Hội Luật gia Việt Nam tham dự Diễn đàn pháp lý quốc tế Saint Petersburg lần thứ XIII

Diễn đàn pháp lý quốc tế Saint Petersburg lần thứ XIII với chủ đề 'Pháp luật: Bài học từ quá khứ cho thế giới tương lai' được tổ chức từ ngày 19 đến 21/5.

Được tiến hành với sự hỗ trợ của Tổng thống Liên bang Nga, Diễn đàn pháp lý quốc tế Saint Petersburg là một trong những sự kiện lớn tổ chức thường niên tại Nga, là nơi gặp gỡ của các nhà khoa học, chính khách, các luật gia để thảo luận các vấn đề liên quan đến đời sống pháp luật của mỗi quốc gia và trên quy mô toàn cầu.

Trong lần thứ XIII tổ chức, diễn đàn thu hút sự tham gia của hơn 5.000 đại diện cộng đồng tư pháp, các giới doanh nghiệp và học thuật của Nga và quốc tế.

Nhận lời mời từ Ban Tổ chức, ông Nguyễn Khánh Ngọc - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã dẫn đầu đoàn của Hội Luật gia Việt Nam tham dự diễn đàn.

Tại đây, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam đã có tham luận quan trọng với chủ đề: "Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam: Thực trạng và triển vọng phát triển". Tham dự Diễn đàn còn có đại diện của Chi hội Luật gia Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam, Đại diện Đại học Luật Hà Nội và Tạp chí Luật học.

Toàn cảnh một phiên thảo luận tại Diễn đàn pháp lý quốc tế Saint Petersburg lần thứ XIII

Toàn cảnh một phiên thảo luận tại Diễn đàn pháp lý quốc tế Saint Petersburg lần thứ XIII

Pháp luật, bài học từ quá khứ cho thế giới tương lai là thông điệp chính của Diễn đàn lần này. Bối cảnh thế giới hiện hữu kéo theo pháp luật quốc tế cũng đầy rẫy những biến động đáng quan tâm và trở thành sự quan tâm của cộng đồng luật gia trên thế giới.

Trong khuôn khổ Diễn đàn năm nay, sẽ có nhiều phiên thảo luận được tổ chức với nhiều chủ đề chính khác nhau như: Luật pháp và xã hội; Hiệu lực pháp luật cho hiệu lực của Nhà nước; Pháp luật và chuyển đổi số; Pháp luật trong việc giải quyết tranh chấp; Pháp luật và tăng trưởng kinh tế; Pháp luật và môi trường sinh thái; Pháp luật về giáo dục, nghề nghiệp; Kỹ năng lập pháp…

Các chủ đề lớn được phân chia thành các chủ đề phạm vi nhỏ hơn để trình bày và thảo luận, như các vấn đề về quyền con người, văn hóa lập pháp, quy định của pháp luật về hoạt động truyền thông- thách thức từ hiện tại, tương lai về sự độc lập của nghề luật, hoạt động giám sát và quản lý dựa trên AI…

Trong phiên đầu tiên, "đặc sản" Hội Luật gia Việt Nam mang đến Diễn đàn là kinh nghiệm từ công tác trợ giúp pháp lý của Việt Nam.

Chia sẻ tại diễn đàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc cho biết hiện nay Việt Nam có 63 Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước với hơn 1.200 cán bộ, gần 100 chi nhánh cấp quận/huyện; cùng gần 200 tổ chức xã hội và hơn 100 Trung tâm Tư vấn Pháp luật của Hội Luật gia Việt Nam.

Kể từ khi được thành lập vào năm 1997 đến nay, hệ thống các trung tâm này đã giải quyết hơn 2,3 triệu vụ việc trợ giúp pháp lý. Chỉ tính riêng trong năm 2024 là trên 60.000 vụ, trong đó 83% là bào chữa, bảo vệ quyền lợi trực tiếp tại cơ quan điều tra và tòa án.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tham luận về Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam tại Diễn đàn.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam phát biểu tham luận về Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam tại Diễn đàn.

"Tại Việt Nam, trợ giúp pháp lý được xem là công cụ căn bản để bảo đảm quyền tiếp cận công lý cho tất cả công dân, không phân biệt tầng lớp hay hoàn cảnh kinh tế. Điều này đã được khẳng định trong Luật Trợ giúp pháp lý, theo đó Nhà nước có trách nhiệm cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho những đối tượng đủ điều kiện, đồng thời bảo đảm chất lượng và tính toàn vẹn của dịch vụ.

Bên cạnh sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, hệ sinh thái trợ giúp pháp lý ở Việt Nam còn có sự tham gia chủ động của các tổ chức xã hội, hãng luật và gần 100 Trung tâm Tư vấn Pháp luật trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam. Nhờ vậy, mạng lưới trợ giúp pháp lý của ngày càng đa dạng, hiệu quả và tiếp cận rộng khắp", ông Ngọc khẳng định.

Thay mặt Hội Luật gia Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Khánh Ngọc cũng bày tỏ sự vinh dự khi đứng trước diễn đàn uy tín này.

"Chúng ta có mặt ở đây không chỉ với tư cách những người làm công tác pháp lý mà còn là những người bảo vệ công lý, bảo đảm quyền lợi cho người yếu thế và cùng nhau thực hiện sứ mệnh chung: biến trợ giúp pháp lý từ một đặc quyền thành quyền lợi thiết yếu của mọi công dân…

Trợ giúp pháp lý ở Việt Nam được xây dựng trên nền tảng Hiến pháp 2013, đảm bảo quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền được xét xử công bằng và quyền được bào chữa. Việt Nam cũng đang tích cực tham gia các công ước quốc tế như ICCPR, CEDAW, Công ước Quyền Trẻ em, và đã ký nhiều hiệp định tương trợ tư pháp song phương, trong đó có Liên bang Nga, khẳng định cam kết hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm toàn cầu", Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và ông Sergey Stepashin - Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga.

Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc và ông Sergey Stepashin - Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga.

Trong khuôn khổ Diễn đàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Nguyễn Khánh Ngọc đã có cuộc gặp gỡ với ông Evgeny Zabarchuk - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Liên bang Nga và ông Sergey Stepashin - Chủ tịch Hội Luật gia Liên bang Nga. Hai bên trao đổi một số vấn đề về hợp tác pháp luật giữa Hội Luật gia 2 nước.

Việc tham dự Diễn đàn cũng là hoạt động thuộc Chương trình hợp tác giữa Hội Luật gia Việt Nam với Hội Luật gia Liên bang Nga giai đoạn 2024-2025 nhằm góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác pháp luật tư pháp hợp tác pháp luật và tư pháp giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả giữa hai bên.

Trần Ngọc Hà (Từ Saint Petersburg, Liên bang Nga)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/hoi-luat-gia-viet-nam-tham-du-dien-dan-phap-ly-quoc-te-saint-petersburg-lan-thu-xiii-204250519211437846.htm