Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới đảnh lễ cung thỉnh Đức Pháp chủ vào ngôi vị Chứng minh tối cao
Sáng nay, 4-8, phái đoàn Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (The World Fellowship of Buddhists, WFB) đã đến chùa Huê Nghiêm (TP.Thủ Đức, TP.HCM) đảnh lễ Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng - Pháp chủ GHPGVN, cung thỉnh ngài vào ngôi vị Chứng minh tối cao của Hội.
Cư sĩ Phallop Thaiarry, Chủ tịch WFB, Viện trưởng Đại học Phật giáo Thế giới (WBU) dẫn đầu phái đoàn. Cùng đi có cư sĩ Montian Thananart, Tổng Thư ký WFB, Phó Viện trưởng WBU; cư sĩ Samarn Sudto, cố vấn WFB và WBU; cư sĩ Kittitat Thaiarry, Giám đốc, Văn phòng Viện trưởng WBU; cư sĩ Idanont Thaiarry, Tổng Thư ký Hội Liên hữu Thanh niên Phật tử thế giới; cư sĩ Jeerapat Panskun, nữ cư sĩ Naruechol Barvornphibul, đồng Giám đốc WFB; cư sĩ Henry Hien Dang, cố vấn Chủ tịch WFB, Chủ tịch Ủy ban Thường trực Thống nhất và Đoàn kết.
Cùng tham dự tiếp phái đoàn với Đức Pháp chủ GHPGVN có Trưởng lão Hòa thượng Viên Minh, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh.
Hòa thượng Thích Lệ Trang, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM, Phụ tá Đức Pháp chủ; Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư; Thượng tọa Thích Giác Dũng, Thư ký Văn phòng II Hội đồng Chứng minh, Thư ký Văn phòng Đức Pháp chủ; Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Thường trực ban Phật giáo Quốc tế T.Ư; Thượng tọa Thích Giác Hiệp, Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế T.Ư.
Đối trước Đức Pháp chủ GHPGVN, cư sĩ Phallop Thaiarry đã thành kính đảnh lễ, dâng lời cung thỉnh ngài vào ngôi vị Chứng minh tối cao của WFB, tổ chức Phật giáo quốc tế thành lập đầu thập niên 1950 của thế kỷ XX.
Tiếp đó, cư sĩ Phallop Thaiarry đã tóm tắt lại quá trình hình thành và phát triển của WFB, đánh giá cao sự đóng góp của GHPGVN vào quá trình xây dựng đất nước Việt Nam. Cư sĩ cho biết trong những năm qua, WFB luôn ngưỡng mộ và trân trọng những cống hiến không ngừng nghỉ của Đức Pháp chủ GHPGVN cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp tại Việt Nam, trong khu vực, cũng như trên thế giới.
Cư sĩ bày tỏ tin tưởng rằng dưới sự hướng dẫn của các bậc thầy tôn quý và mẫu mực như Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, WFB sẽ tiếp tục duy trì, xiển dương các giá trị cốt lõi dựa trên lòng từ bi, trí tuệ của Phật giáo, truyền bá thông điệp hòa bình và đoàn kết trên khắp thế giới.
Đức Pháp chủ GHPGVN đã hoan hỷ nhận lời cung thỉnh của WFB. Ngài cho biết, Việt Nam là một trong số 27 quốc gia đã cùng tham dự vào việc khai sinh WFB và tiến trình phát triển của Phật giáo Việt Nam cũng phần nào có liên hệ mật thiết với WFB.
Đức Pháp chủ nhắc lại sự kiện năm 1950, sau khi trở về từ hội nghị thành lập WFB tại Sri Lanka, Hòa thượng Tố Liên đã mang lá cờ Phật giáo về trong nước và tham gia vận động thành lập Tổng hội Phật giáo Việt Nam.
Từ đó, Phật giáo Việt Nam mới có cơ hội phát triển, đào tạo Tăng tài để tiếp nối hoạt động. Cho đến Pháp nạn năm 1963, Ủy ban Liên phái bảo vệ Phật giáo ra đời với sự tham gia của 11 tập đoàn Phật giáo nhằm bảo vệ Phật giáo trước sự kỳ thị, đàn áp của chế độ độc tài đương thời tại miền Nam; đỉnh cao là sự kiện Bồ-tát Thích Quảng Đức tự thiêu để bảo tồn Phật giáo, cầu nguyện cho hòa bình trong nước cũng như thế giới.
Năm 1981, GHPGVN ra đời trong hoàn cảnh đất nước Việt Nam đã được hòa bình, thống nhất thực sự. Với điều kiện hoạt động và phát triển tốt đẹp hơn, ngày nay, khắp ba miền Bắc Trung Nam, Tăng Ni được đào tạo từ căn bản cho đến bậc đại học và trên đại học. Phật giáo Việt Nam cũng tham gia vào nhiều tổ chức Phật giáo thế giới và khu vực.
Đức Pháp chủ đề nghị trong thời gian sắp tới, Phật giáo Việt Nam có thể gửi nghiên cứu sinh đến WBU để cùng nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của Phật giáo Việt Nam nhằm từ đó, đóng góp thiết thực hơn cho sự phát triển của Phật giáo tại Việt Nam và nền hòa bình thế giới.
Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới được thành lập vào ngày 25-5-1950 tại thủ đô Colombo, Sri Lanka với sự tham dự của 129 đại biểu đến từ 27 quốc gia. Hòa thượng Tố Liên là đại diện của Phật giáo Việt Nam tham dự hội nghị sáng lập của Hội.
Hiện nay, WFB có 211 chi nhánh tại 55 quốc gia và các vùng lãnh thổ. Mục đích của Hội là thắt chặt tinh thần đoàn kết, thống nhất và hữu nghị giữa các quốc gia có sự hiện diện của Phật giáo; xiển dương lời dạy của Đức Phật và hoạt động mang lại hạnh phúc, hòa hợp và hòa bình trên thế giới.
Một số hình ảnh ghi nhận bởi Giác Ngộ: