Quy định mới tra cứu nguồn gốc hàng hóa; chốt giá cố định của hợp đồng mua điện

Một loạt chính sách liên quan đến kinh tế như: tra cứu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên website; nguyên tắc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện;... chính thức có hiệu lực từ tháng 6 năm 2024.

Có thể tra cứu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên website

Từ ngày 1/6, Thông tư 02/2024/TT-BKHCN quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa sẽ có hiệu lực.

Theo đó, người tiêu dùng có thể tra cứu trên Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia các thông tin sau đây:

Tên và hình ảnh của sản phẩm, hàng hóa; tên đơn vị và địa chỉ của đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; thời gian các sự kiện truy xuất nguồn gốc diễn ra trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa; thương hiệu, nhãn hiệu, mã ký tự và số seri sản phẩm (nếu có); thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa (nếu có).

Nguyên tắc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện

Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Thông tư 07/2024/TT-BCT ngày 12/4/2024 quy định về phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó, việc xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện được dựa trên các nguyên tắc như sau:

Bên bán và bên mua có quyền áp dụng giá cố định bình quân đã thỏa thuận cho các năm trong thời hạn hợp đồng.

Trên cơ sở các điều kiện vay vốn thực tế và khả năng tài chính của dự án, bên bán và bên mua thỏa thuận giá cố định bình quân của nhà máy điện thành giá cố định từng năm với điều kiện đảm bảo giá cố định bình quân không thay đổi so với mức giá đã được bên bán và bên mua thỏa thuận và tuân thủ theo các nguyên tắc sau:

Tỷ suất chiết khấu tài chính khi tính toán giá cố định từng năm do bên bán và bên mua thỏa thuận bằng tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) của nhà máy điện; chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ hoàn trả các khoản vay cho đầu tư xây dựng nhà máy điện theo thời hạn hoàn trả vốn vay.

Xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện. Ảnh: Hoàng Giám

Xác định giá cố định từng năm của hợp đồng mua bán điện. Ảnh: Hoàng Giám

Thông tư 07/2024/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 1/6.

Giá dịch vụ lập hồ sơ với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu

Từ 15/6, Thông tư 11/2024/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chính thức có hiệu lực.

Đáng chú ý, thông tư này quy định về giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu và dịch vụ in lại giấy chứng nhận kiểm định và tem kiểm định đối với xe cơ giới.

Theo đó, xe ô tô; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô thuộc trường hợp miễn kiểm định lần đầu theo quy định tại Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT ngày 12/8/2021 của Bộ GTVT khi làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận, tem kiểm định lần đầu phải chi trả giá dịch vụ lập hồ sơ kiểm định cho đơn vị đăng kiểm.

Mức giá dịch vụ lập hồ sơ phương tiện đối với xe cơ giới được miễn kiểm định lần đầu là 46.000 đồng/xe; mức giá dịch vụ in lại giấy chứng nhận và tem kiểm định là 23.000 đồng/lần/xe.

Giá dịch vụ trên đã bao gồm chi phí tổ chức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường nhưng chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, tổ chức, cá nhân được cung cấp dịch vụ này phải thanh toán giá dịch vụ cho đơn vị đăng kiểm theo mức giá ở trên.

Bổ sung trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép

Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô, dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và dịch vụ sát hạch lái xe.

So với Nghị định 10/2020/NĐ-CP, Nghị định 41/2024/NĐ-CP mới ban hành đã bổ sung thêm trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Theo đó, nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp giấy phép kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên giấy phép kinh doanh trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên; không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh không thời hạn.

Nghị định 41/2024 có hiệu lực từ 1/6.

Điều kiện vay vốn của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Nghị định 45/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/6/2024 quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nghị định trên nêu rõ điều kiện vay vốn của doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại quỹ này gồm:

- Đáp ứng tiêu chí doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo: Là doanh nghiệp nhỏ và vừa, được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh…

- Có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đảm bảo phù hợp tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.

- Đảm bảo nguồn vốn tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đủ nguồn vốn để thưục hiện dự án, phương án đó.

- Đáp ứng quy định về bảo đảm tiền vay.

Hạnh Nguyên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/quy-dinh-moi-tra-cuu-nguon-goc-hang-hoa-chot-gia-co-dinh-cua-hop-dong-mua-dien-2286225.html