phẩm, gồm hồng, khoai sọ của 2 xã Nậm Mả và Tân Thượng để triển khai Dự án “Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị”, thời gian từ năm 2021 - 2023.

 Đồng chí Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng Ban điều hành dự án phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Trưởng Ban điều hành dự án phát biểu tại hội nghị.

Theo đánh giá của Ban điều hành dự án, cơ bản các mục tiêu dự án đều đạt yêu cầu đề ra. Cụ thể, trong mục tiêu sinh kế của người nông dân, đặc biệt là phụ nữ trong vùng dự án được cải thiện thông qua quy trình sản xuất hiệu quả, thân thiện với môi trường và sinh thái nông nghiệp, đến cuối dự án thu nhập của các hộ gia đình tham gia các tổ liên kết, tổ hợp tác tăng 30% so với năm 2021. Trong đó, 23 hộ thu nhập tăng từ 20 lên 26 triệu đồng/năm; 27 hộ thu nhập tăng từ 30 đến 40 triệu đồng lên 40 đến 50 triệu đồng/năm; 40 hộ thu nhập từ 60 đến 80 lên 75 đến 90 triệu đồng/năm; 24 hộ thu nhập từ trên 100 triệu đồng lên 130 triệu đồng/năm.

Đối với mục tiêu giá trị của các đặc sản địa phương, đặc biệt là các đặc sản chủ yếu do phụ nữ sản xuất, gia tăng nhờ cải thiện khả năng tiếp cận thị trường, đã có 2 đặc sản của địa phương chủ yếu do phụ nữ sản xuất được truy xuất nguồn gốc, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2022 và công nhận chứng chỉ VietGAP năm 2023.

Đối với mục tiêu tài nguyên rừng được bảo vệ và phát triển bền vững nhằm hỗ trợ sinh kế của phụ nữ và phòng, chống biến đổi khí hậu, tính đến cuối năm 2023 có 1.090/1.364 phụ nữ trong vùng dự án tham gia tích cực vào các hoạt động bảo vệ rừng và có vai trò lớn hơn trong gia đình và cộng đồng của họ.

 Đại biểu dự hội nghị.

Đại biểu dự hội nghị.

Dự án đã góp phần giúp người dân nâng cao kiến thức về sản xuất, quảng bá sản phẩm hồng không hạt và khoai sọ, mang lại hiệu quả kinh tế ổn định, đồng thời giúp người dân cải thiện kỹ năng giao tiếp, lập kế hoạch phát triển sản phẩm để mở rộng thị trường, quy mô sản xuất. Ngoài ra, dự án còn góp phần cải thiện và thúc đẩy bình đẳng giới; cải thiện môi trường; bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng...

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoi-lien-hiep-phu-nu-tinh-tong-ket-du-an-tang-thu-nhap-cho-dong-bao-thong-qua-phat-trien-chuoi-gia-tri-giai-doan-2021-2023-post377657.html