Hội nghị Cấp cao ACMECS 9, CLMV 10 và CLV 11: Thúc đẩy quan hệ hợp tác chặt chẽ, toàn diện

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia và Thủ tướng Lào, ngày 9/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady - Chao Phraya - Mekong lần thứ 9 (ACMECS 9), Hội nghị Cấp cao hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam lần thứ 10 (CLMV 10) và Hội nghị Cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 11 (CLV 11) theo hình thức trực tuyến.

Việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự các hội nghị cấp cao này khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong và hợp tác Campuchia - Lào - Myanmar - Việt Nam; nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam, góp phần mở ra chương mới trong hợp tác khu vực Mekong, đóng góp ngày càng nhiều hơn cho sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung ở khu vực.

Với ACMECS, cơ chế hợp tác được thành lập vào tháng 11/2003 tại Hội nghị Cấp cao Bagan theo sáng kiến của Thái Lan với 4 nước thành viên là Campuchia, Lào, Myanmar, và Thái Lan. Việt Nam chính thức tham gia ACMECS tại Hội nghị Bộ trưởng ACMECS lần 1 tại Thái Lan, tháng 11/2004. Tại Hội nghị ACMECS lần thứ 8 (năm 2018) với chủ đề “Hướng tới một Cộng đồng ACMECS kết nối và hội nhập”, các nhà lãnh đạo đã tập trung thảo luận về các biện pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng tính cạnh tranh cho các nền kinh tế thành viên Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và đề ra các định hướng hợp tác vì phát triển bao trùm và bền vững của khu vực Mekong. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo đã thảo luận việc thành lập Quỹ ACMECS và Quỹ tín thác ACMECS nhằm hỗ trợ triển khai các dự án ưu tiên trước mắt của các nước thành viên. Đến nay, đã có 6 quốc gia chính thức trở thành đối tác phát triển của ACMECS gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ. New Zealand và Israel cũng gửi thư mong muốn hợp tác cùng ACMECS và dự kiến sẽ được xếp vào danh sách đối tác phát triển ACMECS giai đoạn 2.

Trong khi đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Nhật Bản, tháng 12/2003, Tokyo, Nhật Bản, lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV) đã nhất trí hình thành cơ chế họp cấp cao giữa bốn nước CLMV. Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập tiểu vùng Mekong và ASEAN. Mục tiêu của hợp tác CLMV nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội của các nước CLMV, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước CLMV và các nước ASEAN khác. Tại Hội nghị CLMV lần thứ 9, các nhà lãnh đạo thống nhất ưu tiên các biện pháp giúp thu hẹp khoảng cách phát triển trong ASEAN, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, phát triển nông nghiệp chất lượng cao, thúc đẩy du lịch và tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi. Đối với việc huy động nguồn lực, lãnh đạo các nước nhất trí cần đa dạng hóa kênh vận động tài trợ, không chỉ qua Ban Thư ký ASEAN mà cả các đối tác phát triển và các tổ chức tài chính quốc tế.

Tam giác phát triển Việt Nam, Lào và Campuchia (CLV) được Thủ tướng 3 nước quyết định thành lập năm 1999. Với mục tiêu tăng cường đoàn kết và hợp tác 3 nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực, hợp tác tam giác phát triển CLV tập trung vào các lĩnh vực: An ninh – đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…

Tham dự các hội nghị quốc tế lần này khẳng định Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ hợp tác chặt chẽ, toàn diện giữa các nước láng giềng, có ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề an ninh và phát triển của Việt Nam.

Thu Phương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hoi-nghi-cap-cao-acmecs-9-clmv-10-va-clv-11-thuc-day-quan-he-hop-tac-chat-che-toan-dien-148890.html