Hội nghị ATGT Việt Nam 2023: Giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi đón trả hoa tiêu trên biển
Đây là đề xuất của nhóm nghiên cứu gồm PGS.TS Nguyễn Mạnh Cường và TS. Lê Tú Nam từ Đại học Hàng Hải gửi đến Ban tổ chức Hội nghị ATGT 2023, nghiên cứu áp dụng phương pháp phân tích rủi do để giảm thiểu nguy cơ tai nạn khi đón trả hoa tiêu trên biển.
Trong vận tải biển, việc thực hiện từng hoạt động đòi hỏi phải chuẩn bị đánh giá rủi ro thích hợp. Mục đích chính của đánh giá rủi ro là để đánh giá liệu công việc có thể được thực hiện một cách an toàn hay không và những hành động khắc phục và/hoặc phòng ngừa có cần phải thực hiện để chỉ số rủi ro ước tính được coi là chấp nhận được để thực hiện an toàn công việc đã cho.
Vào giữa những năm 1990, để thúc đẩy và cải thiện công tác đảm bảo an toàn hàng hải, IMO đã thông qua phương pháp Formal Safety Assessment - FSA do Cơ quan Hàng hải và Cảnh sát biển (MCA) đưa ra tại cuộc họp lần thứ 62 của Ủy ban An toàn Hàng hải (MSC), đồng thời yêu cầu các thành viên tích cực tham gia vào nghiên cứu về an toàn tàu biển.
FSA là một phương pháp đánh giá tích hợp có cấu trúc và hệ thống. Mục đích của việc áp dụng phương pháp này trong thiết kế tàu, vận chuyển và quản lý an toàn là sử dụng quy trình của FSA để phân tích tổng thể về thiết kế, kiểm tra, vận hành, khai thác tàu biển nhằm nâng cao an toàn hàng hải. FSA có thể được sử dụng như một công cụ để cải thiện các biện pháp và quy định hiện hành, hoặc xây dựng các biện pháp và quy định mới trên cơ sở phân tích các thiết kế và công nghệ kỹ thuật hiện tại về tàu biển, hoạt động và kiểm soát tàu, các tiêu chuẩn và quy định về quản lý an toàn, cùng với sự kết hợp của nhu cầu thực tế.
Những kết quả đạt được sau khi được IMO đưa vào áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực an toàn hàng hải đã chứng minh rằng FSA là một phương pháp thống kê, đánh giá hiệu quả và chi tiết.
Nhiều vụ tai nạn có thể tránh được hoặc giảm thiểu tác động nếu các quy trình liên quan đến đón trả hoa tiêu trên biển được thực hiện tốt hơn. Có hàng nghìn hoạt động đón trả hoa tiêu hàng ngày trên toàn thế giới và cần phải có các biện pháp để bảo vệ tính mạng và sức khỏe của hoa tiêu khi làm việc. Bài báo đã nêu ra mối quan tâm của ngành hàng hải thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng về khi đón trả hoa tiêu trên biển cùng với các lỗi vi phạm thường thấy. Nghiên cứu cũng trình bày một phương pháp phân tích rủi ro đối với hoạt động lên xuống tàu của hoa tiêu bằng thang trên biển.
Kết quả của phương pháp FSA để đánh giá nguy cơ tai nạn khi đón trả hoa tiêu bằng thang trên biển sẽ là cơ sở để xây dựng các quy trình phù hợp và danh sách kiểm tra cho các bên liên quan tham gia vào các hoạt động đón trả hoa tiêu trên biển. Việc sử dụng rộng rãi các quy trình đảm bảo an toàn và đánh giá rủi ro, kết hợp với việc đào tạo năng lực chuyên môn và kỹ năng nhận diện, phân tích nguy cơ cho hoa tiêu về nghiệp vụ, sẽ góp phần nâng cao an toàn tổng thể trong các hệ thống vận tải hàng hải.