Hội nghị Ngoại trưởng G20: Bài toán công bằng trong phát triển với các nước Nam bán cầu
Cuộc họp các ngoại trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra trong tuần này tại Nam Phi là cơ hội để thúc đẩy công bằng trong phát triển với các nước Nam bán cầu.

Hội nghị Ngoại trưởng G20 diễn ra tại Trung tâm triển lãm Nasrec tại Johannesburg từ ngày 20-21/2. (Nguồn: VCG)
Thuật ngữ “Nam bán cầu” xuất hiện từ thời Chiến tranh Lạnh để chỉ sự phân chia kinh tế giữa các quốc gia công nghiệp hóa giàu có phía Bắc với các nước đang phát triển ở phía Nam. Từng là khu vực của nghèo đói và kém phát triển nhưng trong 40 năm qua, Nam bán cầu đã vươn lên mạnh mẽ, hiện chiếm 42,7% tổng GDP thế giới và đóng góp 80% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Mặc dù vậy, tiếng nói của Nam bán cầu vẫn chưa được thể hiện một cách công bằng, cơ hội phát triển vẫn bị kìm hãm. Đơn cử như tiến bộ khoa học và công nghệ là chìa khóa để đạt được sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, chìa khóa này phần lớn bị một số quốc gia độc quyền chiếm lĩnh, dẫn đến việc các quốc gia Nam bán cầu bị gạt ra ngoài lề và chịu nhiều hậu quả.
Hay như các nước công nghiệp phát triển không tuân thủ cam kết do chính họ đề ra, bao gồm việc huy động 100 tỷ USD hằng năm hỗ trợ các quốc gia đang phát triển ở phía Nam giảm thiểu nguy cơ biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi năng lượng.
Chính vì thế, không có gì ngạc nhiên khi trong vai trò Chủ tịch G20, lại là đại diện quan trọng của Nam bán cầu, Nam Phi đã tận dụng cuộc họp lần này để hướng tới hàng loạt các vấn đề cấp bách với khu vực. Đó là mở rộng hợp tác Bắc-Nam, bảo đảm việc tiếp cận nguồn tài chính cho các quốc gia đang phát triển, hiện thực hóa mục tiêu tái tạo năng lượng...
Đặc biệt là đề cao mục tiêu xóa bỏ tình trạng mất cân bằng và bất bình đẳng trong phát triển với các nước Nam bán cầu. Đây chính là bước đi hiện thực hóa mục tiêu mà Liên hợp quốc đặt ra, tạo một hệ thống toàn cầu bình đẳng cho tất cả mọi người.