Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật

PTĐT - Ngày 24/11, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc- Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật.

Đồng chí Bùi Văn Quang-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự và chủ trì tại điểm cầu Phú Thọ...Với chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển phục vụ người dân và doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế, thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh cho khởi nghiệp sáng tạo, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu trong công tác lãnh đạo, điều hành. Chính phủ có nhiều đổi mới trong công tác xây dựng pháp luật, tập trung cao và dành nhiều thời gian cho việc thảo luận, thông qua các dự án, dự thảo văn bản, trước hết là các dự án luật, pháp lệnh.Trong giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống pháp luật của nước ta không ngừng hoàn thiện. Hệ thống pháp luật phát triển cơ bản cân đối trên mọi lĩnh vực. Hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đảm bảo xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước.Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 5 năm qua, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 71 luật, 2 pháp lệnh. Chính phủ ban hành 745 nghị định, tăng 24 nghị định so với giai đoạn 2011-2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch; ở địa phương ban hành tổng số 92.799 văn bản.Trong thời gian vừa qua, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật vẫn còn hạn chế, bất cập.Tại hội nghị lần này, lãnh đạo Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo tổng quan về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, hội nghị sẽ nghe, thảo luận về các vấn đề: Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thành pháp luật-thực tiễn và giải pháp; công tác lập dự kiến chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh và thẩm tra, chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số vấn đề về công tác phối hợp trong xây dựng pháp luật và kiến nghị các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa và yêu cầu đặt ra cho công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật của Chính phủ...Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và thi hành pháp luật. Thủ tướng đồng tình, thống nhất với báo cáo của Bộ Tư pháp, cũng như tham luận của đại diện các bộ ngành về kết quả xây dựng hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật giai đoạn 2016-2020. Đồng thời đánh giá cao vai trò của Bộ Tư pháp, các bộ ngành liên quan triển khai xây dựng các dự án Luật để trình Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, sau khi Chính phủ đã thông qua. Thủ tướng nhấn mạnh về việc cần phải xây dựng hệ thống pháp luật để làm bệ đỡ cho đất nước phát triển.

Để nâng cao hơn chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ sau: xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật; kịp thời thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, xử lý những vướng mắc, bất cập, chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các các cơ quan trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Tiếp tục xử lý nghiêm những vi phạm trong thi hành Luật đã được Quốc hội thông qua . Đồng chí cũng đề nghị Bộ Tư pháp cần tiếp tục phát huy vai trò "nhạc trưởng", tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng các dự án Luật, hoàn thiện quy trình xây dựng hệ thống pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật, bảo đảm xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi. Thủ tướng nhấn mạnh: Cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, thi hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm thượng tôn pháp luật để xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Thu Hà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/thoi-su/tin-noi-bat-trong-tinh/202011/hoi-nghi-cua-chinh-phu-ve-cong-tac-xay-dung-hoan-thien-phap-luat-va-thi-hanh-phap-luat-174091