Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách: Giảm tối đa độc quyền ngành điện nhưng vẫn bảo đảm an ninh năng lượng

Ngày 29-8, tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, hội nghị thảo luận về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Một trong những quy định của dự thảo luật được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực. Theo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cần cụ thể hóa các chính sách quy định trong dự thảo luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước để thực hiện.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, làm rõ các quy định để bảo đảm tính khả thi trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước. Đặc biệt các nội dung về giá điện, về việc xóa bỏ bù chéo; nghiên cứu bổ sung một số chính sách lớn liên quan đến bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; phát triển tổng thể nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành điện; ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực năng lượng; bổ sung chủ trương bảo đảm mục tiêu phát triển ngành điện gắn với an ninh năng lượng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận tại hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung thảo luận tại hội nghị.

Liên quan đến hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường, theo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, quá trình tái cơ cấu ngành điện phục vụ thị trường điện cạnh tranh rất chậm so với tiến độ đã được quy định. Do vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ, bổ sung các quy định mang tính nguyên tắc liên quan đến lộ trình phát triển thị trường điện; kế hoạch tái cơ cấu ngành điện; kế hoạch cải cách giá bán lẻ điện và tuân thủ chỉ đạo tại Nghị quyết số 55-NQ/TW.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc bảo đảm cơ cấu giá điện ổn định; nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về cải cách giá điện như: Xóa bỏ bù chéo giữa các nhóm khách hàng, thực hiện giá điện hai thành phần, giá điện cho khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện, giá điện nhập khẩu, xuất khẩu... để tạo tín hiệu tốt, thu hút đầu tư vào ngành điện. Đồng thời, cần quy định rõ tiêu chí giá bán lẻ điện; trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giá điện.

 Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài phát biểu tại hội nghị.

Nhiều ý kiến đại biểu tại hội nghị đánh giá, các quy định để bảo đảm phát triển thị trường điện theo hướng cạnh tranh, minh bạch, giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết. Bên cạnh đó, khi thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường, Nhà nước cần có chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho những đối tượng yếu thế, đối tượng chính sách… Đại biểu cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ việc sửa đổi luật có chống được độc quyền hay không, Nhà nước độc quyền đến đâu, giao lại cho các ngành kinh tế khác như thế nào?

Phát biểu làm rõ một số vấn đề, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, dự thảo luật đã có quy định về độc quyền Nhà nước, trong đó, chủ yếu là độc quyền điều độ hệ thống điện. Đối với đầu tư, chỉ độc quyền Nhà nước với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng, bảo đảm tính vận hành ổn định của hệ thống. Các lưới điện truyền tải, về nguyên tắc chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (220 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, vừa qua, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia đã chuyển từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về Bộ Công Thương. Do đó, EVN và các tập đoàn tham gia thị trường điện như một chủ thể thông thường. Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh, giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng.

 Quang cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV.

Quang cảnh hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, nhiệm kỳ khóa XV.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Điện lực; cần có chính sách đột phá để phát triển điện lực phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh năng lượng. Đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ băn khoăn về chất lượng dự án luật, thời gian tiếp thu hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật trình Quốc hội để có thể thông qua tại một kỳ họp; các đại biểu Quốc hội đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và nên thông qua theo quy trình hai kỳ họp.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, hoàn chỉnh dự án luật theo đúng quy định, trình Quốc hội xem xét, quyết định.

MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/hoi-nghi-dai-bieu-quoc-hoi-chuyen-trach-giam-toi-da-doc-quyen-nganh-dien-nhung-van-bao-dam-an-ninh-nang-luong-791596